Y tế - Sức khỏe
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc tập thể từ methanol
N. Dương - 19/03/2023 21:34
Từ chỗ chỉ xảy ra trên quy mô nhỏ lẻ, đến nay, methanol trở thành hung thần khiến tính mạng nhiều người gặp hiểm nguy.
Ảnh minh họa

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu chứa methanol, khiến người dân gặp nguy hiểm về sức khỏe. Chuyên gia y tế nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tác hại của loại “nước độc” này, song tình trạng không những không giảm, mà còn tăng cao.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Việt Nam ghi nhận nhiễm độc methanol qua đường hô hấp và qua da trong điều kiện lao động, ảnh hưởng tới nhiều người, khi 108 công nhân tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Bắc Ninh đã phải nhập viện cấp cứu. Trong số đó, có 37 người nhiễm độc methanol, một người tử vong, nhiều người tổn thương mắt và não, có người mù mắt.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, kết quả xét nghiệm một loại cồn mà công nhân sử dụng cho thấy, nồng độ methanol chiếm tới 77,83%, không có ethanol. Công nhân ở đây đã nhiễm độc methanol qua đường hô hấp do hít phải không khí có nhiễm methanol và có thể một phần qua da khi da tiếp xúc trực tiếp với cồn.

Theo bác sĩ Nguyên, đây là vụ nhiễm độc methanol đầu tiên qua đường hô hấp và qua da trong điều kiện lao động, ảnh hưởng tới nhiều người.

Chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cho hay, methanol có nhiều tên gọi khác nhau. Mỗi sản phẩm hoặc địa chỉ có chứa methanol lại có thể đề tên gọi khác, dẫn tới người sử dụng hoặc người tiếp xúc nhầm lẫn hoặc bỏ qua. Methanol có thể xuất hiện trên nhiều mặt hàng, vật dụng trong cuộc sống với các tên gọi khác nhau như Alcohol methylique, Methyl alcohol, Methyl hydrate, Methyl hydroxide, Wood alcohol, Wood spirit, CH3-OH…

Ở các nước phát triển, các sản phẩm methanol dùng trong gia dụng được cho thêm chất màu xanh nước biển để dễ nhận biết. Methanol cũng tồn tại ở các sản phẩm cồn khô dùng làm nhiên liệu. Methanol dễ dàng bay hơi ở nhiệt độ phòng và có thể gây nhiễm độc qua đường hô hấp.

Methanol xâm nhập vào cơ thể dễ dàng qua da, đường hô hấp, tiêu hóa. Tất cả các loại khẩu trang, mặt nạ phòng độc đơn thuần, găng tay thấm nước đều không có tác dụng ngăn cản hoặc lọc được methanol.

Thực tế, methanol là hóa chất được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống, từ công nghiệp đến gia dụng, từ sản phẩm chính thức đến các sản phẩm phi pháp, sản phẩm giả.

Do lượng methanol rất nhiều, dễ bị tuồn ra ngoài và được bán với giá rất rẻ, nên cồn methanol rất dễ bị kẻ xấu dùng thay cho ethanol, dẫn tới nhiều sản phẩm ethanol có nguy cơ bị làm giả, gây ngộ độc/nhiễm độc cho người sử dụng.

Trung tâm Chống độc đã nhiều lần cảnh báo về hóa chất methanol chưa được kiểm soát tốt, bị “tuồn” ra ngoài vào tay kẻ xấu hoặc nhiều nhà sản xuất không chính đáng đóng thành các loại rượu rởm, pha thành nhiều loại cồt sát trùng, cồn y tế rởm bán ở một số hiệu thuốc, khiến người tiêu dùng lầm tưởng mua về sử dụng, kết quả là gây ra tử vong, ngộ độc.

Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, theo bác sĩ Nguyên, đầu tiên là khâu quản lý hóa chất. "Mong muốn các cơ quan quản lý không để cồn công nghiệp được phép bán tại hiệu thuốc, mà chỉ nên bán tại quầy hóa chất tẩy rửa, hoặc cửa hàng hóa chất để tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng", Giám đốc Trung tâm Chống độc khuyến nghị.

Tin liên quan
Tin khác