Trả lời phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Choi Kwang Ho, Giám đốc Emart Việt Nam cho biết, Đại siêu thị Emart Gò Vấp có diện tích hơn 3 ha, với tổng vốn đầu tư lên tới 60 triệu USD (tương đương 1.350 tỷ đồng).
Dự án Emart Gò Vấp gồm hai phần chính là khu siêu thị với diện tích 6.000 m2, phục vụ các mặt hàng đa dạng từ nhu yếu phẩm, sản phẩm tươi sống đến hàng gia dụng, điện máy, thời trang và khu dịch vụ tiện ích gồm các cửa hàng ăn uống, khu vui chơi, giáo dục trẻ em…
Emart Gò Vấp |
Trả lời câu hỏi, với việc vào thị trường sau các đại gia khác, vậy đâu là lợi thế cạnh tranh riêng của Emart, ông Choi Kwang Ho cho biết có 3 lợi thế chính: Thứ nhất là không gian mua sắm hiện đại, đón đầu thị hiếu, ngoài ra, Emart sẽ tạo ra các không gian sinh hoạt và giáo dục, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt - giải trí của gia đình và nhu cầu học hỏi vui chơi của trẻ em; Thứ hai, Emart sẽ không ngừng cầu thị trong việc hoàn thiện và nâng cấp dịch vụ; Thứ ba, Emart sẽ hướng đến cung ứng các mặt hàng với giá rất cạnh tranh vì được “mua tận gốc, bán tận ngọn”.
Về cơ cấu ngành hàng, Emart sẽ bán 95% mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam; 5% còn lại là từ Hàn Quốc. “Emart cũng đang phát triển các nhãn hàng riêng, nhưng các nhãn hàng này sẽ hướng về tiêu chí sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên” ông Choi Kwang Ho nói.
Trong lần trả lời phỏng vấn riêng của phóng viên Báo Đầu tư mới đây, đại diện Tập đoàn Shinsegae cho biết, song hành cùng Emart Gò Vấp, Shinsegae đang nghiên cứu để đầu tư mở tiếp một đại siêu thị tại quận Tân Phú TP.HCM.
Một câu hỏi được đặt ra là trong bối cảnh nhiều đại gia về bán lẻ như Metro (Đức) - chủ đầu tư Metro Cash & Carry; Casino (Pháp) - chủ đầu tư chuỗi Big C đang “rời bỏ” thị trường Việt Nam, tại sao Shinsegae lại “đâm đầu” vào. Ông Choi Kwang Ho cho biết, Emart đang xem xét các mô hình kinh doanh một cách linh hoạt và chiến lược mở rộng cũng sẽ được triển khai theo hướng linh hoạt, chứ không chỉ đơn thuần là đầu tư trực tiếp. “Hiện nay, sau 5 năm thực hiện khảo sát, chúng tôi xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm ở hải ngoại. Kế hoạch của chúng tôi là phát triển ở Việt Nam để làm bàn đạp mở rộng ra thị trường Đông Nam Á”, ông Choi Kwang Ho nhấn mạnh.
Về cơ bản, thị trường bán lẻ Việt Nam là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng. Việt Nam có trên 93 triệu dân, lực lượng dân số trẻ chiếm hơn một nửa. GDP bình quân đầu người xấp xỉ 2.000 USD. Trong tương lai GDP sẽ ngày càng tăng, đó là tiền đề cho sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là bán lẻ hiện đại.
Theo thống kê của Bộ Công thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, số cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi) mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Khu vực nông thôn, ngoại thành hầu như vắng bóng các hệ thống bán lẻ. Chính vì thế, có thể nói thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều.
Ngoài ra, theo phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt dung lượng 100 tỷ USD vào năm 2016. Với cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dân đến các trung tâm thương mại ngày càng nhiều, khiến Việt Nam là mảnh đất nhiều tiềm năng với ngành bán lẻ. Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường bán lẻ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực, cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Chưa kể tới việc Hiệp định TPP với 12 nước tham gia đang chờ Quốc hội các nước phê chuẩn. Với hiệp định này, hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan, cho thấy miếng bánh thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, vấn đề chỉ là các doanh nghiệp bán lẻ làm cách nào để nắm bắt được thời cơ, làm chủ được trận địa.