Du lịch
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt: Lữ hành ngủ đông, vẫn phải sẵn sàng phản công
Hồ Hạ - 16/05/2021 09:25
Để “sống chung với Covid-19”, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, các công ty du lịch cần có phương thức quản trị linh hoạt, lúc ngủ đông vẫn phải sẵn sàng “phản công” khi dịch được kiểm soát.

Thưa ông, “sóng thần” Covid-19 lần thứ tư đang tác động đến hoạt động kinh doanh lữ hành ở AZA Travel như thế nào?

Thực tế, trải qua ba đợt dịch Covid-19 bùng phát trước, các công ty du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã gặp rất nhiều khó khăn. Có đến 95% các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã phải tạm thời đóng cửa.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc kinh doanh Euro Beer. Ảnh: Hồ Hạ.

Dù xác định "sống chung với dịch", nhưng người làm du lịch không khỏi buồn và nản một khi lần nữa ngành du lịch lại lao đao vì “bão” Covid-19 lại bùng phát.

Nhiều dịch vụ mới được chúng tôi triển khai để đón mùa vàng du lịch dịp hè, nhưng giờ lại thấy tăm tối khi dịch tái diễn. Bán được tour cho một khách đã vất vả, giờ cả nghìn khách huỷ, cảm giác lúc này là oải.

Trước dịch, AZA Travel tính tuyển thêm nhân viên để mở rộng khi du lịch trong nước có dấu hiệu "hồi" lại nhưng nay kế hoạch này phải dời lại. Sau những "cú đấm bồi liên tiếp" từ các đợt dịch trước, sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ, lữ hành và cả sản xuất vốn đã yếu, nay lại thêm lao đao.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào đầu mùa hè, mùa cao điểm du lịch nhất năm của ngành kinh tế xanh, tác động của nó khủng khiếp hơn rất nhiều và tác động trực diện tới tất cả các công ty du lịch, trong đó có AZA Travel.

Cụ thể, tất cả các tour khởi hành trong tháng 5 của công ty với hơn 1.000 khách hàng đã tạm hoãn và hủy. Chúng tôi đang nỗ lực, làm việc hết công suất để giải quyết ổn thỏa cho tất cả các khách hàng, đảm bảo khách hàng không bị mất tiền và sẽ được bảo lưu tiền để có thể sử dụng dịch vụ hoặc chuyển đổi sang các tour khác sau khi dịch được kiểm soát.

Hiện, đa số các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng là đối tác của AZA Travel đã có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch cũng như khách hàng. Chỉ có một số ít khách sạn và resort đang áp dụng chính sách tương đối cứng nhắc, khi chỉ cho bảo lưu dịch vụ từ tháng 5 sang tháng 6. Vì thế, chúng tôi đang tích cực đàm phán với họ.

Đợt Covid-19 thứ tư khiến AZA Travel cũng như các công ty du lịch nói chung thiệt hại rất nặng nề. Bởi vì, chúng tôi đã đầu tư rất lớn vào công tác marketing, quảng cáo, chi phí nhân sự,… lên tới hàng trăm triệu đồng trong thời gian qua. Cùng với đó là chi phí thuê văn phòng và những chi phí để hỗ trợ cho du khách hoãn, hủy tour.

Mặt khác, chúng tôi lo sợ nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến những tour khởi hành trong tháng 6, tháng 7. Trong khi, các hãng hàng không cũng như khách sạn chưa có chính sách hỗ trợ gì cho tour khởi hành thời điểm sau 31/5.

Theo ông, doanh nghiệp lữ hành nên làm gì trong thời điểm này để đối phó với những tác động tiêu cực từ Covid-19?

Thứ nhất, các hãng lữ hành phải giải quyết ổn thỏa tất cả những yêu cầu đặt tour của du khách đang bị tác động bởi dịch bệnh. Với tính chất là đơn vị trung gian, các doanh nghiệp lữ hành cần tích cực làm việc với các đối tác để bảo đảm tối đa quyền lợi của du khách, giúp bảo lưu số tiền, có thể sử dụng dịch vụ khi hoạt động du lịch phục hồi trở lại.

Thứ hai, các công ty du lịch phải theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để có những kế hoạch kinh doanh phù hợp trong thời gian tới. Bởi, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng tới cả những tour trong tháng 6 và tháng 7. Tình huống này đòi hỏi doanh nghiệp lữ hành phải làm việc với các đối tác để xây dựng những kịch bản xử lý các tour trong tháng 6 và tháng 7.

Thứ ba, các công ty du lịch lữ hành cần kiểm soát lại các hoạt động trong công ty để giảm thiểu chi phí ở mức tối đa. Hiện chúng đang tính đến việc phải cho nhân viên làm việc từ xa để vừa đảm bảo an toàn và giảm chi phí.

Thứ tư, chúng tôi đang nghiên cứu áp dụng thêm công nghệ mới và chuyển đổi số trong để khi ngành du lịch khởi động lại, hoạt động của công ty sẽ hiệu quả hơn.

