Việc các đại biểu dành phần lớn thời lượng của phiên thảo luận tại nghị trường trong những ngày cuối của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV để làm rõ căn cứ tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật riêng và việc chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an đã khiến nhiều nội dung cấp bách khác tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có nguy cơ không kịp ban hành như kỳ vọng của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Nhiều quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 đã không còn phù hợp, đòi hỏi cần có hành lang pháp lý mới để điều chỉnh. |
Cần phải nói thêm rằng, những quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giao thông - vận tải đường bộ không chỉ bao gồm quy tắc đi lại; thiết lập hệ thống biển báo và đào tạo, sách hạch lái xe. Đây là những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và tạo ra những ý kiến tranh luận trái chiều trên các diễn đàn.
Thực tế, trước hàng loạt thay đổi lớn của đời sống - xã hội, trước sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và yêu cầu thực tiễn, nhiều quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 đã không còn phù hợp, đòi hỏi cần có hành lang pháp lý mới để điều chỉnh.
Đó là việc Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa bao quát hết những diễn biến thực tế trong hoạt động giao thông đường bộ, trong đó đáng kể nhất là việc áp dụng, phát triển công nghệ phần mềm trong dịch vụ hỗ trợ vận tải (Uber, Grab taxi) hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Đang có những lỗ hổng pháp lý để điều tiết các vấn đề có liên quan như trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đối với Nhà nước, với người tiêu dùng khi tham gia vào chuỗi cung ứng các dịch vụ có liên quan đến hoạt động vận tải. Hoặc các quy định đối với cá nhân sử dụng xe rỗng để thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách trong quá trình tham gia giao thông cũng cần phải được quy định, điều chỉnh một cách cơ bản tại Luật.
Đó là việc nhiều chủ trương, định hướng lớn về phát triển giao thông đường bộ với đặc thù riêng chưa được thể hiện trong Luật Giao thông đường bộ 2008, như xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, xã hội hóa dịch vụ công, đặc biệt là xã hội hóa dịch vụ hành chính công; việc thu phí các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư để tạo nguồn lực phát triển mạng đường cao tốc quốc gia. Đó còn là việc phân định trách nhiệm trong tổ chức, quản lý vận hành khai thác và bảo trì hệ thống đường bộ từ trung ương đến địa phương…
Được biết, cơ quan chủ trì soạn thảo đã dành tâm huyết trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và mong nhận được ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội cũng như doanh nghiệp vận tải; nhà đầu tư hạ tầng trước khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất để đảm bảo tính nguyên tắc và cơ sở pháp lý cho triển khai thực hiện một cách đồng bộ chính sách về phát triển giao thông đường bộ.
Đây là lý do khiến cử tri, các nhà đầu tư mong muốn Quốc hội sớm có ý kiến cuối cùng về việc có tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật riêng (gồm Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi), đồng thời dành sự quan tâm lớn hơn cho những điều khoản quan trọng khác.
Kinh nghiệm cho thấy, việc xây dựng các dự thảo luật phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung trí tuệ, nhân lực. Đối với Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, ngoài việc điều chỉnh các quy tác đi lại của người dân, còn có trách nhiệm tạo cơ chế đột phá để thúc đẩy từng lĩnh vực giao thông phát triển, có khả năng tồn tại trong nhiều năm, chứ không thể vừa sửa xong đã nảy sinh bất cập, trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển của một trong những loại hình vận tải cơ bản, đặc biệt quan trọng ở nước ta.