Khát vọng dân tộc sẽ giúp Việt Nam trỗi dậy!
Tại Tọa đàm “Doanh nghiệp ICT Việt vươn ra thế giới” cuối tháng 12/2016, các CEO của FPT, CMC, LP, Viettel đều nhắc đến một “nỗi đau”. Nỗi đau nhức nhối, đè nặng lên suy nghĩ của họ, rằng: Một dân tộc Việt Nam 3 lần thắng Nguyên Mông, 2 lần thắng đế quốc Pháp - Mỹ, nhưng sao chiến tranh chấm dứt 40 năm vẫn lạc hậu, phải đi làm thuê nước ở ngoài hay làm thuê cho nước ngoài ngay chính trên đất nước mình? Một đất nước giàu tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, người dân chăm chỉ, thông minh sao vẫn mãi thua Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…? Một đất nước đứng trước cơ hội toàn cầu hóa với cơ hội làm giàu mênh mông, nhưng doanh nghiệp không biết phải làm gì?...
Từ những “nỗi đau” hiện hữu đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel đặt ra câu hỏi, tại sao lịch sử đất nước ta đã làm được những điều phi thường đến thế? Khi ấy, cả dân tộc ta đều có chung khát vọng giải phóng dân tộc. Đó thực sự là một khát vọng mãnh liệt, một khát vọng thần thánh chảy trong mỗi người đã khiến chúng ta sinh ra một sức mạnh để làm được những điều phi thường vang danh khắp năm châu.
CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng |
Ông Hùng tiếp tục đặt ra vấn đề, nếu như giờ đây, chúng ta cũng có một khát vọng lớn, một “khát vọng thần thánh”, dân tộc ta chắc chắn lại làm nên những điều kỳ diệu. Chẳng hạn như, 15 - 20 năm nữa GDP đầu người của Việt Nam bằng Trung Quốc. Đó là một khát vọng đủ lớn, để mỗi người Việt Nam, mỗi doanh nghiệp Việt Nam trỗi dậy.
“Nếu không có khát vọng lớn lao, sẽ rất khó để khơi dậy trí tuệ, tài năng của mọi người”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra rằng, những lúc đứng trước thử thách rất lớn, gần như bị “dồn vào chân tường”, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam mới sáng tạo ra những điều kỳ diệu.
“Đã đến lúc cho sự trỗi dậy lần thứ hai sau Đổi Mới. Và để có sự trỗi dậy đó, cần phải tạo ra một khát vọng dân tộc. Cái dẫn chúng ta đi qua khó khăn, vượt qua những thách thức là khát vọng. Đặc biệt, trong thế giới sáng tạo, ý nghĩa của khát vọng ngày càng lớn”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, một đất nước muốn trở thành cường quốc phải có một khát vọng “kinh thiên động địa”, một doanh nghiệp muốn trở nên vĩ đại phải có khát vọng phi thường và một cá nhân muốn thành công phải có khát vọng mãnh liệt.
Mỗi doanh nghiệp hãy nuôi một khát vọng phi thường!
Nhìn từ câu chuyện của Viettel, một doanh nghiệp mà sau hơn chục năm có doanh thu tăng trưởng 5.000 lần, lợi nhuận tăng trưởng 45.000 lần, ông Hùng cho biết, cuộc hành trình của Viettel chưa bao giờ là một trong những chuyến đi rút ngắn hay được định đoạt vì may rủi. Đó là một cuộc hành trình được dựng nên từ khát vọng, đam mê, nỗ lực và những suy nghĩ độc đáo.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
“Tại Viettel, sự đổi mới sáng tạo không chỉ làm nên cuộc sống của chúng ta, mà đó còn là cách chúng ta làm nên cuộc sống”.
Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng
Lấy ví dụ từ cuộc “viễn chinh” ra nước ngoài của Tập đoàn này. Ban đầu, mong muốn của Viettel là ra nước ngoài để cạnh tranh, học hỏi các công ty hàng đầu thế giới, để Viettel giỏi hơn, để đào tạo đội ngũ của mình.
