Hơn 16.000 ca mắc mới sau 24h
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 16.377 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 10 ca nhập cảnh và 16.367 ca tại 62 tỉnh, thành phố. Hà Nội tiếp tục là địa phương có số ca mắc nhiều nhất cả nước.
So với ngày hôm qua, số ca mắc mới trong ngày hôm nay đã giảm 155 ca.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (giảm 206 ca), Hải Phòng (giảm 197 ca), TP.HCM (giảm 192 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bình Định (tăng 196 ca), Hà Nội (tăng 128 ca), Thanh Hóa (tăng 110 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.909 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.604.712 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.270 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.599.150 ca, trong đó có 1.181.611 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là thành phố Hồ Chí Minh (497.949), Bình Dương (289.731), Đồng Nai (95.993), Tây Ninh (67.772), Long An (39.891).
Gần 11.000 bệnh nhân khỏi bệnh
Về tình hình điều trị, cả nước có thêm 10.944 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.184.428 ca. Ngoài ra, hiện có 7.493 bệnh nhân nặng đang điều trị.
Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 22/12 đến 17h30 ngày 23/12, nước ta ghi nhận 280 ca tử vong tại 29 tỉnh, thành phố.
Như vậy, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 239 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.531 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 29/234 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Hà Nội: Nâng cao năng lực y tế cơ sở để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 22/12 đến 18h ngày 23/12 Hà Nội ghi nhận 1.765 ca mắc mới.
Phân bố theo nơi ghi nhận như sau: Tại cộng đồng (733); Tại khu cách ly (984); tại khu phong tỏa (48).
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (199); Hà Đông (172); Đống Đa (155); Đông Anh (115); Ba Đình (106); Hai Bà Trưng (105); Bắc Từ Liêm (94); Thanh Trì (73); Thanh Xuân (64); Long Biên (64).
Bệnh nhân phân bố tại 325 xã phường thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 733 ca cộng đồng ghi nhận tại 232 xã phường thuộc 29/30 quận huyện.
Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Đống Đa (92); Hà Đông (74); Hai Bà Trưng (62); Ba Đình (61); Hoàng Mai (60).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 33.809 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 12.372 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 21.437 ca.
Đến nay, toàn Thành phố đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 30.000 bệnh nhân mắc SARS-CoV-2.
Trong đó xấp xỉ 50% đã khỏi, hiện còn hơn 15.700 người đang được bố trí ở các tầng điều trị, trong đó chủ yếu ở tầng 1 với 5.900 người đang điều trị tại nhà và hơn 8.000 người đang được điều trị tại trạm y tế lưu động và các cơ sở thu dung.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Số ca F0 mới phát sinh bình quân mỗi ngày tăng cao.
Trong đó, tính đến 18 giờ ngày 22/12, trong vòng 24 giờ, toàn Thành phố đã ghi nhận gần 1.650 ca F0, nâng tổng số ca mắc từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay lên hơn 32.000 ca, trong đó hơn 1/3 là ca mắc ngoài cộng đồng.
Nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm và có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy là tập trung tối đa cho tuyến cơ sở; trọng tâm là củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở để kịp thời hỗ trợ người dân, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trên từng địa bàn.
Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã vào cuộc tiếp tục rà soát về năng lực, điều kiện y tế của từng phường, xã, thị trấn, từng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; tiếp tục triển khai phương án bố trí trạm y tế lưu động, sẵn sàng đáp ứng khi số ca F0 tiếp tục tăng.
Đặc biệt, phương án bố trí trạm y tế lưu động phải gắn với cơ sở vật chất và nhân lực cụ thể. Trong đó, các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo để chính quyền phường, xã, thị trấn và y tế cơ sở nắm chắc thông tin người bệnh trên địa bàn; có phương án duy trì liên lạc để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ chăm sóc, tránh để người dân gọi mà không ai trả lời.
TP.HCM: Tăng cấp độ dịch với địa bàn không chăm sóc tốt F0 tại nhà
Ngày 23/12, Sở Y tế TP.HCM ban hành công văn khẩn về quy trình đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương trên địa bàn Thành phố nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM cho biết, việc đánh giá cấp độ dịch Covid-19 dựa trên 3 tiêu chí gồm: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần; tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19; khả năng thu dung điều trị Covid-19.
