CEO Nguyễn Thị Hải Yến, nhà sáng lập Mèo Tôm Handmade |
Vòng đời mới cho những sản phẩm cũ
Nếu trước đây, người dùng thường vứt bỏ những món đồ jeans cũ kỹ sau một thời gian sử dụng, thì nay, họ đã có lựa chọn khác: gửi tới Bắc Giang cho Nguyễn Thị Hải Yến (sinh năm 1995) để cô dùng làm nguyên liệu cho các sản phẩm túi xách của mình.
Yến tốt nghiệp Đại học Lao động xã hội, nhưng niềm đam mê với đồ handmade đã khiến cô quyết tâm rẽ lối. Mày mò làm đồ handmade từ thời sinh viên, sau khi rời ghế nhà trường, Yến mạnh dạn cất tầm bằng đại học để tự khởi nghiệp. Tuy nhiên, cô thừa nhận phải mất tới 2 năm để loay hoay tìm hướng đi phù hợp.
“Tôi muốn làm sao để nhắc đến sản phẩm là người ta nghĩ ngay đến mình”, CEO, nữ sáng lập Mèo Tôm Handmade chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Ban đầu, Yến thử nghiệm với nhiều loại vải khác nhau, thậm chí cô dùng cả vải bạt hoặc bao tải để làm túi xách. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra hoặc không bền, hoặc vẫn đi theo lối mòn cũ, khiến Yến cảm thấy chán nản. Cho đến lần tình cờ nhìn thấy những chiếc quần jeans cũ xếp trong góc tủ, cô nảy ra ý tưởng tận dụng để may túi. Kết quả vượt ngoài mong đợi của Yến, khi sản phẩm vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa có độ bền cao, mà nguyên liệu lại dễ kiếm.
Năm 2019, Yến chính thức cho ra đời start-up Mèo Tôm Handmade, chuyên sản xuất các mẫu túi xách tái chế từ những món đồ jeans cũ. Có những mẫu Yến tự lên ý tưởng, cũng có những mẫu cô làm theo yêu cầu đặt hàng của khách. Điểm chung là không mẫu nào giống mẫu nào, mỗi sản phẩm đều là một bản thể duy nhất, khiến khách không phải lo về câu chuyện “đụng hàng”.
Xuất phát điểm ban đầu từ những hội nhóm làm đồ handmade, các sản phẩm của Yến dần được người dùng phổ thông chấp nhận. Qua mỗi năm, start-up Mèo Tôm Handmade lại lớn thêm một chút và đến nay, Yến đã sở hữu một xưởng sản xuất riêng rộng 100 m2 tại quê nhà Bắc Giang.
Hiện tại, mỗi tháng, xưởng sản xuất của CEO 9x cho ra đời khoảng 200 sản phẩm. Thay vì phụ trách toàn bộ các khâu như trước đây, hiện tại, Yến tập trung vào công đoạn chính là thiết kế mẫu và lên họa tiết, phần còn lại do các nhân công trong xưởng may đảm nhận.
Nhà sáng lập cho biết, giá bán các mẫu túi xách thông thường từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/túi; còn các mẫu có tính nghệ thuật cao hơn có giá 1,2 - 1,5 triệu đồng/chiếc.
Năm 2022, sản phẩm của Mèo Tôm Handmade bắt đầu vượt ra khỏi thị trường Việt Nam để chinh phục các quốc gia khác. Yến tiết lộ, start-up đã bán sỉ cho đối tác tại thị trường Mỹ, trong khi tại Pháp, họ xây dựng một thương hiệu riêng với tên gọi Meje Atelier. Sản phẩm được bán online, do một nhà đồng sáng lập khác phụ trách. Khi có đơn hàng, start-up sẽ chuyển sản phẩm trực tiếp từ kho tại Pháp đến tay người nhận.
Bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ
Theo số liệu của Liên hợp quốc, thời trang là ngành đứng thứ 2 về mức độ gây ô nhiễm môi trường, chỉ sau dầu mỏ, chiếm tới 10% lượng khí carbon thải ra môi trường. Đặc biệt, tính trung bình, mỗi nhà máy cần đến 2.700 lít nước để sản xuất một chiếc áo thun và 7.000 lít nước để tạo ra một chiếc quần jeans.
Hiểu được điều đó, ngay từ giai đoạn mới thành lập, Yến đã cùng start-up của mình tổ chức nhiều buổi workshop làm túi xách từ quần jeans cũ, để lan tỏa công việc tái chế tới cộng đồng xung quanh. Nữ sáng lập cũng tự mình làm video hướng dẫn và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, với hy vọng sẽ có nhiều người cùng học, cùng làm, nhằm giảm lượng rác thải thời trang ra môi trường.
Trong hoạt động sản xuất của Mèo Tôm Handmade, sau khi may những chiếc túi to, phần vụn vải còn thừa được Yến tận dụng triệt để. Những miếng vải nhỏ có thể dùng để làm các chi tiết bé xinh, như phần vây cá của túi cá, hay ghép lại để tạo thành mảnh vải lớn hơn. Những vụn nhỏ hơn nữa sẽ được gom lại nhét vào chai nhựa làm gạch ecobrick (gạch sinh thái - PV) hoặc để làm các họa tiết trang trí trên ghế ngồi.
Đến nay, thay vì vứt quần áo jeans cũ, thì bạn bè, người quen, thậm chí nhiều người lạ từ mọi miền đất nước đã gửi tặng Yến. Start-up của cô cũng chủ động thu gom đồ jeans tồn kho hoặc các mẫu sản phẩm bị hỏng của một thương hiệu thời trang trong nước để tiếp tục phục vụ hoạt động tái chế.
Nhà sáng lập chia sẻ: “Tôi muốn gửi tới các bạn trẻ một thông điệp: Có rất nhiều cách để bảo vệ môi trường, mà cách đơn giản nhất là sử dụng triệt để những món đồ đã mua, tái sử dụng chúng theo cách thật sáng tạo để tăng vòng đời. Hãy yêu trái đất theo cách của riêng bạn”.