Sau khi được chữa khỏi Covid-19, các bệnh nhân thường bị nhiều hội chứng |
Căng thẳng triền miên
Khỏi Covid-19 đã 2 tháng nay, nhưng ông Nguyễn Văn Bình (Hà Nội) vẫn ôm ngực ho từng tràng dài, khó thở vì xơ phổi, viêm phế quản, cộng chứng mất ngủ, khiến chất lượng sống giảm sút. Ông thường xuyên kể với người nhà về ám ảnh khi nghe tiếng máy thở, mơ thấy người bệnh ở giường bên cạnh qua đời, thậm chí mơ bản thân chết mà không có vợ con bên cạnh, khiến ông giật mình tỉnh giấc trong hoảng loạn, bất an.
Chị Đặng Thị Khánh Lan (Dương Nội, Hà Đông) thì cho biết, sau khi khỏi Covid-19, chị bị rụng tóc, đau mỏi người, ăn không ngon, nghiêm trọng nhất là mất ngủ triền miên, trong người luôn uể oải, thâm quầng hai mắt, da sạm đi. Chị trở nên nhạy cảm hơn, những tiếng động như bát đũa va vào nhau, trẻ con nô đùa, tiếng tivi nhà hàng xóm cũng làm chị khó chịu. Đặc biệt, khi quay lại công việc, chị thường không tập trung, lơ đễnh, làm việc kém hiệu quả.
Theo một nghiên cứu của Anh đăng trên Tạp chí Y khoa E Clinical Medicine, sau khi mắc Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân mắc trầm cảm là 14,9%; mất ngủ 12,2%; lo âu 14,8%; cảm xúc cáu kỉnh giận dữ 12,8%; suy giảm trí nhớ 18,9%, mệt mỏi mạn tính 19,3%; đặc biệt rối loạn stress sau sang chấn lên tới 32,2%. Các triệu chứng phổ biến nhất sau khi mắc Covid-19 được một số nghiên cứu chỉ ra là mệt mỏi, kiệt sức và sương mù não, ảo giác, run rẩy, ngứa da, rối loạn chức năng tình dục, các vấn đề tim mạch và bàng quang, bệnh zona, mất trí nhớ, mờ mắt, tiêu chảy và ù tai.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Trung ương 1, tỷ lệ bệnh nhân sau Covid-19 mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%.
Lý giải về thực tế này, một số ý kiến chỉ ra, cú sốc về mặt tâm lý như mất người thân do đại dịch, chứng kiến các đồng bệnh qua đời, bản thân bị bệnh tật dày vò, phải đối mặt với cái chết, cô đơn khi đi điều trị một mình... nhưng không thể điều hòa được cảm xúc về bình thường sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý, mất ngủ, trầm cảm ở F0 khỏi bệnh.
GS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, Covid-19 cũng có thể là giọt nước làm tràn ly, khiến bệnh nhân đã có tổn thương tâm lý từ trước bùng nổ cơn trầm cảm. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, theo dõi di chứng hậu Covid-19 diễn ra trong thời gian chưa dài, nên không thể nói chắc chắn rằng di chứng nào là vĩnh viễn hay ngắn hạn; liệu chúng sẽ hết do tự nhiên hay điều trị. Do đó, sau khỏi Covid-19 mà có bất thường về chức năng như khó thở, mất ngủ, đau khớp, đau đầu, rối loạn nhịp tim... người bệnh nên đi khám để được đánh giá toàn diện chức năng các cơ quan, mức độ tổn thương, để có hướng điều trị phù hợp, tránh tình trạng phát sinh bệnh mới hậu Covid-19.
Giữ trạng thái tinh thần tốt
Có một thực tế là bệnh nhân khi gặp các vấn đề sức khỏe sau khi mắc Covid-19 thường đến các nhà thuốc để mua thuốc an thần, thuốc ngủ, hơn là gặp bác sỹ. Trong khi đó, các hiệu thuốc chỉ được phép bán thuốc ngủ theo toa được bác sỹ kê. Hiện đa phần các loại thuốc an thần, gây ngủ thuộc danh mục thuốc kê đơn.
Theo các bác sỹ, nếu lạm dụng một số loại thuốc như Benzodiazepine có thể gây phụ thuộc tâm lý và sinh lý. Người dùng thuốc có thể lo lắng, bồn chồn, mất ngủ trở lại, thậm chí suy sụp tinh thần, ưu phiền, giảm trí nhớ, nhất là ở người già. Khi dùng quá liều có thể dẫn đến tình trạng lú lẫn, uể oải, thực hiện động tác không chính xác.
Để ngăn các tác hại gây ra hậu Covid-19 cho sức khỏe người dân, hiện nhiều bệnh viện ở TP.HCM đã mở các phòng khám để tư vấn, khám và đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp. Một số bệnh viện lớn cũng thành lập khoa điều trị hậu Covid-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1, Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Sở Y tế TP.HCM cũng lập mô hình 3 tầng trong quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19. Trong đó, tầng 3 là các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối. Tầng 2 là bệnh viện tuyến quận, huyện. Tầng một là các cơ sở y tế địa phương.
Ngoài ra, TP.HCM cũng triển khai tiêm vắc-xin cho những người khỏi Covid-19. Trước đây, những trường hợp này cần đợi 6 tháng sau khi khỏi Covid-19 mới tiêm mũi tiếp theo. Hiện tại, quy định mới của Bộ Y tế cho phép họ có thể được tiêm ngay mũi vắc-xin bổ sung. Tại Hà Nội, mới đây, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã thành lập Khoa chống rối loạn tâm lý Covid-19. Nhiều trường hợp đã được tư vấn và điều trị.
Về phía người bệnh, theo khuyến cáo từ cơ quan y tế, ngay cả khi đã phục hồi và âm tính với SARS-CoV-2, người bệnh vẫn nên chú ý tuân thủ thật nghiêm túc theo tư vấn của bác sỹ trước khi xuất viện về nhà (ví dụ, cần phải thường xuyên đeo khẩu trang, vất khẩu trang dúng nơi quy định; giữ khoảng cách tiếp xúc với mọi thành viên trong gia đình, rửa tay thường xuyên với xà phòng với nước sạch…) đề phòng bệnh cho các thành viên khác trong gia đình và hàng xóm (cộng đồng). Cần hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại/thiết bị điện tử liên tục trong ngày.
F0 khỏi bệnh cần thực hiện một số biện pháp (tự làm hoặc có người hỗ trợ) duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý. Cần chú ý tập thở (hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày).
Bên cạnh đó, các F0 khỏi bệnh cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 30 phút/ngày, việc làm này sẽ giúp cho điều hòa nhịp sinh học của cơ thể. Các F0 sau khi khỏi bệnh cũng cần tự mình chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày.