UBND tỉnh Cao Bằng vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về việc thực hiện thí điểm kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa qua lối mở Nà Lạn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, sau gần 2 năm thực hiện thí điểm lối mở Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), các doanh nghiệp đã tham gia thực hiện tái xuất 7.689 container hàng hóa qua lối mở Nà Lạn và các cửa khẩu phụ, điểm thông quan, với tổng trị giá đạt 313,17 triệu USD.
Đã có 7.689 container hàng hóa được tái xuất qua cửa khẩu Nà Lạn trong gần 2 năm qua |
Chủng loại hàng hóa chủ yếu là ô tô các loại, hàng thực phẩm đông lạnh, hoa quả khô… Trong đó, mặt hàng ô tô có 2.350 container (4.989 xe) được tái xuất qua lối mở Nà Lạn, hàng thực phẩm đông lạnh là 3.926 container, hoa quả khô là 1.160 container, hàng hóa khác là 353 container.
Việc thực hiện thí điểm tái xuất hàng hóa qua lối mở Nà Lạn đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động thời vụ và hàng trăm lao động chính tại tỉnh Cao Bằng hoạt động trong các lĩnh vực hoạt động động tái xuất hàng hóa như sang tải, bốc xếp… tại các cửa khẩu phụ, điểm thông quan tái xuất hàng hóa ở khu vực biên giới với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Hệ thống giao thông và hệ thống kho bãi phục vụ hoạt động tái xuất hàng hóa ngày càng được đầu tư theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế, nguồn lực thu được từ hoạt động này là yếu tố quan trọng giúp ổn định trật tự an toàn xã hội và xóa đói giảm nghèo tại các khu vực vùng biên còn nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng.
Do vậy, UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị được Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tiếp tục thực hiện việc tái xuất hàng hóa qua lối mở Nà Lạn nhằm phát huy hiệu quả của các dự án đã, đang và sẽ đầu tư tại lối mở Nà Lạn trong quá trình thực hiện thí điểm thời gian qua.
Đối với 6 cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã được phép tái xuất hàng hóa được Thủ tướng đồng ý, UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị được tiếp tục thực hiện việc tái xuất hàng hóa vì hiện nay tỉnh đã bố trí các lực lượng chức năng và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu đảm bảo công tác quản lý trong quá trình tái xuất hàng hóa.
Với đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng, Bộ Công Thương đang xin ý kiến các Bộ, ngành để có ý kiến thống nhất và trình lên Thủ tướng quyết định.