Sóng lớn
Đây không phải lần đầu thông tin này xuất hiện. Trước đó, vào giữa năm 2013 cũng đã có thông tin chủ đầu tư - Tập đoàn CP All (Thái Lan) sẽ triển khai mô hình đầu tư trực tiếp chuỗi cửa hàng 7-Eleven trước khi nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam, nhưng thông tin này sau đó nhanh chóng bị xóa bỏ, khi không có động thái nào trở thành hiện thực. Tuy nhiên, lần này thì khác, khi kế hoạch đã được lên kịch bản rõ ràng.
7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng bậc nhất thế giới với khoảng 38.000 cửa hàng ở bên ngoài Nhật Bản. Tại Đông Nam Á, 7-Eleven cũng đã “phủ sóng” tới Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia.
7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng bậc nhất thế giới với khoảng 38.000 cửa hàng ở bên ngoài Nhật Bản. |
Hàng hóa và những phong cách phục vụ hiện đại sẽ được ứng dụng để đáp ứng phân khúc khách hàng trẻ trung của Việt Nam, với các loại hàng được tập trung phát triển là thực phẩm ăn liền, thực phẩm đông lạnh và sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, ngành hàng thực phẩm sẽ chiếm từ 50 đến 75% doanh số của từng cửa hàng. Đây là tỷ lệ lý tưởng để đảm bảo mức lãi gộp hấp dẫn, hỗ trợ cho chiến lược nhượng quyền thương mại của 7- Eleven trên toàn cầu.
Cần phải nói thêm, cùng với 7-Eleven, các đối thủ của chính nhãn hiệu này đang phát triển mạnh tại Việt Nam đã có những tuyên bố sốc về số lượng cửa hàng cần đạt đến.
Circle K (Mỹ) 113 cửa hàng và mục tiêu 150 cửa hàng tại Việt Nam trong năm 2015; B's Mart (Thái Lan) 75 cửa hàng; Ministop (Aeon - Sojitz - Nhật Bản) đã có 17 cửa hàng và tiếp tục đẩy mục tiêu lên 800 cửa hàng trong vòng 10 năm tới.
Ngoài mô hình cửa hàng tiện lợi nước ngoài, các tên tuổi phân phối, bán lẻ trong nước cũng tham gia mạnh vào sân chơi chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi. Trong đó, Vingroup dù mới tham gia vào thị trường bán lẻ năm 2014, nhưng có chiến lược phát triển thần tốc, với mục tiêu sẽ đạt 1.000 cửa hàng tiện ích trong vòng 3 năm. Ngoài ra, Hapro và Saigon Co.op cũng đang tăng tốc gia tăng chuỗi cửa hàng lên những con số ấn tượng.
Vận mệnh thay đổi
Chuỗi những cửa hàng tiện lợi nêu trên không nằm lẩn khuất giữa những cửa hàng tạp hóa truyền thống, cũng không quá phô trương đến độ “thu hút mọi ánh nhìn của người tiêu dùng” như các trung tâm thương mại hoành tráng, nhưng sự hiện diện của nó “vừa đủ để người tiêu dùng vẫn không thể làm ngơ” khi ngang qua và cần mua thứ gì đó cho nhu cầu cuộc sống thường ngày.
Do đó, những tuyên bố mở rộng rầm rộ là điều đe dọa đến kênh phân phối truyền thống, nắm giữ vận mệnh của các doanh nghiệp sản xuất FMCG. Báo cáo Neilsen năm 2015 cho thấy, chỉ có 70% các cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam thực hiện đúng yêu cầu từ các nhà sản xuất trong việc phân phối sản phẩm của họ, đặc biệt vấn đề bảo quản sản phẩm theo yêu cầu của nhà sản xuất. Thế nhưng hơn 80% doanh số bán hàng của cả ngành FMCG lại đến từ kênh thương mại truyền thống, trong đó có cả 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ.
Ông Kagoshima Shigeto, Giám đốc Marketing Acecook Viêt Nam cho biết: “Khi chuỗi 7-Eleven vào sẽ làm thay đổi cục diện thị trường phân phối - bán lẻ của Việt Nam”.
Hiện kênh phân phối truyền thống (chợ, đại lý, cửa hàng) đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong hệ thống của Acecook. Bởi từ khi đặt chân vào Việt Nam (năm 1993), nền tảng hiện có của Acecook tại Việt Nam là do họ thực hiện chiến lược “triệt để có mặt ở tất cả các hệ thống bán lẻ của kênh truyền thống ngay từ đầu”. Hiện Công ty đã có 11 nhà máy, hơn 300 đại lý phân phối, phủ tới 95% điểm bán lẻ trên cả nước. Tuy nhiên, với cách làm bài bản của nhà đầu tư Nhật Bản, Acecook cũng đang kỳ vọng sẽ đưa được sản phẩm vào kênh phân phối tiện lợi, hiện đại của 7 – Eleven.
“Chúng tôi cũng muốn đưa sản phẩm mì vào chuỗi 7- Eleven và đang tích cực xúc tiến để đưa hàng vào những nơi như vậy”, ông Kagoshima Shigeto nói.
Sự đổ bộ của các ông lớn trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ cũng khiến cho ông lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh là Nestlé phải dè chừng.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị Công ty Nestlé Việt Nam nhận định, sự dịch chuyển các cửa hàng tiện lợi, siêu thị ở Việt Nam rất mạnh. Số cửa hàng mở mới nhiều, mà số đóng cửa cũng không ít đã cho thấy sự phát triển tự phát, không có quy mô và thiếu bài bản đã khiến cho các nhà phân phối gặp khó khăn theo. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài vào sẽ phát triển mạnh chuỗi cửa hàng, siêu thị, mà người Việt Nam thì đang trong trào lưu thích sự tiện lợi. Khi các nhà phân phối qua kênh truyền thống gặp khó khăn, thì các nhà sản xuất cũng sẽ khó khăn theo.
Theo bà Yến, Nestlé ngoài việc đầu tư 5 nhà máy sản xuất để phát triển rải sản phẩm khắp Việt Nam thì còn có kho trung tâm, trung chuyển nhỏ ở các tỉnh, hợp tác chặt chẽ với các nhà phân phối.
“Chúng tôi muốn phát triển, đầu tư lâu dài với nhà phân phối. Có lâu dài, có sống còn để nâng cao nhận thức, biến hoạt động nhỏ lẻ, manh mún của kênh phân phối truyền thống thành quy mô hơn trong phạm vi nhỏ của họ để cho sự dịch chuyển không có sự biến đổi lớn”, bà Yến nói.
Như vậy, có thể thấy, những lời cảnh báo của đại diện Acecook rằng, 7-Eleven đang rất yêu thích thị trường Việt Nam đã phần nào khiến các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh đưa ra những dự kiến về thị trường khi nhà đầu tư Nhật Bản “bung hết thế mạnh và cục diện thị trường sẽ xoay chuyển theo”.