Đặc biệt, khi du lịch tạm ngủ đông, một phần nhân sự của AZA Travel chuyển sang sản xuất và kinh doanh bia thủ công Euro Beer do tôi là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành.

Tín hiệu của thị trường bia thủ công ra sao, thưa ông?

Trước đây, Euro Beer chủ yếu phân phối cho các nhà hàng, khách sạn, nhưng giờ, nguồn cầu truyền thống không còn, nên chúng tôi chuyển sang bán online, chuyển đến tận nhà.

Phản ứng của thị trường rất tốt. Euro Beer đang tuyển đại lý và cộng tác viên bán bia trong chính nhân sự ngành du lịch. Bởi, đa số nhân sự ngành du lịch hoạt động rất tích cực, có nhiều bạn bè, đối tác có tiền đi du lịch cũng là đối tượng khách hàng tiềm năng của Euro Beer. Chúng tôi đẩy mạnh hợp tác với những người làm du lịch tạm chuyển sang bán hải sản, chế biến đồ ăn sẵn để họ bán đồ ăn kèm bia, còn mình quảng cáo đồ ăn cho họ hoặc bán bia kèm đồ ăn để khách mua được đồ ăn và đồ uống đều ngon.

Tuy sản xuất và kinh doanh Euro Beer online không đem lại doanh thu "khủng", nhưng vẫn tốt vì có thể tạo việc làm cho nhân viên và sống sót qua đợt dịch.

Chúng tôi cũng đang có kế hoạch mở rộng thị trường của Eurobeer tới TP.HCM và các tỉnh, thành chưa ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh đợt này.

Thưa ông, vậy làm cách nào để các doanh nghiệp du lịch có thể tự cứu mình trong thời điểm hiện nay?

Thực tế, có đến 95% doanh nghiệp đã không thể tồn tại được qua ba đợt dịch trước. Đợt dịch lần thứ tư lại diễn ra đúng dịp cao điểm mùa hè nên tôi cho rằng đây sẽ là yếu tố tiếp tục loại bỏ những công ty du lịch không thể chống chịu được với Covid-19.

Tuy nhiên, AZA travel đang tiếp tục động viên tinh thần nhân viên trong công ty, quyết tâm bám trụ với nghề, đợi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Để làm được điều đó, chúng tôi tiếp tục cơ cấu công ty nhỏ gọn, chính sách quản trị linh hoạt và hiệu quả để sống chung với đại dịch. Bên cạnh đó, liên tục xây dựng những kịch bản phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Khi dịch bệnh bùng lên, AZA Travel sẽ lập tức thu hẹp hoạt động và tạm thời ngủ đông. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi lại lập tức tăng tốc. Bởi chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu du lịch của người Việt Nam vẫn sẽ rất lớn.

Theo tìm hiểu của tôi, học sinh vẫn sẽ nghỉ hè từ tháng 6, ngành Giáo dục và Đào tạo chủ trương không kéo dài thời gian học mà sẽ tổ chức học và thi trực tuyến.

Khi dịch bùng lên, chúng tôi có thể ngủ đông nhưng vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng kích hoạt, phản công và vươn lên mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh là phải đặt yếu tố an toàn khi đi du lịch lên hàng đầu bằng việc thực hiện nghiêm 5K trong phòng chống dịch Covid 19 của cả du khách và đơn vị làm du lịch.

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, sức khỏe doanh nghiệp du lịch đã cạn kiệt. Ông có đề xuất giải pháp gì để các hãng lữ hành có thể sớm hồi phục?

Thực tế, các kiến nghị, đề xuất cho ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch và các nhân sự trong ngành kinh tế xanh đã được đề cập, bàn luận, góp ý rất nhiều ngày từ những đợt dịch đầu tiên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu và thông cảm vì Chính phủ có nhiều mối lo khác và những chính sách khi triển khai ở thực tế cũng còn nhiều bất cập. Thế nên, hầu như là các doanh nghiệp và nhân sự ngành du lịch chưa nhận được hỗ trợ gì đáng kể trong thực tế.

Chúng tôi vẫn luôn mong mỏi Việt Nam tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, nhanh chóng đẩy lùi được đợt dịch lần thứ tư này giống như ba lần trước. Vì chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân mới đi du lịch.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành cũng kiến nghị các đối tác như hàng không, khách sạn, nhà hàng có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho những tour khởi hành trong tháng 5 rồi nhưng với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp thì cũng xem xét gia hạn hoặc bảo lưu các tour đã gặp trong tháng 6 tháng 7 để hỗ trợ khách hàng, cũng như các công ty du lịch.

Tôi nghĩ rằng, đây là việc rất cần thiết để đảm bảo uy tín của tất cả các bên cũng như sự hợp tác về lâu dài. Đồng thời, tạo niềm tin cho khách hàng để người Việt sẵn sàng xách ba lô lên và đi ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác