Theo thông tin của baodautu.vn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 20/2, Thường trực Chính phủ sẽ họp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT. Để chuẩn bị cho cuộc họp này của Thường trực Chính phủ, ngày mai (18/2), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì cuộc làm việc với sự tham gia của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Tiền Giang và đại diện nhà đầu tư Dự án .
Điều này cho thấy những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không chỉ đang vượt khỏi tầm giải quyết của các bên liên quan mà còn cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đối với phân đoạn cao tốc Bắc Nam huyết mạch về miền Tây này.
Không có nhiều tiến triển tại Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận suốt 10 năm qua. |
Mong đợi tuyến cao tốc huyết mạch
Cần phải nói thêm rằng, sau 10 năm, dù đã đầu tư gần 2.000 tỉ, với hai lần thay đổi nhà đầu tư nhưng tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vẫn là nỗi thất vọng lớn. Trong lần tái khởi động vào tháng 2/2015, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được kỳ vọng hoàn thành sau 3 năm thi công (năm 2018) để rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giảm tải cho tuyến QL1, thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực Tây Nam bộ.
Tuy nhiên, ròng rã suốt gần 4 năm qua, những khó khăn liên quan đến nguồn vốn vay thương mại, đặc biệt là năng lực điều hành yếu kém của các nhà đầu tư khiến thời hạn hoàn thành công trình dù đã được Bộ GTVT gia hạn đến 31/12/2020 cũng trở nên xa vời khi vẫn chỉ loanh quanh ở vạch xuất phát với vỏn vẹn 16% khối lượng hoàn thành. Thậm chí, hiện Dự án đang đứng trước bờ vực đổ vỡ nếu không được các cơ quan có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ kịp thời.
Trong khi đó, với vai trò là tuyến cao tốc huyết mạch trọng điểm của khu vực phía Nam, Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cộng đồng các nhà đầu tư cũng như người dân địa phương.
Tháng 12/2017, tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thông báo tin vui cho cử tri miền Tây: Vùng đồng bằng sông Cửu Long có đường cao tốc TP HCM - Trung Lương (hơn 40 km) và đang đầu tư tiếp đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51km). Kế hoạch đến năm 2020 thông tuyến cao tốc tới TP Cần Thơ.
“Nhiều lần tiếp xúc cử tri Cần Thơ, nghe nguyện vọng của bà con và nay việc này đã được ghi hẳn vào nghị quyết của Quốc hội. Đây là tin vui không chỉ cho Cần Thơ mà cả đồng bằng sông Cửu Long", Chủ tịch Quốc hội nói.
Về phía Chính phủ, vào cuối tháng 9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi trực thăng thị sát Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hơn một tháng sau (11/2017) Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững ở vùng kinh tế quan trọng này. Nghị quyết nêu rõ: Giao Bộ Kế hoạch Đầu tư ưu tiên bố trí nguồn vốn cho những công trình có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh; Giao Bộ Giao thông tập trung nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Vĩnh Long diễn ra tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển mạng lưới giao thông ĐBSCL và coi đó là lợi thế, động lực phát triển của khu vực này: “Bộ GTVT cần phải quyết liệt hơn, làm cho xong, cho sớm tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, kế đến là Mỹ Thuận - Cần Thơ. Xa hơn là nghiên cứu tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến đường sắt từ TP.HCM xuống Cần Thơ”. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang tháng 12/2018, một lần nữa Thủ tướng ra tối hậu thư hoàn thành cho các dự án quan trọng Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Vàm Cống và đặc biệt là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ông thẳng thắn: “Tôi đã họp rất nhiều phiên nhưng do lỗi thể chế nên chậm”. Người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ chỉ đạo và đôn đốc Bộ GTVT, Tài Chính tháo gỡ vướng mắc về lãi xuất vay vốn – rào cản quan trọng đối với dự án.
Trước khi ngồi trực thăng thị sát Đồng bằng Sông Cửu Long với người đứng đầu Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và chỉ đạo tuyến đường này phải về đích năm 2019. Tháng 5/2018, trước sự bế tắc của dự án, một lần nữa Phó thủ tướng lại quay trở lại để thúc tiến độ với tối hậu thư dành cho nhà đầu tư: Năm 2020 phải thông tuyến.
Nỗ lực “phá băng”
Một trong những nỗ lực mới nhất để phá thế bế tắc của Dự án là Nhà đầu tư đã chủ động đề xuất thay tướng. Theo đó, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vừa kiến nghị Thủ tướng và Bộ GTVT cho phép bổ sung nhân sự điều hành doanh nghiệp dự án bao gồm các chức danh chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Cố vấn từ Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nhằm tăng cường năng lực quản trị, điều hành công trình xây dựng tuyến cao tốc huyết mạch từ Trung Lương đến Mỹ Thuận đang gặp rất nhiều khó khăn.
