Sự khó chịu liên quan đến trầm cảm ở trẻ em biểu hiện như là hoạt động quá mức, hành vi hung hăng, chống đối lại bố mẹ và xã hội.
Các biểu hiện cơ bản của rối loạn trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên thể hiện rõ rệt nhất qua việc học tập và chơi đùa đặc biệt tâm trạng nổi trội là sự khó chịu. |
Các chuyên gia nêu một số các triệu chứng của trầm cảm ở trẻ bao gồm một số hoặc tất cả cụ thể các biểu hiện như sau:
Theo đó, trẻ thường xuyên cảm thấy buồn bã hoặc bực bội, khó chịu, hoặc đôi khi cảm thấy đầu óc trống rỗng. Trẻ có thể cáu gắt, quát nạt em, chống đối lại bố mẹ
Giảm hoặc mất quan tâm, hứng thú trong công việc và sinh hoạt mà trước đây trẻ thích, không thích đến những chỗ đông người, nhanh chóng chán nản các trò chơi.
Ăn nhiều hơn hoặc ít hẳn đi, ăn không ngon. Trẻ bị rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ, nằm một hai tiếng đồng hồ mới vào giấc, giấc ngủ bị gián đoạn, có thể bị giật mình, thức giấc sớm hoặc cũng một số ít trẻ ngủ nhiều.
Lo lắng nhiều một cách vô cớ, hỏi lặp đi lặp lại nhiều lần. Cảm thấy mình không xứng đáng, mất tự tin hoặc thấy mình là nỗi xấu hổ/ bận tâm cho những người xung quanh
Giảm khả năng tập trung chú ý, dẫn đến không tiếp thu được bài học, do dự, khó khăn khi quyết định công việc. Giảm hoặc mất trí nhớ, hay quên, nói trước quên sau, khó trong việc ghi nhớ bài học.
Mệt mỏi hoặc mất sinh lực, thấy khó khăn ngay cả với việc đơn giản. Có ý nghĩ không muốn sống, có thể thấy cuộc sống vô nghĩa.
Rối loạn cơ thể: Đau đầu, đau bụng, nhức mỏi, buồn nôn... thường xuyên. Đặc biệt, ở giai đoạn vị thành niên và thanh thiếu niên hay có trạng thái cảm xúc đặc trưng là có ý nghĩ mình vô dụng, có ý nghĩ và hành vi tự xâm hại bản thân, ý nghĩ tự sát, tự tử.
Chuyên gia cũng lưu ý, cũng như ở người lớn, sự tái phát là phổ biến. Trẻ em và vị thành niên nên được điều trị trong ít nhất 1 năm sau khi các triệu chứng đã hết.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng trẻ em có trải qua ≥ 2 giai đoạn trầm cảm chủ yếu sẽ phải điều trị vô thời hạn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, mô hình bệnh tật đang thay đổi, ngoài các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng bệnh tật lên tất cả các nước trên thế giới, không chỉ riêng quốc gia nào. Hằng năm, các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới khoảng 74% các ca tử vong chung trên toàn thế giới.
Trong các bệnh không lây nhiễm thì vấn đề rối loạn tâm thần là rất phổ biến, đang có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới ước tính, cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất.
Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.
Vào năm 2020, số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử. Trong khi các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có tại các cơ sở, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5 đến 6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Theo báo cáo cuối năm 2021 của UNICEF, đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo số liệu ước tính mới nhất, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần.
Các bác sĩ khuyến cáo, ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời. Ông lê Minh Sang, chuyên gia y tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, mặc dù Việt Nam có hơn 11 nghìn trạm y tế xã, phường nhưng chỉ 49% số trạm thực hiện được 80% danh mục chuyên môn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, các trạm y tế chỉ cấp thuốc miễn phí cho người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm; không thực hiện được các dịch vụ khác như sàng lọc, trị liệu, phòng tái phát hay phục hồi chức năng.
Vì vậy, ông Lê Minh Sang khuyến nghị mở rộng bao phủ cung ứng dịch vụ, đồng thời chuyển đổi mô hình theo hướng lồng ghép, có điều phối; chăm sóc ban ngày dựa vào cộng đồng, đặc biệt cần phát triển và quản lý nguồn lực.
Trước những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày trở nên nghiêm trọng ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 tại Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022.
Nội dung của Kế hoạch nhằm tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng; đồng thời phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng riêng một đề án cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần là Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới.
Về phía chuyên gia, theo TS. Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, khi bị trầm cảm, người bệnh có biểu hiện khí sắc giảm, buồn; mất quan tâm, hứng thú với các sở thích và hoạt động trước đây; giảm năng lượng, giảm hoạt động.
Người bệnh thường mệt mỏi, không muốn làm gì nhất là vào buổi sáng; giảm tập trung, do dự không quyết đoán, giảm tự trọng và lòng tự tin. Một số có thể nhìn tương lai bi quan và ảm đạm; thấy bản thân là gánh nặng của gia đình; rối loạn giấc ngủ và hành vi ăn uống...
Phần lớn người bệnh lo âu, trầm cảm được người nhà đưa vào viện khi đã ở giai đoạn muộn, có những hành động vượt quá giới hạn bình thường bao gồm tìm đến cái chết.
Vậy nên, nếu một người cảm thấy có những dấu hiệu của lo âu, trầm cảm thì có thể tham khảo các cách sau để nhanh chóng vượt qua.
Trước những bất thường về tâm thần kinh, có người dễ dàng vượt qua, số khác lại không. Khi tâm trạng tiêu cực kéo dài liên tục quá hai tuần mà không có dấu hiệu tốt lên, người bệnh cần được chăm sóc y tế.
Khi cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, người bệnh có suy nghĩ đến cái chết, sự giải thoát thì nên tìm đến bác sĩ tâm thần kinh để được chẩn đoán, theo dõi và điều trị kịp thời.
Tham gia các hoạt động ngoài trời như leo núi, đi bơi, chạy bộ, làm việc tập thể ngoài trời... có thể cải thiện đáng kể mức độ linh hoạt, nhạy cảm của các giác quan và nâng cao sức khỏe tinh thần, giảm stress
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị lo âu, trầm cảm. Muốn hạn chế căng thẳng, mệt mỏi và thư giãn tinh thần, người lớn cần ngủ đủ 7-8 tiếng một ngày.
Ngoài ra, cần cân bằng các nhóm dưỡng chất, thức ăn đa dạng nhiều màu sắc để kích thích cảm giác thèm ăn. Người bệnh có thể bổ sung lợi khuẩn lactobacillus và bifidobacterium để dễ tiêu hóa thức ăn.
Đường ruột của những người bị stress, lo âu, căng thẳng thường bị thiếu các lợi khuẩn này. Ngược lại, những người đang mắc phải những bệnh lý mạn tính về đường tiêu hóa như khó tiêu chức năng, hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng... cũng thường có dạng rối loạn tâm thần (như rối loạn lo âu, trầm cảm...).
Bổ sung lợi khuẩn đường ruột mà cơ thể đang thiếu hụt có thể cải thiện các dạng rối loạn tâm thần ở mức độ nhẹ và vừa.
Các bài tập yoga vừa sức nhẹ nhàng có thể hạn chế tổn thương tâm lý, tăng cường mức độ linh hoạt của cơ thể, thả lỏng cơ bắp, xua tan lo âu, mệt mỏi và duy trì tâm thế điềm tĩnh.
Hít thở sâu thường xuyên có thể giúp bạn nâng cao sức đề kháng và đẩy lùi tình trạng các tình trạng tiêu cực này.
Người bệnh cần tìm bạn bè, người thân, đồng nghiệp để trò chuyện, chia sẻ thay vì thu mình lại "gặm nhấm" nỗi buồn. Lưu ý hướng vào các cuộc nói chuyện vui vẻ, tích cực, tìm giải pháp tốt cho tình trạng của bản thân.
Hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, trà, cà phê và thức uống có caffein, nhất là vào buổi tối; ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa; hạn chế sử dụng điện thoại, tivi và máy tính; không nên chơi điện tử.
"Để vượt qua lo âu, trầm cảm, mọi người cần phải biết trạng thái của mình và điều trị kịp thời, không nên kéo dài. Vì bệnh nặng thêm sẽ gây khó khăn cho điều trị", bác sĩ Minh Đức cho biết.