Quốc tế
Cấp tốc cứu đồng rúp, Nga tăng gấp đôi lãi suất cơ bản
Lê Quân - 28/02/2022 20:15
Ngân hàng Trung ương Nga hôm nay 28/2 tăng gấp đôi lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% khi đồng rúp rớt giá kỷ lục so với đô la Mỹ.
Đồng rúp của Nga rớt giá kỷ lục trong ngày giao dịch 28/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng rúp của Nga đã rớt giá gần 30% so với đồng đô la Mỹ vào sáng 28/2. Đây mức giảm sâu nhất lịch sử do các thị trường lo ngại tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh phương Tây nhằm vào Nga trong bối cảnh thế giới phản ứng ngày càng dữ dội đối với cuộc tấn công Ukraine của Điện Kremlin.

Theo dữ liệu của Factset, đồng rúp lao đáy còn 119 rúp đổi 1 đô la Mỹ khi giao dịch nước ngoài bắt đầu vào sáng nay theo giờ châu Á, từ mức gần 84 rúp "ăn" 1 USD trong phiên trước. Đà trượt giá của đồng rúp sau đó giảm bớt và chốt phiên chiều ở mức 105,27 rúp đổi 1 USD.

Ngân hàng Trung ương Nga lý giải động thái tăng lãi suất trên "được thiết kế để bù đắp rủi ro ngày càng tăng do đồng ruble trượt giá và lạm phát". Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Nga ra lệnh cấm các công ty môi giới của Nga khớp lệnh bán chứng khoán với người nước ngoài trong bối cảnh họ đang tìm cách kiềm chế tác động tiêu cực dội lên thị trường tài chính nước này. Cơ quan này cũng tuyên bố sẽ giải phóng khoản dự trữ 733 tỷ rúp (tương đương 8,78 tỷ USD) của các ngân hàng trong nước để tăng thanh khoản.

Những diễn biến kịch tính trên thị trường tài chính Nga hé lộ nguy cơ về cuộc tháo chạy khỏi các ngân hàng Nga. Theo phản ánh của đài CNBC, dòng người đã xếp hàng dài để rút tiền mặt tại các máy ATM ở các thành phố của Nga. Sberbank Europe, chi nhánh thuộc sở hữu của Ngân hàng quốc doanh Nga Sberbank, cho biết họ đã ghi nhận "lượng tiền rút ra đáng kể trong một thời gian rất ngắn".

Trong tuyên bố hôm nay 28/2, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo kế hoạch ra lệnh cho các nhà xuất khẩu của nước này bán các khoản thu ngoại hối từ ngày 28/2. Theo đó, các nhà xuất khẩu Nga được yêu cầu bán ra 80% tổng doanh thu ngoại hối họ nhận được từ các hợp đồng xuất khẩu.

Cuối tuần qua, Mỹ, các đồng minh châu Âu và Canada đã thống nhất loại các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi SWIFT - một hệ thống thanh toán quốc tế kết nối hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Liên minh châu Âu (EU) hôm 27/2 cũng thông báo sẽ đóng cửa không phận của khối này đối với các máy bay Nga.

Bình luận trên đài CNBC, ông David Marsh, Chủ tịch Tổ chức tư vấn chính sách kinh tế OMFIF cho rằng, sự biến động trên thị trường Nga "cho thấy việc đóng băng các tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga được quyết định vào cuối tuần qua bởi EU và các nước phương Tây khác do Mỹ dẫn đầu - là một động thái quan trọng".

"Điều đó thực sự có ý nghĩa hơn nhiều so với hành động SWIFT (hành động loại Nga ra khỏi SWIFT - BTV), bởi nó vốn vi phạm điều cấm kỵ của Đức nhưng họ tham gia vào động thái cuối tuần qua", ông David Marsh nhận định. "Điều đó nghĩa là sẽ xảy ra cuộc tranh giành đô la Mỹ rất lớn ở Nga - chúng tôi đã thấy nhiều người xếp hàng bên ngoài các ngân hàng", ông Marsh nói thêm.

Trong vài năm trở lại đây, Nga đã tích lũy được lượng ngoại tệ lên tới 630 tỷ USD, mức cao nhất kể từ trước đến nay. Các nhà phân tích cho rằng mức dự trữ ngoại hối kỷ lục này sẽ giúp Nga chống chịu được các lệnh trừng phạt và tổn thất về doanh thu xuất khẩu. Nhưng nếu một số tài sản dự trữ đó bị đóng băng, nó sẽ thay đổi những toan tính của Nga.

"Chúng tôi sẽ làm tê liệt tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga", Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen nêu trong một tuyên bố hôm 27/2. "Điều này sẽ đóng băng các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Nga. Và nó sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Nga không thể xử lý tài sản của mình", bà Ursula von der Leyen cho biết.

Theo Chủ tịch Tổ chức tư vấn chính sách kinh tế OMFIF, việc Nga không thể sử dụng một phần trong số 600 tỷ USD dự trữ ngoại tệ mà Ngân hàng Trung ương nước này đã dày công xây dựng, sẽ đồng nghĩa họ đang ở tình trạng khẩn cấp về kinh tế. "Ý tưởng cô lập Nga, điều mà chỉ vài ngày trước đây có thể được cho là không tưởng, thì giờ đã trở thành hiện thực", Chủ tịch OMFIF nhận xét.

Các nước liên tiếp tung đòn trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó EU đã áp dụng biện pháp mạnh tay nhất để đối phó Nga, sau khi các lực lượng quân đội Nga thực hiện các cuộc tấn công trên khắp Ukraine. Nhiều ngày qua, Nga đã tiến hành pháo kích và các cuộc tấn công tên lửa vào các trung tâm đô thị lớn của Ukraine, bao gồm cả hai thành phố lớn nhất là Kyiv và Kharkiv.

Trong thông cáo hôm 27/2, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết các lực lượng của Ukraine đã cố gắng kìm chân quân đội Nga và tiếp tục kiểm soát hai thành phố Kyiv và Kharkiv.

Tin liên quan
Tin khác