“Vốn liếng” lúc đó của Viettel chỉ mới là 2 triệu thuê bao di động (bằng 1/45 hiện nay), doanh thu năm 2005 mới trên 3.100 tỷ đồng (bằng 1/70 lần hiện nay), không hề có kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài..
Nhưng “nếu sợ thì đã không có Viettel hôm nay”, như ông Hùng nói.
Mười năm sau, Viettel đã đầu tư ở 10 nước trên thế giới với dân số 230 triệu dân, doanh thu hàng năm từ nước ngoài là 1,4 tỷ USD, doanh thu toàn Tập đoàn hơn 10 tỷ USD… Viettel đã trở thành đối thủ thực sự đáng gờm và đã chiến thắng các đại gia viễn thông trên thế giới như Vodafone, Telefonica, Orange, Digicel… tại nhiều thị trường.
Có thể nói, nếu không có một khát vọng phi thường sẽ không có một Viettel hôm nay.
“Những năm qua, Viettel đã thay đổi rất nhiều.Từ tầm vóc, quy mô, kinh nghiệm, đến tiềm lực vật chất và con người. Nhưng có một điều đã và sẽ không hề thay đổi. Đó là khát vọng Viettel luôn cháy không ngừng. Mười năm tới đây, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành một Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Toàn cầu hùng mạnh, không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin mà sẽ tham gia vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao. Từ một công ty dịch vụ thành một công ty công nghệ”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, nếu không có khát vọng vươn lên, bằng cách đề nghị cấp giấy phép kinh doanh viễn thông cho kỳ được ngay từ khi còn đi xây lắp thuê, thì đã không có một doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam là Viettel hôm nay, với doanh thu năm 2016 là trên 10 tỷ USD, lợi nhuận trên 2 tỷ USD.
Nếu không có khát vọng phải tự mình dựng lên một mạng viễn thông của người Việt Nam, do người Việt Nam thiết kế, lắp đặt, vận hành và khai thác ngay từ khi Viettel còn là một công ty rất nhỏ với hơn trăm người, thì đã không có một Viettel có đủ tri thức để đi ra nước ngoài.
Nếu không có khát vọng mỗi người dân Việt Nam phải có một chiếc máy điện thoại di động ngay từ khi bắt đầu dựng những trạm phát sóng đầu tiên, thì Việt Nam không thể có một cuộc bùng nổ viễn thông, được thế giới nhắc đến như là một hiện tượng như vậy. Chỉ trong vòng 4 năm, sau khi Viettel tham gia thị trường viễn thông, mật độ điện thoại di động tại Việt Nam tăng từ 4% lên 100%. Trong khi 10 năm trước đó, mật độ điện thoại di động chỉ tăng được tới 4%.
Nếu không có khát vọng và chủ động bước chân ra khỏi biên giới Việt Nam ngay từ khi còn là một doanh nghiệp viễn thông nhỏ bé, thì Viettel đã không có một thị trường toàn cầu với 320 triệu dân và 100 triệu khách hàng như hôm nay.
“Nếu không có những khát vọng được nuôi dưỡng một cách đầy quả cảm của các thế hệ đi trước, sẽ không có một Viettel ngày hôm nay. Các chú, các anh và nhiều thế hệ Viettel đã chứng minh rằng, ngay từ khi còn rất nhỏ, chúng ta đã có thể làm những việc lớn, đã chứng minh rằng, những người bình thường dám ước mơ thì có thể làm được những điều phi thường”, ông Hùng tâm sự tại Lễ Kỷ niệm 10 năm Viettel đầu tư ra nước ngoài.
Viết tiếp khát vọng dân tộc!
Mười năm qua, kể từ khi nuôi khát vọng “ghi danh” Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới, chính Viettel, chứ không ai khác đã thay đổi cuộc cách mạng viễn thông thế giới, để thế giới biết đến Việt Nam thông qua một công ty viễn thông như Viettel.
Viettel đã thay đổi suy nghĩ “các nước nghèo thì sẽ khó đuổi kịp các nước giàu” bằng cách chứng minh rằng, những nước đang phát triển hoàn toàn có thể ngang bằng với thế giới, ngang bằng các nước phát triển về viễn thông.
Bằng khát vọng đó, Viettel đang làm một cuộc cách mạng trên khắp thế giới, cuộc cách mạng xóa nghèo đói tại các quốc gia châu Phi khi đưa tri thức, thông tin, văn minh “thức tỉnh” những con người và vùng đất nghèo khó.
Bằng khát vọng đó, Viettel đã làm một cuộc cách mạng thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo trên thế giới.
Viettel giúp cho giá cước viễn thông vốn được coi là thứ hàng hoá xa xỉ, trở thành bình dân, phổ cập để ai cũng có thể sử dụng.
Viettel đã làm cuộc cách mạng tạo nên thế giới phẳng về viễn thông đầu tiên trên thế giới, bằng việc xóa roaming quốc tế 3 nước Đông Dương Việt Nam - Lào - Campuchia. Và nếu tới đây, tất cả các nước Viettel đầu tư đều chung một mức cước rẻ như ở Việt Nam sẽ là một “điều kỳ diệu” làm thay đổi cả thế giới.
“Để thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo không hề dễ dàng. Nó cần thời gian, thậm chí rất nhiều thời gian. Nhưng viễn thông có thể làm điều đó trong một thời gian rất ngắn. Đó là lý do tại sao Viettel nhanh chóng xây dựng các đường cáp quang băng thông rộng. Hiện nay, tổng số cáp quang của Viettel trên tất cả 10 thị trường bao gồm cả Việt Nam là 360.000 km, đủ để quấn 9 vòng quanh trái đất. Đó là lý do tại sao chúng ta không ngừng dành mọi nguồn lực có thể để đầu tư và kết nối thế giới với những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bởi vì chúng ta có niềm tin rằng, người nghèo thì sẽ không nghèo mãi nếu chúng ta cho họ một cơ hội, nếu chúng ta giúp họ có được thông tin, tri thức, được kết nối với thế giới thông qua viễn thông và Internet”, ông Hùng cho biết.
Nhưng, khát vọng của Viettel không dừng lại ở đó.
Khát vọng đó là Viettel phải trở thành một tập đoàn công nghệ viễn thông thế hệ mới, phát triển sản xuất công nghệ cao, phát triển được các công cụ bảo vệ được mạng lưới trên không gian mạng. Xa hơn là giúp các quốc gia mà Viettel đầu tư có thể bảo vệ không gian mạng của mình.
Khát vọng đó là Viettel sẽ trở thành một Tập đoàn toàn cầu, Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ viễn thông trong top 20 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới đầu tư ở 40- 50 nước, với dân số hàng tỷ người.
Khát vọng đó là giúp mỗi người dân Việt Nam sẽ có một chiếc smartphone, biến nó thành công cụ để người dân giải trí, học tập và kiếm sống.
Khát vọng của Viettel trong tương lai là sản xuất được vũ khí chiến lược, vũ khí công nghệ cao, đủ sức răn đe và bảo bệ hòa bình lâu dài cho đất nước…
Viettel đã làm những điều đó, không chỉ vì khát vọng của bản thân họ mà cao hơn, xa hơn là khát vọng thay đổi cuộc sống của rất, rất nhiều người nghèo tại Việt Nam và cả trên thế giới.
Để rồi từ đó, Viettel - Việt Nam sẽ là một niềm tự hào, thành một thương hiệu quốc tế vang khắp thế giới.
Khát vọng của Viettel là không chỉ mình Viettel đầu tư nước ngoài, đơn thương độc mã “đấu” với những ông trùm thế giới, mà sẽ có hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp Việt như Viettel cùng “xuất quân”, hình thành một thế hệ, một tập đoàn doanh nghiệp Việt hùng mạnh trên thế giới.
Vì vậy, từ hôm nay, từ câu chuyện của Viettel, mỗi doanh nghiệp Việt hãy xây đắp một “khát vọng phi thường” để mai đây, khi đủ sức mạnh, sẽ biến thành “khát vọng thần thánh” cho dân tộc Việt Nam.