Dòng tiền đổ mạnh vào chứng khoán đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về bong bóng giá tài sản. Ảnh: Dũng Minh |
Cảnh báo từ các chuyên gia kinh tế
Mặc dù thành công kép của Việt Nam trong năm 2020 tiếp tục là bài học mà giới chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế phân tích như một kinh nghiệm quý cho không chỉ Việt Nam, mà cả nhiều nền kinh tế khác, nhưng các chuyên gia của Trường đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) vẫn buộc phải lên tiếng cảnh báo đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 và trung hạn.
“Chất lượng tăng trưởng thực sự vẫn đang là vấn đề cần cảnh báo”, PGS-TS Tô Trung Thành, chủ biên ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2021 với chủ đề Ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19, hướng tới phục hồi và phát triển” (do NEU thực hiện, công bố ngày 31/3/2021).
Lý giải điều này, PGS-TS Thành nhắc đến năng suất lao động của Việt Nam chưa có cải thiện trong 10 năm qua, vẫn đang ở mức thấp, chỉ tương đương với Lào, Campuchia, kém 3 lần so với Thái Lan, kém 7 lần so với Malaysia, kém 4 lần so với Trung Quốc... Chất lượng đầu tư, thể hiện bằng chỉ số ICOR năm 2020 là 14,28%, cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011-2015 (khoảng 6,5%)...
“Chất lượng tăng trưởng nền kinh tế đã có cải thiện, nhưng vẫn chậm so với các nền kinh tế trong khu vực. Đặc biệt, cơ cấu nền kinh tế cũng tiếp tục cần phải bàn vì vẫn lạc hậu so với mức trung bình của nhóm nước thu nhập trung bình thấp”, PGS-TS Thành phân tích.
Có thể nhìn vào mức xuất siêu kỷ lục của năm 2020. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu hầu như không có thay đổi trong những năm gần đây. Khu vực FDI vẫn chiếm đến 72,2% tổng giá trị xuất khẩu và 64% tổng giá trị nhập khẩu năm 2020, tăng lần lượt 2,2% và 6,6% so với năm 2019. Đây cũng là khu vực đóng góp chính đến thặng dư cán cân thương mại cho nền kinh tế, khi khu vực nội địa nhập siêu 15,5 tỷ USD, còn khu vực FDI xuất siêu lên đến 34,6 tỷ USD.
Điều này phản ánh thực tế là doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ sức thâm nhập thị trường thế giới, vai trò của khu vực này còn rất yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. “Chuỗi giá trị mà các doanh nghiệp FDI tạo lập cho Việt Nam còn ở vị trí thấp, ít giá trị gia tăng, vì vậy, họ cũng dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài, thể hiện rõ khi Covid-19 xuất hiện”, PGS-TS Thành chia sẻ.
Đặc biệt, PGS-TS Phạm Thế Anh nhắc đến dấu hiệu đáng lo ngại của hiện tượng bong bóng giá trị tài sản, khi tỷ lệ M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang lần lượt tiệm cận mốc 200% và 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5. Mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định, nhưng bong bóng giá tài sản (bên cạnh nợ xấu) đang là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. Giá chứng khoán và bất động sản đều tăng bất thường trong năm 2020.
“Đây là điểm rất cần cảnh báo. Lúc này, chính sách tiền tệ cần thận trọng và phải đảm bảo hướng dòng tiền vào sản xuất, nếu không sẽ làm hạn chế tăng trưởng trong dài hạn”, PGS-TS Thế Anh nhấn mạnh.
Thông điệp gửi tới Chính phủ mới
Cùng ngày, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ 3/2021. Đây được xem là phiên họp cuối cùng trước khi Chính phủ được kiện toàn. Ngay trong cuộc họp này, Chính phủ cũng nhắc đến thách thức tăng trưởng 6,5% năm 2021, mặc dù những chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng quý I/2021 được cho là khá sáng sủa trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Ngay đầu tuần này, các vấn đề của nền kinh tế năm 2020 và giai đoạn 2016-2021 cũng đã được kỳ họp cuối của Quốc hội XIV phân tích. Những lo ngại về những chậm trễ trong các dự án hạ tầng giao thông, trong sửa đổi Luật Đất đai, trong các chính sách chưa rõ ràng, minh bạch khiến không chỉ nguồn lực nhà nước không được tối ưu hiệu quả, mà nguồn lực của khu vực tư nhân vẫn đang ở thế ngần ngừ, chờ đợi.
- Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thậm chí còn nhắc tới thực tế không đạt được mong muốn huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước khi tỷ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt được 45,6%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới.
“Vẫn biết việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách khó hơn rất nhiều so với việc dùng ngân sách để đầu tư cho các công trình, dự án; huy động sức mạnh của toàn dân chưa bao giờ là điều đơn giản. Nhưng, một Chính phủ kiến tạo phải là một Chính phủ phát huy được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân. Chúng tôi tin rằng, Chính phủ sẽ làm được điều này. Chỉ có như vậy, chúng ta mới đủ sức để đi đường dài. Chỉ có như vậy mới phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thế giới”, bà Mai đặt kỳ vọng.
Đây cũng là lý do các chuyên gia từ NEU cho rằng, thông điệp chính mà họ muốn gửi tới Chính phủ mới là kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, cho dù rất có thể phải có đánh đổi giữa tăng trưởng trước mắt và dài hạn.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ quan điểm này khi cho rằng, năm 2021 là năm củng cố lòng tin và một trong những cơ sở quan trọng làm nên niềm tin chính là ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông, điểm này vô cùng quan trọng vì Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với kỳ vọng bền vững hơn, bao trùm hơn và khát vọng hơn, đòi hỏi sự tham gia của cả Nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp và từng người dân.
Đặc biệt, cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới, sáng tạo cũng được nhắc đến như một động lực mới, nhưng cần phải rõ ràng, minh bạch và thực sự thúc đẩy sự thay đổi.
“Định hướng chuyển đổi số, Chính phủ điện tử đã có, chính sách ban đầu cũng đã có, nhưng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để doanh nghiệp biết hướng đi thế nào, từ đó mới dám đầu tư đổi mới, sáng tạo thực sự mạnh mẽ”, ông Đàm Quang Hùng, Tổng giám đốc Thingo Group gửi gắm.