Bài học 1 USD
Đồng loạt 9/11 nhân viên của Tanabata nghỉ việc trước sinh nhật 24 tuổi của Yến Nhi 2 ngày, khi quán bar đang trong thời hoàng kim và mới hoạt động được 2 năm. Cố gắng cầm cự đến tháng thứ ba, người sáng lập chỉ còn 50 triệu đồng và quyết định dùng toàn bộ số tiền ấy đi làm từ thiện.
“Tôi xin phép mẹ mình dùng số tiền ấy để giúp đỡ người khác và sẽ đóng cửa quán ngay khi đi từ thiện về, rồi sẽ quay lại làm công ăn lương như đã từng làm”, Yến Nhi nhớ lại.
Phạm Thị Yến Nhi, chủ sáng lập Công ty Thương mại và Dịch vụ Mầm Trúc Tanabata. |
Thế nhưng, không ai có thể đoán trước mọi việc. Khi phân phát áo mưa, giày dép cho người dân đang gánh chịu cơn bão lịch sử tại Philippines, cô nhận ra bài học, có những thứ không đáng gì so với mình, nhưng lại là tài sản của bao người khác. Những cậu bé được nhận đôi dép mà đoàn đã mua với giá khoảng 1 USD, quyết định để dành, vì có thể khi bão qua đi, đó sẽ là tất cả tài sản mà họ có được. Cảnh tượng ấy ám ảnh Yến Nhi, khiến cô phải thay đổi quyết định, dù chỉ còn một mình, cô cũng sẽ cố gắng vực dậy và vận hành quán như thời hoàng kim của nó, từ đó, 1 USD sẽ được nhân lên gấp nhiều lần và trao đến những người khốn khó.
Trong tiếng Nhật, Tanabata nghĩa là mầm trúc. Yến Nhi muốn hệ thống quán bar của mình dù nhỏ, nhưng trong mọi hoàn cảnh, sự dẻo dai sẽ tạo nên sức sống bền vững. Trở về sau chuyến từ thiện, quan điểm kinh doanh của cô cũng thay đổi. Đó là, làm kinh doanh không nên quá chú tâm vào đối thủ và đặt nặng lợi nhuận, chỉ cần nghĩ đến việc sử dụng doanh thu ấy để có thể giúp đỡ hàng ngàn người khác, thì tâm thế làm việc cũng đổi khác.
Sau khi tìm hiểu việc phát triển khá thành công của một chuỗi thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng với bánh burger, có hàng ngàn cửa hàng trên khắp thế giới, Yến Nhi tham vọng, ngành hàng quán bar nói chung, hay những ly cocktail tại Tanabata sẽ có mặt ở bất cứ nơi nào có những người Nhật sinh sống. Khi ấy, cô còn có thể tạo nên công ăn việc làm cho hàng ngàn người khác.
Chuỗi 100 quán bar
Yến Nhi cho rằng, mình là một trong những người tiên phong mở quán bar theo mô hình counter-bar (có quầy pha chế và nhân viên không được phép rời khỏi khu vực này), khác với mô hình lounge với diện tích lớn. Điều này cũng bắt nguồn từ khách hàng tiềm năng của quán với 99% khách hàng là người Nhật sống và làm việc tại Việt Nam từ 3 - 5 năm, thay vì những khách du lịch vãng lai. Đây là đối tượng uống rượu không phải để say.
“Chủ nhật chúng tôi thường vắng khách vì người Nhật muốn giữ sức để đầu tuần đi làm. Ở TP.HCM, tại khu Thái Văn Lung và Lê Thánh Tôn (quận 1), người Nhật Bản sinh sống rất nhiều. Đó cũng là lý do khiến khu vực này luôn có đầy đủ các dịch vụ phù hợp văn hóa Nhật Bản. Họ rất kỹ tính, rất cẩn thận khi sinh sống, làm việc tại nước ngoài và chỉ chơi ở những địa điểm uy tín và an toàn”, Yến Nhi chia sẻ.
Biên lợi nhuận từng thức uống, đồ ăn tại Tanabata cũng khá cao, nhưng chi phí đầu tư cũng không nhỏ, khi mỗi quán, Yến Nhi phải đầu tư từ 800 triệu đồng đến 2 tỷ đồng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, hệ thống 17 quán Tanabata tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Campuchia phục vụ gần 300 khách hàng.
Cô chủ trẻ cũng cho biết thêm, quán thường vắng khách khoảng tháng 7, tháng 8, khi lễ hội Obon của người Nhật Bản (được coi như lễ Vu Lan ở Việt Nam) bắt đầu. Đây cũng là thời điểm người Nhật Bản về nước sum họp gia đình, gần giống mỗi dịp tết của người Việt Nam.
Với 180 nhân viên hiện tại, Yến Nhi đặt mục tiêu, trong 3 năm tới, hệ thống sẽ có 100 cửa hàng. Khi đó, số nhân viên được làm việc theo năng lực, hưởng theo thành quả sẽ là hàng ngàn người. Rồi từ đây, họ có cơ hội giúp đỡ được không ít người khác. Cô cũng không chỉ kinh doanh tại Việt Nam, mà còn hướng đến bất cứ khu vực nào có nhóm khách hàng Nhật Bản tiềm năng, sẵn sàng chi trả 8 USD/ly cocktail. Trước mắt, Tanabata sẽ chuẩn bị xuất hiện tại một số nước châu Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan trong vài tháng tới.
Nhân viên phải có tiền
Không phải ngẫu nhiên, Yến Nhi chọn kinh doanh quán bar, bởi trong thời gian học đại học, cô đã làm tổng quản lý của hệ thống 3 quán karaoke và 2 quán bar, dù ban đầu, Yến Nhi chỉ định tìm một công việc đơn giản với mức lương 3 triệu/tháng.
“Tìm được việc ở quán bar, mới đầu tôi nghĩ, chỉ làm một tháng thôi, nhưng sau đó thấy công việc rất dễ dàng và nhàn, chỉ cần rửa ly, pha cocktail, nên thời gian làm việc cứ thế trôi qua. Tôi làm cho ông chủ cũ 4 năm, thì 3 năm làm quản lý”, Yến Nhi cho biết.
Nhận thấy bản thân có vẻ hợp với việc kinh doanh trong quán bar, nên sau khi tốt nghiệp đại học, Yến Nhi quyết định làm chủ khi mới ở tuổi 23. Chọn cách “liệu cơm gắp mắm” và bằng kinh nghiệm đã vực dậy quán lúc khủng hoảng khi đa số nhân viên bỏ việc, Nhi chỉ tuyển dụng nhân viên vừa đủ với số khách đến quán. Dần dần, cô đã nhanh chóng lấy lại niềm tin khách hàng và sẵn sàng mua lại 2 quán khác.
“Một người bạn muốn chuyển nhượng lại 2 quán đang hoạt động kém hiệu quả, thế là tôi mua lại vì muốn họ có tiền, thay vì đóng cửa và âm vốn. Khi quản lý cùng lúc 3 nhà hàng, tôi mới nhận ra bản thân có khả năng quản lý nhiều quán, chứ không chỉ một”, người sáng lập Tanabata nói.
Cũng từ đó, cô đặt ra cách đào tạo nhân viên bài bản nhằm khẳng định, không phải ai hoạt động trong bar cũng thiếu văn hóa. Cô đặt ra nguyên tắc, trong giao tiếp, không được xưng mày, tao, chửi thề và chỉ cần đánh nhau một lần sẽ bị sa thải. Cô không muốn mọi người nghĩ, các nhân viên quán bar là vô văn hóa, không có mục tiêu sống, mà ngược lại, khi làm việc tại Tanabata, họ có nguồn thu nhập chính đáng.
Người sáng lập này cũng cho rằng, họ là một trong những doanh nghiệp trả lương cao nhất, nhì trong ngành. Một nhân viên phục vụ được trả 5 triệu đồng/tháng, trong khi với mức lương này, ở những thương hiệu khác, phải ở vị trí quản lý, nhưng Tanabata luôn đưa ra những quy tắc kỷ luật nhất cho nhân viên.
“Vẫn có trường hợp nhân viên nghỉ việc đồng loạt. Tôi chấp nhận và nghĩ rằng, đó là quy luật đào thải, không cùng tần số thì không nên cản bước phát triển của nhau”, Yến Nhi cho biết. Cô cũng không ngần ngại cho biết thêm, có đến 7/10 đối thủ hiện nay của Tanabata từng là nhân viên của quán.
Dù hoạt động kinh doanh trong nước cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt, vì theo tính toán của Yến Nhi, chỉ 30% khách Nhật có nhu cầu đi chơi tại quán bar và chỉ một nửa trong số đó có thói quen quay lại quán cũ. Số lượng khách hàng không tăng nhanh như sự xuất hiện của các quán bar, thế nên, Tanabata luôn chọn cách phục vụ khác biệt, lấy chất lượng dịch vụ làm yếu tố cốt lõi và hệ thống nhân viên sẽ góp phần làm nên những giá trị cốt lõi ấy.
Quan điểm kinh doanh của Yến Nhi là gì?
Tôi luôn làm việc luôn hướng đến sự công bằng để nhân viên làm và hưởng xứng đáng với năng lực và công sức của họ.
- Có khi nào cô cảm thấy mình nhỏ bé trong ngành kinh doanh nhạy cảm này?
Khi mới bắt đầu, tôi luôn nghĩ mình như trứng chọi đá. Nhưng kết quả sau 4 năm 1 tháng của Tanabata đã chứng minh, quả trứng ấy chưa bể.
- Cách đào tạo những nhân viên trẻ của Tanabata có gì đặc biệt?
Tôi tâm niệm, tập trung thì sẽ mở rộng, nên chỉ tập trung đào tạo, hướng dẫn các bạn vào những điều tích cực ngay từ những hành vi nhỏ trong văn hóa ứng xử với nhau và với khách hàng, để tạo nên một không gian thật sự khác biệt. Là một trong những doanh nghiệp trả mức lương tốt trong ngành, nhưng Tanabata luôn đưa ra những quy tắc kỷ luật nhất cho nhân viên.