Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB |
Thưa ông, ông nhận định thế nào về xu hướng lãi suất cho vay hiện nay và trong thời gian tới?
Quý I/2024, điểm nổi bật nhất của tín dụng toàn ngành ngân hàng là làn sóng giảm lãi suất cho vay trên toàn thị trường. Tôi nghĩ, đây là một tín hiệu tốt. Thực tế, mặt bằng lãi suất đang rất thấp, như lãi suất cho vay của OCB hiện nay là 6-8%/năm.
Nhưng lưu ý rằng, lãi suất không chỉ giảm với các khoản vay mới, mà còn với cả các khoản vay hiện hữu. Dĩ nhiên, việc này còn tùy vào đối tượng khách hàng. Các doanh nghiệp trong các ngành hàng ưu tiên hoặc doanh nghiệp có tình hình kinh doanh ổn định sẽ hưởng mức lãi suất tốt hơn. Còn các khu vực có rủi ro cao sẽ hưởng mức ưu đãi thấp hơn. Mặt bằng lãi suất thấp hiện nay có thể được duy trì ít nhất đến cuối năm.
Ông có tin là sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong các quý tiếp theo sẽ tăng trở lại?
Tôi tin là như vậy, bởi năm nay, chúng ta được hưởng lợi từ nhiều vấn đề. Ngân hàng đang dồi dào thanh khoản, trong khi Chính phủ có nhiều chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ các vấn đề pháp lý trong các dự án và có nhiều chương trình khuyến khích doanh nghiệp. Chính phủ cũng có những yêu cầu rất cao cho ngành ngân hàng trong việc tiếp vốn cho nền kinh tế, gia tăng tín dụng. Tất cả các chính sách đó đều được thực hiện từ năm ngoái, nên năm nay sẽ phát huy tác dụng.
Nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do các yếu tố ngoại lai, như sự suy giảm từ các ngành xuất khẩu chính, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông các thị trường xuất khẩu. Bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu làm quen và đưa ra những giải pháp rất thích hợp trong môi trường kinh tế toàn cầu phức tạp như hiện nay.
Dĩ nhiên, chúng ta không kỳ vọng có sự phát triển đột phá trong năm nay, nhưng hoàn toàn có thể tin là tình hình sẽ cải thiện. Vì vậy, tôi tin rằng, ngành ngân hàng có cơ hội tốt để tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong năm nay.
Giải pháp để ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiện nay là gì, thưa ông?
Từ trước đến nay, giải pháp của ngân hàng chúng tôi chỉ có một, đó là bám sát hệ thống khách hàng của mình, đồng hành với khách hàng, kể cả lúc khó khăn. Chúng tôi đưa ra những giải pháp về vốn kịp thời để họ tận dụng cơ hội tăng trưởng. Và chính nhờ sự tăng trưởng của khách hàng, mà OCB cũng tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng có các chiến lược khác nhau. Với OCB, ngay trong chính sách lãi suất, chúng tôi hướng đến các chính sách bền vững. Trên thị trường hiện có các gói lãi suất rất đặc biệt từ các ngân hàng, nhưng OCB không có ý định tung ra các gói lãi suất tương tự. OCB vẫn thực hiện các chiến lược giảm lãi suất để giữ chân khách hàng và phát triển khách hàng mới.
Tín dụng tăng trưởng trở lại, trong khi huy động vốn ngành ngân hàng giảm 0,76% tính đến gần hết tháng 3/2024. Phải chăng, thời kỳ “tiền rẻ” đang dần đi qua?
Tôi nghĩ, dùng từ “lãi suất thấp” thì đúng hơn là “lãi suất rẻ”. Để có mặt bằng lãi suất thấp như bây giờ, thì phần lớn là nhờ sự quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Cũng có sự cố gắng của các ngân hàng thương mại với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp. Thế nên, khả năng cao là mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Còn để ổn định mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian dài hơn, theo tôi, cần các cơ chế khác nhau để cải thiện cấu trúc phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Tốc độ huy động vẫn tốt, nhất là trong tháng 3/2024, lượng tiền vào ngân hàng của OCB đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, tăng 5-6%. Thực tế hiện nay, ngành ngân hàng khá dồi dào về thanh khoản, trong khi tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới chưa tạo áp lực về thanh khoản. Song việc giảm thêm lãi suất huy động cũng khó, vì hiện tại, các ngân hàng giữ mức lãi suất khá thấp. Mức lãi suất hiện nay được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại.