Nhà máy Panasonic tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh |
Nỗ lực tìm đối sách
Ngày 18/4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì cuộc họp với các công ty kiểm toán về các đánh giá, khuyến nghị của OECD liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.
Một tháng trước, bà Bích Ngọc đã chủ trì một cuộc tọa đàm tương tự với các nhà đầu tư, các công ty kiểm toán, các chuyên gia để lắng nghe về những khó khăn, các khuyến nghị trước vấn đề “nóng” không chỉ của Việt Nam, mà là của toàn cầu.
Trong vòng hơn nửa tháng qua, Chính phủ cũng có ít nhất hai cuộc họp bàn về vấn đề này. Trong khi đó, ngày 18/4, Bộ Tài chính tổ chức một hội thảo về thuế tối thiểu toàn cầu. Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh giao Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để đưa ra đối sách phù hợp.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói tại Hội nghị của Chính phủ.
Tháng 8 năm ngoái, trước thông tin nhiều quốc gia quyết định áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ năm 2024, trong đó có EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn ở Việt Nam lo lắng, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt đề xuất các giải pháp về thuế suất tối thiểu toàn cầu. Một tuần trước, ngày 14/4, Chính phủ chính thức ban hành Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Tổ công tác đặc biệt.
Có lẽ bởi vậy, gần đây, các động thái của các cơ quan hoạch định chính sách mới gấp rút như vậy. Nhưng gấp rút cũng phải, bởi thời gian còn lại chỉ là 8 tháng nữa, chuyện tìm ra đối sách với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu thậm chí còn được coi là cấp bách.
Hôm 10/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tỏ ra rất sốt ruột, khi đến giờ này, chưa có các đề xuất liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. “Vấn đề rất cấp bách, bởi ngày 1/1/2024 bắt đầu phải áp dụng rồi, hoặc chậm lắm là kỳ tính thuế đầu tiên là vào quý I năm sau. Nếu không làm tức là chúng ta từ bỏ quyền đánh thuế bổ sung và toàn bộ năng lực cạnh tranh và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài sẽ bị tác động rất nặng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông Vương Đình Huệ, không phải đến “giờ G” mới trình một nghị quyết thí điểm, bởi nếu vậy chỉ là xử lý cái ngọn, chỉ điều chỉnh được những gì tác động đến các công ty đa quốc gia có doanh thu 750 triệu EUR trở lên, mà không xử lý được cái gốc, là rà soát, sửa đổi lại các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, về ưu đãi đầu tư. “Dứt khoát phải sửa luật”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đâu là bước đi cho Việt Nam?
Chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt thêm áp lực, vốn đã nặng nề lên Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ còn 8 tháng nữa phải tìm ra đối sách để xử lý một vấn đề mang tính toàn cầu.
Theo thông tin được ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ, hiện 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, sau khi rà soát lại, có khoảng 100 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, khi được áp dụng từ năm 2024. Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron…, những tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam, đều có tên trong danh sách này.
- Ông Robert King, Phó tổng giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam
“Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính hơn 12.000 tỷ đồng”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết.
Con số 12.000 tỷ đồng cũng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhắc đến khi nói về các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Thực tế, nếu không “hành động”, Việt Nam không mất đi nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp mà các nhà đầu tư phải nộp. Nhưng khi các quốc gia thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, mà Việt Nam không có đối sách kịp thời, thì sẽ bị mất đi cơ hội đánh thuế bổ sung, ít nhất trước mắt là hơn 12.000 tỷ đồng, theo tính toán của Bộ Tài chính.
Và hơn nữa, sẽ bị ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, bởi như Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đã nói, 35 năm qua, Việt Nam đã dùng ưu đãi thuế như một đòn bẩy tài chính để thu hút đầu tư nước ngoài.
“Với vị trí là một nước tiếp nhận đầu tư, Việt Nam nên chủ động giành quyền đánh thuế và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đảm bảo cạnh tranh hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Robert King, Phó tổng giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam nói.
Theo ông Robert King, có hai cách để xử lý vấn đề này. Để giành quyền đánh thuế bổ sung, thì áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung (QDMTT) theo quy tắc mẫu GloBE, thay vì áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung chung (15%). Nếu Việt Nam áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, thu nhập của công ty con phát sinh tại Việt Nam sẽ không phải chịu thêm bất kỳ khoản thuế bổ sung nào theo các quy tắc mẫu GloBE tại bất kỳ quốc gia nào khác.
“Bên cạnh đó, thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn có thể được thiết kế để chỉ tập trung vào các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu, trong khi các đối tượng khác vẫn có thể tiếp tục với các chính sách thuế hiện hành. Nếu Việt Nam nâng thuế suất chung lên 15%, thì vừa có nguy cơ không đạt chuẩn, vừa khó thiết kế để phân biệt các nhóm đối tượng áp dụng”, ông Robert King nói.
Cách thứ hai là Việt Nam nên có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các biện pháp như hỗ trợ trực tiếp vào chi phí đầu tư, chi phí R&D, hỗ trợ chi phí xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, các hoạt động giảm phát thải… đã được ông Robert King đưa ra.
Trên thực tế, các đề xuất của ông Robert King đã được các nhà đầu tư, như Samsung, Canon… đề cập. Các công ty kiểm toán quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng có những đề xuất tương tự. Vấn đề còn lại là bước đi và quyết định của Chính phủ Việt Nam. Thời gian không còn nhiều và vấn đề đã trở nên ngày càng cấp bách.