Thị trường xuất khẩu lao động cuối năm đang trở nên khá sôi động khi các doanh nghiệp dồn dập tuyển người để trả hết hợp đồng cho các đơn hàng đã ký kết với đối tác trong năm 2013.
| ||
Thị trường xuất khẩu lao động cuối năm khá sôi động khi các doanh nghiệp dồn dập tuyển người để trả hết hợp đồng năm 2013 |
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng, cả nước đã đưa được hơn 70.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Đài Loan đang là thị trường trọng điểm, thu hút tới 40.000 người.
Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, nguyên nhân khiến thị trường Đài Loan hút lao động là do từ ngày 1/4/2013, Đài Loan tăng lương cơ bản lên mức tương đương 13,3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tổng chi phí xuất cảnh mà một lao động phải chi cũng không quá cao, ở mức gần 3.000 USD, phù hợp với điều kiện của đa số lao động. Hơn nữa, Đài Loan đang mở rộng hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài, nên việc tăng tuyển của doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước cũng là điều dễ hiểu.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, chỉ tính từ ngày 20/10 đến ngày 14/11, cơ quan này đã cấp phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Đài Loan với số lượng tuyển dụng hơn 2.000 người. Dự báo, tổng số lượng hợp đồng tuyển dụng từ nay đến Tết Nguyên đán có thể tới 10.000 người.
Theo hợp đồng đăng ký, các doanh nghiệp có số lượng tuyển khá lớn như: Hutraserco LLC, Cienco 8, Oleco, Halasuco, Viglacera… Trong đó, đến 90% số lượng tuyển dụng lao động làm việc trong các nhà máy, số lượng nhỏ còn lại làm công việc điều dưỡng, chăm sóc người già, người bệnh ở các viện dưỡng lão, cơ sở y tế.
Ông Phạm Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Hycolasec cho biết, phần đông lao động Việt Nam ở Đài Loan có việc làm đầy đủ, thu nhập đạt 25.000 - 30.000 Đài tệ/tháng (17,5 triệu - 21 triệu đồng), nên có thể tích lũy 12 - 15 triệu đồng/tháng.
Tuy số lượng tuyển dụng không “khủng” như thị trường Đài Loan, nhưng thị trường các nước Trung Đông và châu Phi cũng đang dần được các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng trở lại, sau một thời gian trầm lắng. Lĩnh vực tuyển dụng chính vẫn tập trung chủ yếu vào ngành xây dựng. Các doanh nghiệp như: VTC Corp, Vinamotor, FLC Group, Thăng Long, Simco Sông Đà đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp phép nhiều hợp đồng, với số lượng tuyển dụng hàng ngàn lao động làm việc tại Bahrain và Saudi Arabia.
Mức lương dành cho nghề thợ hàn, giàn giáo, giám sát xây dựng và phụ hồ tại Bahrain dao động từ mức gần 8 triệu đồng đến 25 triệu đồng/tháng, tùy từng nghề. Tương tự, tại Saudi Arabia, lao động ngành xây dựng có mức lương từ 7 triệu đồng đến 27 triệu đồng/tháng, tùy trình độ và yêu cầu công việc.
Thị trường Qatar cũng dần thu hút trở lại các doanh nghiệp khi có số lượng tuyển dụng được cấp phép theo hợp đồng của doanh nghiệp lên tới gần 2.000 người, tập trung nhiều vào ngành xây dựng, với mức lương 7 - 11 triệu đồng/tháng.
Với thị trường các nước châu Phi, trước tình trạng hàng chục ngàn lao động sang Angola làm việc trái phép bằng visa du lịch hoặc bị các đối tượng cò mồi lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa cấp phép cho Công ty Hoàng Long tuyển 110 lái xe tải, thợ xây sang nước này làm việc. Đối tác sử dụng lao động tại Angola là Công ty Avir, trả cho lao động Việt Nam mức lương hơn 16 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Avir còn đài thọ cho người lao động chi phí vé máy bay sang Angola.
Tại thị trường Libya, sau vài năm bị gián đoạn do khủng hoảng kinh tế khiến hơn 11.000 lao động Việt Nam phải về nước, các công ty như Sona, Bimexco, Lilama đã được thí điểm tuyển hơn 200 lao động phổ thông, lao động ngành xây dựng, cơ khí, thợ hàn đưa sang thị trường này, với mức lương 300 - 1.000 USD/tháng.
Thanh Hải