Y tế - Sức khỏe
Cấp bách giải “cơn khát” thiếu thuốc chữa bệnh trầm trọng
Dương Ngân - 18/08/2022 08:11
Thuốc đang thiếu và còn tiếp tục thiếu nếu các rào cản về chính sách không được tháo gỡ.
Ảnh minh họa

Bệnh nhân tăng, lượng thuốc lại giảm

Báo cáo của ngành y tế cho thấy, có 28/34 tỉnh, thành phố và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng thiếu thuốc khám chữa bệnh. Các loại thuốc đang thiếu là kháng sinh, thuốc điều trị tim mạch, tăng huyết áp, thuốc điều trị các bệnh lý nhãn khoa…, cùng một số vị thuốc y dược cổ truyền.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội, hiện thuốc Protamin sulfat dự trữ tại Bệnh viện còn rất ít, nếu tình hình chưa được giải quyết trong 2 tuần tới, nguy cơ Bệnh viện phải tạm dừng phẫu thuật các bệnh lý tim mạch. Một số cơ sở khác có chuyên khoa tim mạch cũng gặp tình trạng khan hiếm Protamin sulfat, ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh.

Được biết, thuốc Protamin sulfat chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực. Do là thuốc hiếm, nên các hãng thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng. Trong khi đó, các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam sau khi nhận được dự trù từ các cơ sở y tế và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, thì mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài.

Do đó, nếu việc đặt hàng không chủ động và kịp thời, có thể dẫn đến có khoảng thời gian thiếu thuốc khi nhà cung cấp thuốc nước ngoài không còn đủ hàng dự trữ để cung ứng theo yêu cầu cho Việt Nam và nếu chờ sản xuất thêm, thì phải mất khoảng vài tháng.

Nói thêm về tình trạng thiếu thuốc, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Đào Xuân Cơ cho hay, Bệnh viện đang thiếu thuốc kháng sinh thiết yếu, thuốc tiêm tĩnh mạch, cấp cứu thần kinh... do không có nhà cung cấp. Thậm chí, một số kháng sinh Việt Nam sản xuất, nhưng do giá nguyên liệu nhập vào đắt, nên cũng không có hàng.

“Bệnh viện đã có dự trù, nhưng số lượng bệnh nhân tăng vọt khiến tình trạng thiếu thuốc thêm nặng nề”, ông Đào Xuân Cơ nói và cho biết, giá thuốc là do doanh nghiệp tự công khai trên cổng thông tin Bộ Y tế và tự chịu trách nhiệm pháp lý, nhưng các bệnh viện không biết giá đó là thật hay thổi giá.

Khắc phục hai “điểm nghẽn”

Hai “điểm nghẽn” lớn nhất đang tồn tại trong công tác đấu thầu thuốc, theo TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), là quy định pháp luật và năng lực của cán bộ thực hiện đấu thầu còn nhiều bất cập. Nếu liên quan tới quy định pháp luật, thì điểm nào vướng cần gỡ ngay.

Đồng thời, cần nâng cao khả năng tổ chức thực hiện đấu thầu ở cả Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia và bộ phận thực hiện đấu thầu ở các Sở Y tế và cơ sở khám chữa bệnh. “Nếu khắc phục được hai điểm nghẽn cơ bản trên, chúng ta sẽ mở được cánh cửa để thực hiện tốt hơn nữa công tác đấu thầu thuốc”, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế nêu.

Bên cạnh đó, theo TS. Quang, muốn giải quyết gốc rễ của vấn đề, cần kết hợp các giải pháp trước mắt và lâu dài. Đầu tiên, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi và ban hành các thông tư liên quan đến hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, giá thuốc. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, trong đó có Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các sở y tế, các đơn vị khám chữa bệnh, tùy theo từng mức độ, từ đó nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thấu.

“Đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó các phần mềm quản lý về đấu thầu để theo dõi công tác đấu thầu thuốc. Song song đó, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, trong đó có quản lý nhà nước, quản lý giữa UBND tỉnh và Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư”, TS. Quang nêu.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, Hội đồng Đàm phán giá (Bộ Y tế) đang đàm phán giá đối với 62 thuốc biệt dược gốc có số lượng, nhu cầu sử dụng lớn, giá trị trên 100 tỷ đồng. Trong tháng 7/2022, Hội đồng đã đàm phán thành công 19/62 thuốc biệt dược gốc, với giá trị giảm giá là 1.223 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá trung bình đạt 22,8%. Trong tháng 8, Hội đồng tiếp tục đàm phán đối với các thuốc biệt dược gốc còn lại để sớm có thuốc đặc trị cho người bệnh.

Đồng thời, Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc.

Tin liên quan
Tin khác