Y tế - Sức khỏe
Cảnh báo ngộ độc ma túy tổng hợp mới ở trẻ em qua dụng cụ thuốc lá điện tử
D.Ngân - 09/12/2022 20:31
Thời gian gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên và cả học sinh tiểu học hút thuốc lá điện tử đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân các em mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn bè và người xung quanh.

Nhiều hệ luỵ về sức khoẻ

Mới đây, vụ việc 8 học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nhập viện do chơi đùa với thuốc lá điện tử trong lớp học giờ nghỉ trưa tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của các loại thuốc lá điện tử đến sức khỏe của trẻ.

Hay trước đó, vụ việc 7 nữ sinh lớp 11 Trường THPT Yên Hưng, Quảng Yên (Quảng Ninh) mang theo thuốc lá điện tử đến lớp và rủ các bạn hút cùng.

Đến khi gần vào tiết 1, cả 7 em đều có biểu hiện chóng mặt, nôn trong lớp và được đưa tới Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên.

Công an thị xã Quảng Yên xác nhận, qua lấy mẫu xét nghiệm đối với 7 nữ sinh đều cho kết quả âm tính với ma túy và các chất kích thích.

Mới đây nhất, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa của Bệnh viện Nhi trung ương cũng vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 5 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử.

Ảnh minh hoạ

Nghi ngờ trẻ bị ngộ độc các thành phần chứa trong dung dịch thuốc lá điện tử, các bác sĩ lấy các mẫu bệnh phẩm (máu, nước tiểu, dung dịch trẻ uống) để xét nghiệm. Kết quả phát hiện chất ma túy tổng hợp mới ADB-BUTINACA.

Qua các trường hợp này các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã cảnh báo về việc ngộ độc ma túy tổng hợp mới ở trẻ em qua dụng cụ thuốc lá điện tử với các đồng nghiệp giúp ích cho việc chẩn đoán và điều trị kịp thời, cũng như giúp cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ cảnh giác đề phòng.

Theo chuyên gia, thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi.

Trẻ em không may nuốt, uống, hoặc hấp thụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật.

Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong.

Ngoài ra trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hóa học phụ gia như methyl salicylate, glycerin, hay propylence glycol. Đây là các hóa chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi.

Giám sát chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường

Để giúp trẻ hạn chế nguy cơ do thuốc lá điện tử gây ra, TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, các bậc cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu về thuốc lá điện tử.

Dựa trên các thông tin khoa học nghiêm túc, cha mẹ và con sẽ cùng tìm hiểu kỹ các thông tin như: Thuốc lá điện tử là gì, thuốc lá thường là gì; sự khác biệt của thuốc lá và thuốc lá điện tử;

Các loại hóa chất có thể được sử dụng trong thuốc lá điện tử; Tác hại của thuốc lá thường, thuốc lá điện tử; Hình dáng thuốc lá điện tử; Các nguồn cung cấp thuốc lá điện tử trong trường học.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần thảo luận với con về các cách phát hiện và ứng phó khi bị dụ dỗ thử thuốc lá điện tử. Phương pháp là bố mẹ dựng lên các kịch bản dụ dỗ khác nhau và cho con ứng xử xem có ổn không. Làm liên tục trong vài buổi để các con có kỹ năng nhận diện và ứng phó kịp thời khi bị dụ dỗ.

Theo TS. Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nhiều người nghĩ thuốc lá điện tử có thể dùng để cai thuốc lá điếu truyền thống. Tuy nhiên thực tế chưa có khuyến cáo về mặt y tế, cũng như chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng để khẳng định thuốc lá điện tử không có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.

Hiện nay thuốc lá điện rất đa dạng, nhiều hình thái khác nhau, rất khó quản lý, giám sát trong thành phần thuốc lá điện tử có những chất gì. Chưa nói đến việc có các chất gây nghiện trá hình trong thuốc lá điện tử; kể cả với những chất trong thuốc lá điện tử thông thường trên thị trường vẫn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh của trẻ.

Để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình trong đó bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Bố mẹ cần chú ý dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt.

Phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.

Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội, giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa bố mẹ và nhà trường cùng với sự chung tay của xã hội, tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử sẽ sớm được loại bỏ khỏi môi trường học đường. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ vị thành niên khỏe mạnh và trở thành nhân tố tương lai góp phần cho sự phát triển của xã hội, đất nước.

Tin liên quan
Tin khác