Để Dự án hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đề nghị Bộ GTVT thống nhất việc thay thế và kế thừa toàn bộ số cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh – một trong 6 thành viên liên danh nhà đầu tư tại doanh nghiệp dự án (30% vốn điều lệ) bằng Công ty cổ phần Đèo Cả hoặc bằng Công ty cổ phần Đầu tư cầu đường CII. Nếu Yên Khánh không được thay thế bằng một nhà đầu tư có năng lực, ngân hàng sẽ không giải ngân, và như vậy Dự án chắc chắn sẽ đứng bên bờ đổ vỡ.
Điều đáng chú ý, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cũng là nhà đầu tư từng giải cứu một dự án cao tốc lớn khác có quy mô và tính chất phức tạp tương tự cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là dự án cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng (Lạng Sơn). Một điểm trùng hợp là “ông chủ” của doanh nghiệp đứng đầu liên danh nhà đầu tư cũ tại BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư UDIC) cũng dính vào vòng lao lý trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Từ việc giải cứu thành công cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng (Lạng Sơn), tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị dài 43km vào dự án cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng và giao UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cần phải nói thêm, ngoài dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng – Hữu Nghị - Tân Thanh đang triển khai, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả hiện được biết đến với biệt danh “Vua hầm ở Việt Nam” khi đang là nhà đầu tư của 3 dự án hầm lớn nhất cả nước gồm: Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân, với tổng vốn đã đầu tư vào các dự án PPP giao thông hơn 2 tỷ USD. Hơn nữa, đây cũng là doanh nghiệp được tỉnh Cao Bằng “chọn mặt gửi vàng” khi được mời tham gia nghiên cứu, triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) với tổng mức đầu tư dự kiến trên 20.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để giảm bớt thủ tục trung gian, tăng cường phân cấp và để đẩy nhanh tiến độ Dự án, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển nhiệm vụ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho UBND tỉnh Tiền Giang.
Được biết, việc chuyển Dự án về cho tỉnh làm cơ quan quản lý có thẩm quyền chính là việc đưa tất cả trách nhiệm về một đầu mối có đầy đủ công cụ, quyền lợi, nghĩa vụ và sát sườn với dự án nhất để tỉnh chủ động quản lý nguồn và giá cả vật liệu vốn đang rất phức tạp, đồng thời trực tiếp giải quyết tình trạng mặt bằng còn xôi đỗ như hiện nay. Phương án này cũng đã và đang được áp dụng thuận lợi ở những tuyến cao tốc trọng điểm khác: Đồng Đăng – Trà Lĩnh; Hữu Nghị - Chi Lăng.
Theo các chuyên gia, Dự án đã bị đình trệ 10 năm, nếu để Bộ GTVT tiếp tục làm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trong khi Bộ lại giao cho 1 cơ quan rất ít quyền lực thực tiễn như Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long làm đại diện), thì không có gì đảm bảo dự án sẽ không bế tắc tiếp.
Một vướng mắc nữa cũng cần Chính phủ tháo gỡ là việc điều chỉnh quy định về lãi suất vay vốn. Hiện lãi suất áp vay vốn áp dụng cho Dự án ở mức7,82%/ năm. Trong khi đó Hợp đồng tín dụng đã ký lại ở mức 10,8%. Sự chênh lệch này dẫn đến việc không có khả năng thu hồi vốn, do đó không đảm bảo điều kiện để ngân hàng rót kinh phí cho dự án. Các cấp đã có rất nhiều cuộc họp và chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc này, nhưng hiện nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Bên cạnh đó, trong thời gian chờ tháo gỡ các vướng mắc tín dụng, để chạy đua với thời gian cam kết thông tuyến năm 2020, các cơ quan có thẩm quyền cần cho các nhà đầu tư của dự án huy động vốn tín dụng để thi công và ngân hàng tài trợ vốn cần bảo lãnh cho Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận thanh toán cho các nhà thầu đã huy động vốn ngắn hạn đó.
Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các nhà đầu tư trong liên danh hiện tại tự tăng cường bổ sung năng lực để tiếp tục thực hiện dự án cho đến khi có kết quả của Kiểm toán nhà nước các bên liên quan. Từ đó sẽ căn cứ vào thực trạng để đình chỉ Công ty Yên Khánh, thay thế bằng nhà đầu tư có năng lực.
“Rất nhiều nhà đầu tư sợ thanh tra, kiểm toán nhưng chúng tôi lại chủ động mời Kiểm toán vào cuộc sớm để có thể tiếp tục triển khai Dự án một cách minh bạch nhất, hiệu quả cao nhất. Chúng tôi đã tính cả đến phương án xin phép điều chỉnh lại tổng mức đầu tư để tiết kiệm nhất mà vẫn đạt chất lượng tốt, đồng thời cập nhật lại các thông số của phương án chính để không phải sử dụng trạm thu phí TP.HCM – Trung Lương và Ngân sách Nhà nước không phải bỏ ra gần 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho Dự án” – ông Vũ Minh Hoàng – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị được Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận mời vào điều hành Dự án cho biết.