Thời sự
Cảnh giác việc thương lái ráo riết thu mua quả cau non với giá cao
Nguyễn Xuân Dự - 18/05/2015 06:13
Khoảng một tháng nay tại huyện Châu Thanh, Châu Thành A và thành phố Vị Thanh của Hậu Giang, nhiều thương lái từ nơi khác đã tìm đến đây mua quả cau non với giá cao (từ 15.000 đến 40.000 đồng/kg).
(Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

 




Nhiều người ngạc nhiên về mục đích mua quả cau non vì cau non không thể sử dụng trong việc gì, hỏi thương lái thì mỗi người nói một kiểu khác nhau, người dân cũng bàn tán và đưa ra nhiều dự đoán về tình trạng mua quả cau non này.

Xã Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh) có nhiều hàng cau trồng ven đường đi vào các ấp, hàng ngày có nhiều thương lái lui tới xem cau và hỏi mua cau non.

Bà Nguyễn Thị Ba ở xã Hỏa Tiến cho biết, mấy tuần nay ngày nào cũng có người qua lại nhìn cau dọc bên đường và hỏi mua cau non. Trước đây, cau già vừa ăn, bà Ba bán chỉ được 4.000 đồng/kg, còn giờ thương lái đưa giá 15.000 đồng/kg cau non, cân cả cùi chứ không phải lựa quả riêng. Khi được hỏi mua cau non làm gì thì người mua không trả lời nên bà Ba thấy rất ngạc nhiên.

Cũng ở xã Hỏa Tiến, nhà bà Lê Thị Nhang trồng nhiều cau nên thường xuyên có người đến hỏi về cau non. Ban đầu có người tìm gặp bà Nhang nói rằng mua cau non về cho chùa làm thuốc, bà thấy giá cau già rẻ (2.000 đồng/10 quả) thì cau non giá sẽ rẻ hơn, lại thấy mua về cho chùa làm thuốc nên bà cho không, để người đến hỏi tự hái. Sau vài lần cho không, bà Nhang có hỏi cặn kẽ hơn thì thương lái nói mua về làm mâm quả trầu cau loại nhỏ phục vụ đám hỏi.

Bà Nhang cho biết, quả cau non nhỏ bằng đầu ngón tay cái, bên trong quả cau chưa có ruột, chùm cau chỉ có 7 đến 10 trái người ta cũng mua, với quả cau còn non, chùm xấu thì không làm mâm quả trầu cau được.

Ông Mai Văn Đấu trồng vài chục cây cau làm bóng mát, do thân cau nhỏ và cao, ông không cho người nhà leo lên hái nên có nhiều quả và thương lái thường xuyên đến hỏi mua.

Thấy việc mua quả cau non là hiện tượng trước giờ chưa xảy ra nên ông Đấu hỏi mục đích mua cau non thì mỗi người nói một kiểu khác nhau. Có người mua nói lấy cau non về phơi lấy ruột xay ra trộn vào càphê, có người thì nói mua về làm thuốc nhuộm vải.

Ông Đấu cho rằng thương lái mua cau non để sau này người dân không có cau già để bán phục vụ việc làm mâm quả trầu cau trong đám hỏi hoặc để người già ăn trầu, lúc này cau hiếm hàng, thương lái sẽ tung ra nguồn cau quả mà họ có sẵn bán giá cao để thu lợi.

Phó chủ tịch xã Hỏa Tiến Lê Văn Đạt cho biết, người dân trong xã không trồng cau theo kiểu chuyên canh mà trồng rải rác trước nhà, dọc đường đi để lấy bóng mát, trong vòng một tháng nay có hiện tượng thương lái mua cau non trong địa bàn xã.

"Việc mua bán cau non của người dân thì chính quyền xã không ngăn cản, nhưng lãnh đạo xã đã thông báo cho trưởng các ấp theo dõi nắm tình hình, tìm hiểu chính xác mục đích việc mua cau non của thương lái, cảnh báo cho người dân về các hiện tượng mua ngọn khoai lang, ngọn khoai mỳ, lá mãng cầu xiêm đã xảy ra trước đây để người dân cảnh giác." - Ông Đạt cho biết thêm./.

Tin liên quan
Tin khác