Tiêu chí 1 và 2 có thể lấy từ số liệu thống kê cụ thể. Số ca mắc mới trong tuần được Bộ Y tế công bố từ thứ 6 tuần trước đến thứ 5 tuần tiếp theo. Số người được tiêm vắc-xin Covid-19 được trích xuất từ nền tảng quản lý tiêm chủng. Mốc thời gian lấy số liệu tới hết thứ 5 hàng tuần.
Đối với tiêu chí thứ 3 (khả năng thu dung điều trị Covid-19) được đánh giá là đạt khi địa phương đảm bảo số lượng trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng; theo dõi F0 cách ly ở nhà theo quy định; F0 trên địa bàn được chăm sóc, quản lý tốt.
Nếu không đảm bảo trang thiết bị y tế hay chăm sóc tốt F0 cách ly tại nhà sẽ bị đánh giá chưa đạt và phải tăng cấp độ dịch.
Việc đánh giá cấp độ dịch được thực hiện mỗi tuần ở các cấp phường, xã; quận, huyện, TP.Thủ Đức và cấp toàn TP.HCM.
Cụ thể, nếu trong tuần có phản ảnh về việc Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương không đảm bảo các yêu cầu trên mà Sở Y tế xác nhận là đúng thì tiêu chí này được đánh giá không đạt.
UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức, phường, xã chịu trách nhiệm đảm bảo số lượng trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng tương ứng với số lượng F0 cách ly tại nhà và có kế hoạch trang bị phương tiện phòng hộ, hậu cần...
Đồng Tháp huy động hệ thống nhà thuốc, quầy thuốc phòng chống dịch
Sở Y tế Đồng Tháp vừa có Chỉ thị 5909/SYT-NVD, về việc huy động hệ thống nhà thuốc, quầy thuốc tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả trong phòng chống dịch trên địa bàn.
Theo đó, Đồng Tháp tập trung tăng cường phối hợp quân dân y, y tế công lập và tư nhân, đông tây y kết hợp, phát huy vai trò hiệu quả của các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện tham gia công tác phòng chống dịch, nhất là huy động hệ thống các nhà thuốc, quầy thuốc tham gia các hoạt động thiết thực giúp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0.
Bác sỹ Nguyễn Lâm Thái Thuận - Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp hiện có hơn 1.800 nhà thuốc, quầy thuốc, phân bố khắp 12 huyện, thành phố. Các nhà thuốc, quầy thuốc thường tập trung tại các khu vực đông dân cư như gần chợ, khu công nghiệp... nên việc kêu gọi và huy động các nhà thuốc, quầy thuốc tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 vô cùng cấp thiết trong tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp tại Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung.
Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đề nghị các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng và các địa phương sẵn sàng tham gia hoạt động phòng chống dịch COVID-19, với 3 hoạt động chính.
Một là: Cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng và thuốc cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người mắc COVID-19. Nhà thuốc, quầy thuốc cung ứng thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn (có chỉ định của bác sĩ) điều trị tại nhà đối với bệnh COVID-19 và các bệnh lý khác đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế; cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn và theo dõi việc sử dụng thuốc, góp phần đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.
Hai là: Truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh chịu trách nhiệm khẩn trương cung cấp nội dung hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 cho các nhà thuốc, quầy thuốc.
Ba là: Tham gia làm cầu nối giữa người dân với các trạm y tế, trạm y tế lưu động: Nhà thuốc, quầy thuốc cung cấp cho người dân các thông tin về trạm y tế hoặc trạm y tế lưu động trên địa bàn để liên hệ khi cần; phối hợp với trạm y tế hoặc trạm y tế lưu động phát hiện, theo dõi, chăm sóc sức khỏe người bệnh COVID-19.
Bảo đảm sức khoẻ nhân viên y tế
Ngày 22/12, Bộ Y tế có Công điện 2146/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19.
