Tháng 8/2012, Chính phủ Hàn Quốc đã ngừng gia hạn Chương trình Phái cử lao động sang Hàn Quốc làm việc (EPS) với Việt Nam, do tỷ lệ bỏ trốn không về nước của lao động Việt Nam khi hết hạn hợp đồng quá cao (hơn 50%).
| ||
Nhiều lao động Việt Nam mong mỏi trở lại Hàn Quốc để làm việc |
Từ đó đến nay, khoảng 14.000 lao động Việt Nam đã có chứng chỉ tiếng Hàn, hoàn thành hồ sơ và chỉ chờ được phía Hàn Quốc tiếp nhận hồ sơ để giới thiệu cho các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn đã phải dừng lại, tạm ngừng “giấc mơ” sang Hàn Quốc làm việc với thu nhập cao để đổi đời.
Tuy nhiên, trước những nỗ lực của cơ quan chức năng Việt Nam trong việc giảm thiểu tình trạng lao động bỏ trốn, mới đây, Bộ Việc làm - Lao động Hàn Quốc đã ký với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Bản thỏa thuận về việc tiếp tục thực hiện EPS.
Theo đó, hai bên sẽ đàm phán để tiến tới ký kết Bản ghi nhớ đặc biệt về việc nối lại EPS trong thời hạn 1 năm. Sau thời gian đó, nếu số lao động bỏ trốn giảm, Hàn Quốc sẽ chính thức ký lại EPS với Việt Nam.
Bản thỏa thuận này đã mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục ngàn lao động Việt Nam, trong đó có ba nhóm đối tượng sẽ được ưu tiên giới thiệu với các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc.
Đó là những lao động đã đỗ các kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn theo EPS vào tháng 12/2011 và tháng 8/2012; những ứng viên thuộc các huyện nghèo đã đăng ký kiểm tra chương trình kiểm tra tiếng Hàn xuất khẩu lao động (EPS-TOPIK) tháng 8/2012, nhưng chưa được tham gia kiểm tra do EPS bị tạm dừng; những lao động đã về nước đúng hạn và đã đỗ kỳ kiểm tra EPS-TOPIK trên máy tính mà chưa được quay lại Hàn Quốc làm việc.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Thanh Hòa cho biết, hai nước đang nỗ lực đàm phán để có thể ký kết Bản ghi nhớ đặc biệt trong tháng 10 hoặc tháng 11/2013. Nếu thành công, ngay trong thời gian còn lại của năm 2013, khoảng 14.000 lao động thuộc các nhóm ưu tiên nói trên sẽ được cung cấp hồ sơ cho phía chủ sử dụng lao động Hàn Quốc để lựa chọn 4.600 người theo chỉ tiêu mà phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam.
Còn theo Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ông Đào Công Hải, cơ quan này đang tích cực xây dựng các quy trình để cụ thể hóa các chính sách, giải pháp mà Việt Nam đã cam kết trong việc giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, đặc biệt là xây dựng quy chế, các căn cứ để xử phạt và quản lý tiền ký quỹ của người lao động, để hai bên sớm ký kết được Bản ghi nhớ đặc biệt nói trên.
Để chấn chỉnh tình trạng bỏ trốn của lao động Việt Nam với hy vọng sớm nối lại chính thức EPS, Việt Nam đã thí điểm việc ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội trước khi sang Hàn Quốc làm việc, theo Quyết định 1465/QĐ-TTg ngày 21/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, nếu người lao động về nước trước thời hạn do vi phạm hợp đồng, thì tiền ký quỹ sẽ được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra, tiền thừa sẽ được trả lại cho người lao động; nếu không đủ, thì người lao động phải nộp bổ sung.
Trường hợp người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng, hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc, tiền ký quỹ sẽ không được hoàn trả. Nếu về nước đúng hạn, tiền ký quỹ sẽ được trả lại cả gốc lẫn lãi.
Trong một số trường hợp phát sinh, như người lao động đã ký quỹ, nhưng không đi lao động nữa, hoặc trong quá trình làm việc bình thường xảy ra tai nạn, sức khỏe không đảm bảo, vẫn được nhận lại tiền ký quỹ.
Ngoài ra, từ ngày 10/10/2013, những lao động Việt Nam tự ý phá hợp đồng, bỏ trốn ở lại Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp, kể cả hành vi dụ dỗ người khác bỏ trốn, sẽ bị phạt 100 triệu đồng. Tuy nhiên, để giảm thiểu tỷ lệ lao động bỏ trốn, những lao động đã bỏ trốn trước ngày 10/10/2013 nếu tự nguyện về nước trong 3 tháng (10/10/2013-10/1/2014) sẽ không phải nộp phạt theo quy định nói trên.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã thành lập Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và tuyên truyền cho lao động Việt Nam về việc tuân thủ luật pháp, về nước đúng thời hạn, định kỳ 2 tuần/lần tại 7 trung tâm tư vấn lao động nước ngoài của Hàn Quốc.
Phan Long