CEO Phạm Hữu Ngôn. |
1. Chiếc ghế CEO AhaMove đã có 2 người ngồi trước khi Ngôn bước vào. Quá trình chuyển giao này, với Phạm Hữu Ngôn, cũng là bình thường. Tại mỗi giai đoạn phát triển, doanh nghiệp cần CEO có năng lực phù hợp khác nhau.
“AhaMove đang cần một CEO giúp công ty phát triển ổn định về vận hành và tài chính, đẩy mạnh mảng sáng tạo công nghệ. Có thể 2 năm nữa, nếu AhaMove cần một CEO với sứ mệnh mở rộng thị trường, tiến sang quốc gia khác thì sẽ chọn một CEO với phong cách ‘sales’ chăng?”, Phạm Hữu Ngôn nói sau 8 tháng đảm nhận vai trò CEO AhaMove.
Nội bộ có thể xáo trộn, nhưng những lần thay đổi CEO góp phần hạn chế sự bám rễ của các mối quan hệ tiêu cực hay tính chai lì của tổ chức.
Sự đổi mới nào xảy đến với AhaMove khi kỹ sư công nghệ Phạm Hữu Ngôn là CEO?
Xuất thân từ kỹ sư công nghệ, khi trở thành CEO, Ngôn muốn cấy gen công nghệ vào mọi thành viên trong đội ngũ. Từng đầu quân cho Google, Ngôn nhìn nhận, công nghệ có thể liên tục thay đổi, nhưng kiến trúc dữ liệu mới là cái bền vững theo thời gian.
Nếu có thể thiết kế một kiến trúc đơn giản, sẽ đáp ứng tốt nhu cầu thực tế và dễ mở rộng về sau. Và sau đó, việc “phổ cập công nghệ” cho toàn thể nhân viên AhaMove phần nào trở nên dễ dàng.
Theo lời của Ngôn, các nhân viên trẻ chỉ cần chịu khó bỏ ra một vài buổi học SQL (một loại ngôn ngữ lập trình để quản trị và truy vấn dữ liệu - PV), sẽ có thể tự lập các bảng biểu, truy xuất dữ liệu thành dạng các chỉ tiêu (KPI) hoặc các biểu đồ phục vụ nhu cầu công việc của mình. Dù không phải lập trình viên, sau khi thông thạo SQL, nhân sự có thể còn tự đào tạo lẫn nhau Python (một loại ngôn ngữ lập trình bậc cao - PV).
“Khi tất cả nhân sự, mọi phòng ban sử dụng thành thạo các công cụ về dữ liệu, biết con số nào chứng minh luận điểm mình đang nói và con số đó mang ý nghĩa gì, thì dần có thể tháo ‘nút cổ chai’ tại bộ phận công nghệ. Khi truy xuất dữ liệu phục vụ công việc không còn là chức năng hay nhiệm vụ của riêng phòng công nghệ, thì công cụ công nghệ đó đã thật sự có giá trị”, Ngôn chia sẻ.
Đây không phải là một kế hoạch rầm rộ trong nội bộ, nhưng lại nói lên rất nhiều về kỳ vọng của những người đứng đầu AhaMove. Họ mong muốn việc giải quyết nút thắt cổ chai này có thể thúc đẩy sáng kiến mới, đó là căn cứ phân loại bậc lương thưởng vào cuối năm.
Có 3 mục tiêu chính mà AhaMove đang theo đuổi.
Thứ nhất là tối ưu chi phí. Mỗi đồng tiết kiệm được là thêm cơ hội để phát triển công ty về công nghệ và vận hành.
Thứ hai là đẩy mạnh sáng tạo. Điển hình là dịch vụ Giao hàng 4 giờ vừa được triển khai, mở tập khách hàng thương mại điện tử ở nhiều lĩnh vực khác như thời trang và mỹ phẩm. Nhóm khách hàng này không cần giao hàng quá nhanh như dịch vụ Giao hàng 1 đến 2 giờ (Siêu tốc, Siêu rẻ), lại có chi phí hợp lý hơn.
Tốc độ giao hàng ở mức này sẽ hạn chế việc người mua hủy đơn vì chờ lâu, giảm bớt quy trình (không phải lưu kho) và đóng gói (bao bì có thể đơn giản hơn, vì không lo sản phẩm bị dập, bể trong khi lưu kho). Hay gần đây, AhaMove kết hợp hạ tầng các điểm giao dịch của GHN để tài xế có thể nạp tiền vào tài khoản ngay tại đó, thay vì phải lên văn phòng Công ty.
Thứ ba là tối ưu năng suất làm việc, thay vì khi mở rộng quy mô, sẽ phải tăng số lượng nhân sự. “Thỉnh thoảng gặp những lúc đối thủ ‘đốt’ tiền để giành thị phần, một số bạn bè hỏi tôi có nao núng không? Khi nhìn từ góc độ công nghệ, thì thấy lĩnh vực này vẫn còn nhiều cửa, không chỉ có mỗi cửa ‘đốt tiền’. Đó là ứng dụng công nghệ nâng năng suất tài xế và phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Trong năm nay, phải từng bước kiểm soát được chi phí, doanh nghiệp phải đứng được trên đôi chân của mình”, CEO Ahamove chia sẻ.
Điểm chung đặc biệt khi Ngôn làm CTO, CEO, hay kiêm nhiệm cả hai chính là giải quyết vấn đề dựa trên công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn từ khách hàng.
