| ||
Lao động Việt Nam làm việc tại nhà máy ở Qatar |
Trong những năm 2010 trở về trước, cùng với 5 nước vùng vịnh khác là Các tiểu Vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Oman, Kuwait, Bahrain và Saudi Arab, Qatar là một trong những thị trường xuất khẩu lao động chủ lực của Việt Nam.
Có đến 40 doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia khai thác thị trường này, mỗi năm cung ứng cho phía Qatar vài nghìn lao động.
Lúc cao điểm, có tới hơn 10.000 lao động Việt Nam làm việc tại Qatar.
Tuy nhiên, do tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, vi phạm pháp luật, thậm chí lập băng đảng để trộm cướp tại Qatar ngày càng gia tăng.
Vì vậy, từ giữa năm 2008, số lượng lao động Việt Nam sang Qatar làm việc liên tục giảm và đến nay, mỗi năm chỉ còn vài trăm lao động sang Qatar làm việc.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đào Công Hải, đó không phải là nguyên nhân duy nhất khiến lượng lao động sang Qatar sụt giảm thảm hại.
Một nguyên nhân khác, theo ông Hải là do điều kiện làm việc tại Qatar rất khắc nghiệt khi thời tiết nắng nóng quá gay gắt, nhiệt độ thường xuyên ở mức trên 40 độ khiến nhiều lao động Việt Nam không thích ứng được vì sức khỏe kém.
Tình trạng lao động Việt Nam tại Qatar bỏ trốn, vi phạm pháp luật cũng có nhiều nguyên nhân. Qatar là một nước đạo hồi với nền văn hóa, ẩm thực khác biệt khá lớn với Việt Nam, rất ít hình thức vui chơi, phim ảnh, giải trí. Ngoài ra, nhiều lao động Việt Nam chịu áp lực lớn do phải chịu mức chi phí sang làm việc khá tốn kém khi phải vay lãi, tiền vé máy bay sang Qatar cũng đắt vì chặng dài.
Vì vậy, rất nhiều lao động Việt Nam tại Qatar tổ chức nấu rượu để bán (Qatar cấm bán rượu) vì lợi nhuận cao, bỏ trốn ra ngoài làm việc, uống rượu, trộm cắp gây mất an ninh trật tự, tạo hình ảnh xấu về lao động Việt Nam.
Bên cạnh đó, do phần lớn các đơn hàng lao động từ Qatar là lao động phổ thông, yêu cầu tuyển dụng khá đơn giản nên khi tuyển dụng, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đều làm rất qua loa, tuyển ồ ạt mà không làm tốt công tác định hướng, giáo dục cho lao động.
Do đó, Qatar là một trong những thị trường mà lao động Việt Nam vi phạm pháp luật nhiều nhất. Cứ 10 người sang Qatar thì tới 8 người bỏ trốn, bán rượu lậu, say rượu, trộm cắp và nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác.
Từ năm 2007 đến 2009, phía Qatar đã 3 lần ngừng cấp visa cho lao động Việt Nam. Việc cung ứng lao động vì vậy liên tục bị gián đoạn, giảm dần về số lượng. Hầu hết trong số hơn 10.000 lao động làm việc tại Qatar trước đây cũng đã về nước.
Tuy nhiên, tại kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Qatar vừa tổ chức tại Doha (Qatar) mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Qatar đã thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác về lao động.
“Qatar thực tế vẫn là một thị trường rất lớn và tiềm năng. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động làm chặt chẽ khâu tuyển dụng thì vẫn còn hy vọng sốc lại thị trường này”, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết.
Phó Cục trưởng Đào Công Hải cho biết, thực tế hiện nay mỗi năm Qatar vẫn cần khoảng 100.000 lao động trong ngành xây dựng, do nước này đang triển khai hàng chục dự án xây dựng sân bay, cảng nước sâu, cao ốc, hạ tầng đường bộ khổng lồ với số vốn vài chục tỷ USD.
Mức lương cho ngành xây dựng khoảng từ 350 - 400 USD/tháng. Ngoài ra, Qatar cũng đang có nhu cầu khá lớn về lao động giúp việc gia đình. “Thế nhưng, cái khó hiện nay là lao động Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ lao động các nước như Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Trung Quốc…
Họ chăm chỉ, sức khỏe tốt hơn, ít vi phạm pháp luật, thậm chí sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp từ 200-300 USD/tháng mà vẫn cảm thấy hài lòng”, ông Hải cho biết. Ngược lại, lao động Việt Nam vài năm trở lại đây chỉ muốn sang làm việc ở các thị trường có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản…, nên không mặn mà với công việc tại Qatar vì lương thấp, điều kiện làm việc quá khắc nghiệt.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh, đại diện Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động COLECTO cho biết, công ty có đăng tuyển hơn 100 lao động ngành xây dựng (thợ hàn, thợ giàn giáo, lắp đường ống…) cho Qatar từ tháng 3 đến nay với mức lương từ 350-500 USD tùy trình độ, nhưng đến nay vẫn không tuyển đủ.
“Không chỉ Qatar mà đơn hàng ở các nước vùng Trung Đông khác giờ cũng khó tuyển dụng, do lao động sợ điều kiện làm việc vất vả, lương lại không cao. Họ chỉ mong đến Hàn Quốc, Nhật Bản với mức lương nghìn đô. Thế nên không còn mấy doanh nghiệp trụ lại được với thị trường này”, ông Hoàng Anh chia sẻ.
Chính vì vậy, theo Phó Cục trưởng Đào Công Hải, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại Qatar cũng chỉ khoảng 3.000 người. “Từ đầu năm đến nay chỉ có vài trăm lao động xuất cảnh sang Qatar làm việc. Thế nên, việc sốc lại thị trường này hoàn toàn không đơn giản”, ông Hải thừa nhận.
Phan Long