. |
Tất nhiên, câu hỏi đầu tiên phải là “làm sao để chống dịch”. Để chống dịch, nên các biện pháp cấp bách và chưa từng được áp dụng đã được Thủ tướng Chính phủ “lệnh” phải thực hiện. Từ dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người, đến đóng cửa những dịch vụ không thiết yếu, trừ các dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm…; hạn chế sự di chuyển của người dân, siết chặt người nhập cảnh…
Để chống dịch, nên chúng ta đang chứng kiến một cảnh tượng có lẽ cũng chưa từng thấy trong nhiều năm nay, ngoại trừ một vài ngày Tết. Đó là ở nhiều thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM, đường sá vắng bóng người, hàng quán đóng cửa, các trung tâm thương mại sầm uất bỗng trở nên im lìm…
Để chống dịch, nhiều người dân đang kêu gọi “hãy ở nhà” và “hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”.
Tưởng đùa, mà là thật, rất thật trong bối cảnh dịch Covid -19 đang lan rộng trong cộng đồng, nhất là khi 2 tuần tới được coi là thời điểm có tính bước ngoặt trong phòng, chống dịch.
Nhưng nửa tháng áp dụng các biện pháp mạnh cũng sẽ để lại những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Các ngành dịch vụ, vận tải, khách sạn, nhà hàng bị ảnh hưởng trực tiếp nhất, nhiều nhất. Các ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng không kém, khi sức mua giảm, nguyên liệu đầu vào thiếu. Nhiều người đã mất việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động.
Những ảnh hưởng này đã được định lượng bằng chính số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 mà Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tuần vừa qua. Tăng trưởng GDP trong quý I chỉ là 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 26% so với năm ngoái. Sức mua của nền kinh tế chỉ tăng 1,6%, bất chấp quý I có tới hai kỳ nghỉ Tết kéo dài…
Ảnh hưởng của dịch bệnh còn được “đong đếm” bằng những lời kêu cứu của cộng đồng doanh nghiệp từ tất cả các ngành, các lĩnh vực, thậm chí còn được “đong đếm” bằng cả những tiếng thở dài của những người bán hàng rong, người bán trà đá ven đường…
Tình thế gấp gáp và cấp bách không chỉ riêng đối với việc chống dịch, mà còn cả ở việc “cứu” nền kinh tế. “Chống dịch như chống giặc”, nhưng nghèo đói cũng là giặc. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói, cùng với chống dịch, phải lo làm sao để vực dậy nền kinh tế. Tất cả cũng là vì đời sống của người dân.
Nền kinh tế đang ở tình trạng yếu cả ở phía cung và phía cầu, cả cầu trong nước và cầu thế giới. Do đó, “qua đại dịch, phải làm gì để vực dậy nền kinh tế” là câu hỏi khó. Nhưng đó phải là câu hỏi buộc phải tìm câu trả lời trong lúc này. Đây có lẽ cũng là câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra với các bộ, ngành, địa phương, mà tất cả cùng phải tìm câu trả lời trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, dự kiến tổ chức vào ngày 31/3 tới.
“Lệnh” của Thủ tướng, thực tế cũng là “mệnh lệnh” của nền kinh tế.