Theo đó, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương xây dựng lại kế hoạch nhân lực, ca kíp, hạn chế tối đa việc nhân viên y tế trực quá 8 tiếng 1 ngày.
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị hạn chế tối đa việc nhân viên y tế trực quá 8 tiếng 1 ngày. |
Cùng với đó, địa phương tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, “Thầy thuốc đồng hành”, tổ chức thiện nguyện, người có tâm huyết, người bệnh Covid-19 đã bình phục, y tế tư nhân, chính quyền cơ sở, tổ dân phố... cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà.
Khi cần thiết huy động người nhà, đội ngũ tình nguyện vào chăm sóc, theo dõi người bệnh tại các cơ sở điều trị.
Đặc biệt, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ, các hình thức động viên cụ thể bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2...
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến; đặc biệt huy động các cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân tham gia điều trị Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép: Vừa triển khai khám chữa bệnh thông thường, vừa tham gia điều trị, hồi sức tích cực Covid-19.
Cũng theo Bộ Y tế, trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý; theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời.
Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, điều trị.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” bằng các biện pháp: Rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao để tiêm đầy đủ vắc xin ngay cho đủ liều và phòng, chống lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ.
Sở Y tế và các bệnh viện tầng 3 điều phối hoạt động chuyển tuyến giữa các cơ sở điều trị; chỉ đạo, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế các địa phương cần bố trí mỗi bệnh viện điều trị Covid-19 có ít nhất “2 tầng điều trị” để thuận tiện trong điều trị và chuyển tầng nội viện. Tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi quá muộn.
Tổ chức tiêm vắc-xin an toàn
Trước diễn biến ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương, Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát, phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc-xin do thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới…
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất; nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô-xy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới;
Tổ chức tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, phấn đấu đến ngày 31/12 hoàn thành tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022; tổ chức tốt việc điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc Covid-19, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải…
Việt Nam chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Đến hết ngày 21/12, Việt Nam đã tiêm được hơn 140 triệu liều vắc-xin, tỷ lệ sử dụng đạt 91% số vắc xin phân bổ của 104 đợt.
Trong đó, với nhóm dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm hơn 130 triệu liều (hơn 69,2 triệu mũi 1; hơn 60,1 triệu mũi 2; gần 62 nghìn liều bổ sung và 274 nghìn liều nhắc lại).
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 97% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vắc-xin là 84,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Với nhóm dân số từ 12 đến 17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 9,6 triệu liều, trong đó, có hơn 6,8 triệu liều mũi 1 và hơn 2,8 triệu liều mũi 2.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin ở nhóm tuổi này là 75,2% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 30,7% dân số từ 12 đến 17 tuổi.
Hiện các tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ 2 liều vắc-xin cho nhóm tuổi này là Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nếu như trước đây, nước ta chỉ phấn đấu tiêm bao phủ mũi 2 vắc-xin Covid-19 cho người dân thì hiện nay, trường hợp suy giảm miễn dịch, bệnh nền được tiếp tục tiêm bổ sung liều cơ bản (mũi 3, mũi 4).
Sau liều cơ bản 3 tháng, người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi nhắc lại. Để bảo đảm tiến độ tiêm kịp thời, khi có vắc-xin chuyển về, địa phương phải lập tức tiêm ngay.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, nước ta chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo thống kê của các địa phương, có khoảng 11 triệu trẻ ở độ tuổi này.
Như vậy, để tiêm 2 liều cơ bản cho trẻ ở độ tuổi này sẽ cần có 22 triệu liều vắc-xin.
Để chủ động nguồn vắc xin, Bộ Y tế đã đàm phán với các nhà sản xuất, cung ứng vắc-xin để tiếp cận được nguồn vắc-xin Covid-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi sau khi có hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai tiêm cho đối tượng này.
Trước nguy cơ dịch lây lan mạnh trong dịp Tết sắp tới, Bộ Y tế đề nghị, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt, giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời để giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển biến nặng và tử vong.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin, phấn đấu đến ngày 31/12/2021, hoàn thành tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi; tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 đến 17 tuổi trong tháng 1/2022.