Đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, quy hoạch và doanh nghiệp du lịch tại hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn” do báo Nhân Dân tổ chức chiều 18/8, tại TP.HCM.
Tại hội thảo đơn vị tư vấn đã trình bày 5 phương án thiết kế, trong đó 3 phương án thiết kế chiều cao tĩnh không của cầu chỉ là 10 m; một phương án chiều cao tĩnh không 15 m và một phương án chiều cao tĩnh không 45 m.
Vị trí xây cầu Thủ Thiêm 4 trên sông Sài Gòn |
Đánh giá ở góc độ kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có lợi thế hơn Bến Bạch Đằng vì có hơn 1.800 m bờ sông hiện cũng có sẵn cầu cảng. Do đó, Thành phố cần xác định mảnh đất này làm gì trước khi bàn đến chuyện xác định tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4.
Ông Lịch cho rằng, khu vực cảng Sài Gòn sau khi di dời cần chuyển thành một trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch với điểm nhấn là kinh tế đêm của TP.HCM.
"Trường hợp, chúng ta bàn chuyện xây cầu trước, xong mới xác định mảnh đất cảng Sài Gòn làm gì, sẽ là một quy trình làm ngược. Tôi mong lãnh đạo TP.HCM biến nơi này trở thành trung tâm kinh tế đêm sầm uất nhất mà chỉ TP.HCM mới có", ông Trần Du Lịch đề xuất.
Nhìn nhận ở góc độ quy hoạch, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, Dự án cầu Thủ Thiêm 4 dựa trên quy hoạch Thủ Thiêm đã vạch ra từ 20 năm trước.
Nhìn trên hiện trạng của khu vực Thủ Thiêm có thể thấy quy hoạch hiện tại đang là ghép nối của các quy hoạch đã có trước đó. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 4 đặt ở vị trí chưa hoàn hảo và cần tính toán lại vị trí, hướng tuyến chứ không chỉ tĩnh không bởi đây không phải là chuyện xây một cây cầu mà còn là vấn đề cơ hội phát triển của Thành phố.
Hiện nay, TP.HCM đang đứng trước cơ hội làm lại quy hoạch vì Luật Quy hoạch mới cho phép các tỉnh thành phố được làm lại quy hoạch theo tư duy tích hợp nên cần tận dụng, phải có tư duy quy hoạch tích hợp, liên kết với nhau.
Đồng tình với các chuyên gia quy hoạch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), cũng cho rằng, quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4 đã có từ 20 năm trước là quá cũ. Vì vậy, cần đánh giá lại để tránh vấp phải những sai lầm đã đặt ra trong quy hoạch cũ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel góp ý về phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 |
Phân tích ở khía cạnh du lịch, ông Kỳ cho rằng, tàu du lịch biển tiếp cận được vào trung tâm thành phố là một lợi thế không phải thành phố nào cũng có được. Khi tàu du lịch vào được Cảng Sài Gòn còn tạo ra cơ hội để TP.HCM có thể đón du khách với số lượng cao gấp 10 lần số lượng khách của một tàu bay.
Lý do vì sao cầu Phú Mỹ có tĩnh không 45 m mà tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 lại dự kiến chỉ có 10 m. Nâng tĩnh không cầu có thể tăng chi phí hiện tại nhưng nhìn vào tương lai chi phí này sẽ rẻ hơn rất nhiều. “Chúng tôi thực sự mong muốn thành phố tính toán lại để không đánh mất lợi thế quan trọng này”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Sau khi nghe ý kiến góp ý từ các chuyên gia, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải TP.HCM cho biết, quy hoạch của cầu Thủ Thiêm 4 đã có từ lâu. Vì vậy, trong quá trình triển khai, Sở Giao thông- Vận tải đã nghiên cứu rất kỹ và đưa ra nhiều phương án, trong đó cũng đang nghiên cứu đến phương án xây hầm, xem phương án nào thuận lợi, phù hợp nhất để làm.
Ông Lâm đánh giá, thông qua hội thảo, các ý kiến của chuyên gia đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Với trách nhiệm là cơ quan chuyên ngành Sở GTVT sẽ tiếp thu và báo cáo lại với lãnh đạo UBND Thành phố để xem xét điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở tầm nhìn dài hạn.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 4.950 tỷ đồng, công trình dự kiến khởi công vào năm 2024 và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2028.
Cây cầu này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông từ khu Nam thành phố về trung tâm, đồng thời thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm.