Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (bìa phải) kiểm tra đôn đốc mô hình phòng chống dịch tại huyện Cao Lãnh, Đồng tháp |
Ông Lê Chí Thiện - Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho biết: để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 ở mức cao nhất và quyết tâm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều mô hình, cụ thể: Thành lập được 55 Tổ cung ứng hàng hóa thiết yếu, với 438 thành viên trải khắp các xã, thị trấn. Đó là những Đội “Shipper áo xanh” của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, cán bộ khóm, ấp và tiểu thương, các hợp tác xã...
Để người dân biết đến các dịch vụ này, Huyện chỉ đạo thông tin rộng rãi số điện thoại của Tổ cung ứng, niêm yết giá bán từng mặt hàng qua mạng xã hội Zalo, facebook, tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh. Các Tổ cung ứng hàng hóa thiết yếu sẽ tiếp nhận thông tin từ người dân và cung ứng đến tận nhà khi người dân có nhu cầu.
Bình quân mỗi ngày, các lực lượng cung ứng cho khoảng 2.000 hộ, với khoảng từ 06 đến 07 tấn hàng hóa thiết yếu (gạo, thịt, cá, trứng, rau, củ, quả các loại, các nhu yếu phẩm cần thiết khác). Ngoài ra, còn hỗ trợ mua thuốc theo đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong và ngoài huyện, từ 130 - 150 đơn thuốc mỗi ngày.
Các ngành, đoàn thể các cấp trên địa bàn Huyện còn triển khai nhiều mô hình khác để đảm bảo đời sống của người dân như: Rút tiền mặt thay người dân, Chuyến xe 0 đồng, liên kết tiêu thụ giữa các nhà thiện nguyện thu mua nông sản và chuyển đến người dân...
Thực hiện mô hình Chuyến xe 0 đồng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Huyện và một số địa phương: Ba Sao, Phương Trà, Tân Nghĩa, Bình Hàng Tây, Gáo Giồng... đã vận động, tiếp nhận lương thực từ các nhà thiện nguyện ủng hộ, vận chuyển, cấp phát hỗ trợ các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, các chốt trực và các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện. Bình quân mỗi ngày tiếp nhận và cấp phát hơn 04 tấn lương thực, góp phần ổn định đời sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Về mô hình hỗ trợ rút tiền mặt tại nhà, Viettel huyện Cao Lãnh phối hợp cùng Đoàn thanh niên huyện thành lập Đội hỗ trợ rút tiền mặt, công khai số điện thoại trên Đài Truyền thanh huyện, Trạm Truyền thanh xã để người dân biết, khi có nhu cầu rút tiền mặt thì liên hệ, đội sẽ mang tiền mặt đến tận nhà người dân, người dân sẽ chuyển khoản để trả lại tiền và không mất phí chuyển tiền. Bình quân mỗi ngày hỗ trợ khoảng 100 khách hàng, với số tiền ước khoảng 150 - 200 triệu đồng/ngày.
Theo ông Thiện, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đi lại khó khăn, để kịp thời hỗ trợ nông dân, Huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập nhanh mô hình bón phân, phun thuốc và thu hoạch nông sản thay nông dân. Đến nay, trên địa bàn huyện có 70 tổ, đội bón phân, phun thuốc, thu hoạch hộ cho nông dân, với 206 thành viên để hỗ trợ người dân khi có nhu cầu. Các thành viên tham gia mô hình này đều được tạo điều kiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Từ khi thành lập đến nay, các tổ, đội đã hỗ trợ bà con nông dân bón phân, phun thuốc, thu hoạch và tiêu thụ nông sản khoảng 480 ha.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: để chuỗi ngành hàng lúa gạo không bị đứt gãy, 4 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ vừa thống nhất hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, phương tiện trong sản xuất, thu hoạch. Đối với người và phương tiện vận chuyển lúa gạo di chuyển qua các địa phương khác phải có danh sách cụ thể, giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính (bằng phương pháp PCR mẫu gộp). Đồng thời, các địa phương sẽ thành lập tổ công tác liên ngành, thiết lập đường dây nóng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc việc tiêu thụ, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh. Bên cạnh đó, 4 tỉnh còn thống nhất đề nghị Trung ương hỗ trợ lãi suất, gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản…
Ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Tỉnh đang trong giai đoạn rất khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh phát huy các mô hình hiệu quả trong phòng chống dịch, tiêu thụ nông sản cho bà con, các ngành và địa phương cũng cần bổ sung các giải pháp ứng phó với nhiều kịch bản theo diễn biến của dịch Covid-19 thời gian tới, nhất là phải chắt chiu từng cơ hội dù nhỏ nhất để thúc đẩy sản xuất, sớm ổn định tình hình, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Hơn bao giờ hết, cán bộ, đảng viên thể hiện tính linh hoạt, ứng xử kịp thời có hiệu quả từng tình huống, thời điểm; xác định cụ thể, khoa học việc nào ưu tiên, việc nào tiếp tục duy trì,... không trông chờ, không vì quá áp lực chống dịch mà thiếu tập trung các lĩnh vực khác. Toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân đều nỗ lực, Tỉnh sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh và có bước tăng trưởng.