“Từ đặc trưng của người làm công nghệ là sự chính xác và ngăn nắp, tôi tin rằng, trong quản lý tổ chức, cũng cần xây dựng tính chính xác về lý trí, lời nói đi đôi với hành động và làm đúng với những gì mình đã cam kết. Ngoài ra, trong tổ chức, dù nhỏ hay lớn, đều cần có sự ngăn nắp và minh bạch, thì các cá nhân mới có thể làm việc, hợp tác với nhau một cách hiệu quả và phát huy tối đa khả năng của mình”, Phạm Hữu Ngôn chia sẻ về ưu điểm của dân công nghệ khi trở thành CEO.
2. Học để làm CEO thỉnh thoảng không vui như Ngôn tưởng. “Công nghệ có thể lập trình và đưa ra đáp án chính xác theo mình mong muốn, còn con người không như thế. Với con người, khi ta nói A, họ có thể làm A’, hay có khi làm B, làm C…”, Ngôn chia sẻ về sự “phức tạp” của con người.
Khi mới nhận vị trí CEO AhaMove, Ngôn đã không thành công trong những lần đầu tiếp xúc với các bộ phận bán hàng, tiếp thị…, vì áp dụng kỹ năng lãnh đạo và tâm lý của một kỹ sư. Lúc làm CTO, Ngôn chỉ làm việc với máy tính, điều hành trực tiếp 5 trưởng nhóm kỹ sư. Còn trong vai trò CEO, tính sơ lược, Ngôn phải quản lý thêm 5 trưởng phòng ban, mức độ phức tạp công việc và lĩnh vực cũng gia tăng.
Trước đây, chỉ quản lý các anh em trong cùng trường phái công nghệ, nhưng bây giờ, Ngôn phải quản lý nhiều phòng ban khác như tài chính, marketing, phát triển kinh doanh, nhân sự… Trong mỗi lĩnh vực, anh em đều có kỳ vọng khác nhau, buộc Ngôn phải học hỏi thêm rất nhiều.
“Nếu nói từ CTO thành CEO không áp lực hơn là nói dối. Tôi giảm gần 10 kg so với lúc chỉ làm CTO, phải suy nghĩ nhiều hơn, nhiều vấn đề liên quan đến con người thường đau đầu hơn chỉ có máy và coding”, CEO Ahamove chia sẻ.
Trước đây, sau khi rời vị trí CEO, Lương Duy Hoài có đề nghị Phạm Hữu Ngôn đảm nhận vị trí này, nhưng Ngôn từ chối, chỉ định hướng trở thành CTO tốp đầu ở Việt Nam và khu vực, hơn là làm CEO ở mức trung bình.
Kế nhiệm Lương Duy Hoài là Nguyễn Xuân Trường sau hơn 3 năm cũng rời đi. Ngôn buộc phải nhận trách nhiệm của Công ty giao phó, cũng như thấy rằng, bản thân đã phù hợp hơn tại thời điểm này.
Khi nhận chức, Phạm Hữu Ngôn nhận ra, đội ngũ sẽ không tin tưởng nếu anh chỉ trở thành một CEO ở mức khá, như thể “có hay không có CEO như tôi cũng không quan trọng”. “Một khi đã nhận vị trí CEO thì không thể trả lại theo kiểu đầu hàng và ra đi được. Tôi phải suy nghĩ rất nhiều, tìm cho mình một lối đi, một trường phái phù hợp. Đó là phát triển bản thân trở thành CEO dựa trên công nghệ giỏi nhất Việt Nam”, Ngôn tự vấn và định vị màu sắc riêng cho mình.
Ngôn không cần biến mình thành người khác khi là CEO, nhưng sẽ dùng những lợi thế mình có và học hỏi thêm, để trở thành một CEO công nghệ khác biệt. Sự hợp tác chỉ hiệu quả trong một môi trường có sự tin tưởng. Khi lòng tin bắt đầu nảy nở, sự đổi mới và sáng tạo cũng bắt đầu “đâm chồi”.
Trao đổi ngắn với Phạm Hữu Ngôn:
Một ví dụ về việc anh buộc phải hiểu về kỳ vọng của nhiều phòng, ban khác?
Tôi là người dễ tính, lương thưởng khi làm kỹ thuật được đưa sao thì biết vậy. Mang tư duy này khi làm CEO để thiết lập chế độ cho anh em thì không ổn, vì sự quan tâm ở các phòng ban rất khác nhau. Tôi không lường trước được rằng, đụng tới vấn đề này là liên quan đến hài hoà lợi ích.
Lương thưởng của anh có khác biệt như thế nào giữa vị trí CTO và CEO?
Thật ra tôi chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này vì vai trò ở 2 vị trí này là khác nhau. Khi làm CTO, đầu óc tôi thoải mái, tập trung phát triển giá trị công nghệ. Còn khi làm CEO, tôi lại có thời gian trải nghiệm bản thân ở nhiều góc nhìn, để tạo ra nhiều giá trị khác hơn.
Là kỹ sư công nghệ có tên tuổi ở Việt Nam, có lẽ anh cũng được nhiều công ty mời gọi đầu quân trong quá trình làm tại AhaMove?
Cũng có. Nhưng nếu đó không phải là điều mà tôi quan tâm và phát triển thì tôi sẽ không dành thời gian đi đào sâu hay tìm hiểu.