Ngân hàng - Bảo hiểm
Cầu tín dụng giảm, ngân hàng đau đầu tìm cách hạ lãi suất
Hà Tâm - 03/03/2023 09:06
Room tín dụng dồi dào, song nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh đang chậm lại. Thêm vào đó, áp lực giảm lãi suất huy động và cho vay đang khiến các ngân hàng “đau đầu”.
Ngân hàng đang “sẵn tiền”, nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh không dám vay, do lãi suất cao, đơn hàng giảm.

Khả năng “khát room” khó tái diễn trong năm 2023

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cấp room tín dụng đợt 1 năm 2023 cho một loạt ngân hàng, song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều ngân hàng thương mại cho hay, room tín dụng không phải là vấn đề thời điểm này. Trước khi NHNN cấp room, hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn diễn ra bình thường. Việc “khát room”, nếu có, thường xảy ra vào nửa cuối năm như năm 2022, song khả năng năng này khó tái diễn trong năm nay, bởi cầu tín dụng đang chậm lại.

“Tăng trưởng tín dụng năm 2023, nhất là giai đoạn đầu năm không dễ, nếu không nói là khó. Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh (do lãi suất cao, đơn hàng suy giảm), nhu cầu vay vốn thấp. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) thời gian qua luôn dưới 50%, phản ánh các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất tiếp tục suy giảm. Với khách hàng cá nhân, thời điểm này cũng ít người vay vốn mua nhà do lãi suất cao, thị trường bất động sản trầm lắng”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay.

Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, cầu tín dụng của nền kinh tế chậm lại rõ rệt từ cuối năm ngoái. Đầu tháng 12/2022, NHNN nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%, song các ngân hàng vẫn không giải ngân hết.

Nói chính xác hơn, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế vẫn rất lớn, song cung - cầu đang có nhiều bất cập. Theo đó, nhóm doanh nghiệp khát vốn, chấp nhận vay bằng mọi giá (chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản) không đủ điều kiện để giải ngân. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp sản xuất - được ngân hàng ưu tiên cho vay - lại không muốn vay vốn, vì đơn hàng giảm, lãi suất cao.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM cho biết, lượng đơn hàng của các doanh nghiệp may mặc đang giảm 30 - 40% so với cùng kỳ, trong khi lãi suất lên cao, khiến doanh nghiệp không dám vay.

Trong khi đó, về khách hàng cá nhân, thay vì “xếp hàng” chờ ngân hàng giải ngân như đầu năm ngoái, hiện nhiều khách hàng đang cắt lỗ bất động sản, đổ xô tất toán hợp đồng vay trước hạn do không chịu nổi lãi suất cao.

Năm nay, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 - 15%, tương đương lượng vốn tăng thêm với nền kinh tế khoảng 1,7 - 1,8 triệu tỷ đồng. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, tín dụng năm nay sẽ tăng thấp hơn mục tiêu định hướng của NHNN.

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, với mặt bằng lãi suất cao, khu vực bất động sản gặp khó khăn và triển vọng kinh tế kém tích cực, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 sẽ chỉ ở khoảng 13%. Thậm chí, các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay chỉ khoảng 11 - 12%.

Giảm lãi suất, ngân hàng cũng muốn

Ngoài đối mặt với nguy cơ tín dụng suy giảm, hiện nay, các ngân hàng còn phải chịu sức ép giảm lãi vay. Lãi suất cho vay tăng cao thời gian qua đang khiến doanh nghiệp kiệt sức. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại phân trần, lãi suất cao như hiện nay là điều ngân hàng không hề mong muốn.

Theo đại diện OCB, lãi vay cao khiến cầu tín dụng giảm, doanh nghiệp sản xuất kém hiệu quả, có khả năng không trả nợ ngân hàng đúng hạn, nguy cơ nợ xấu tăng…

Cuối năm 2022, lãi suất huy động bị đẩy lên cao sau 2 lần NHNN tăng lãi suất điều hành với mức tăng mỗi lần 1%, nhằm bảo vệ tỷ giá. Ngoài ra, sự cố SCB xảy ra vào tháng 10/2022 cũng khiến các ngân hàng chạy đua lãi suất huy động để bảo vệ thanh khoản.

Mặc dù vậy, áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm dần cùng với thanh khoản hệ thống dần ổn định đang tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Hiện nay, lãi suất huy động và cho vay đang có sự phân hóa rõ rệt. Lãi suất huy động của khối ngân hàng thương mại nhà nước cao nhất chỉ còn 8,7%/năm, lãi suất cho vay 9 - 11%/năm. Tuy nhiên, tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất huy động cao nhất vẫn quanh mức 10%/năm, lãi suất cho vay lên tới 14 -15%/năm.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, NHNN đang “ép” các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất huy động, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, từ đó tạo điều kiện giảm thêm lãi vay. Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm từ từ và có chọn lọc, chứ không giảm đại trà. Thực tế, áp lực tăng với lãi suất trong nước vẫn rất lớn, bởi Fed vẫn chưa ngừng lộ trình tăng lãi suất.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Á châu (ACB) khẳng định, lãi suất cho vay áp dụng với từng khách hàng được tính toán dựa trên cơ sở chi phí huy động vốn đầu vào, dựa trên điểm tín nhiệm và mức độ giao dịch của khách hàng tại ngân hàng, kỳ hạn cho vay (ngắn hạn, dài hạn)…, chứ không thể có mức lãi vay chung cho tất cả đối tượng.

Liên quan phản ánh của một số doanh nghiệp về lãi vay cao, khó tiếp cận vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, không phải doanh nghiệp nào có nhu cầu vay vốn cũng được ngân hàng đáp ứng, bởi ngân hàng cũng phải tuân thủ nguyên tắc, điều kiện cho vay (bao gồm lĩnh vực cho vay, tính hiệu quả của dự án, thủ tục pháp lý, tài sản đảm bảo…).

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu Fed ngừng tăng lãi suất từ tháng 5 tới, tỷ giá và lạm phát bớt căng thẳng, thì NHNN mới có thể mạnh tay hơn trong đưa ra các giải pháp giảm lãi suất, khơi thông dòng tiền. Trước mắt, việc giảm lãi suất chưa thể diễn ra trên diện rộng, tùy thuộc vào khả năng tiết giảm chi phí cũng như thanh khoản của từng ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc cấp room tín dụng năm 2023 dựa trên nhiều yếu tố như: kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung); tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thị trường...

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng và trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường cũng như đề nghị của các tổ chức tín dụng để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng điều hành.
Tin liên quan
Tin khác