Đỗ Đắc Nhân Tâm, nhà phát triển ứng dụng bTaskee |
Đổi chiều
Năm 18 tuổi, Tâm sang Canada học tập và sau đó làm software với thu nhập khá cao. Song không bằng lòng với việc làm công ăn lương, chàng kỹ sư công nghệ sử dụng hết vốn tích lũy trong quá trình đi làm để khởi nghiệp. Thị trường ban đầu anh hướng tới vẫn là Canada, nhưng nhận thấy cạnh tranh ở Việt Nam đỡ khốc liệt hơn ở nước ngoài, nên Tâm quyết định về nước lập nghiệp với ý tưởng khởi nghiệp đến từ chính nhu cầu thường ngày.
“Tôi rất bận, luôn cần người giúp việc vào một số ngày trong tuần. Khi có nhu cầu, tôi đã thử liên hệ nhờ bạn bè, nhưng không ổn; thông qua trung tâm môi giới lại gặp rất nhiều bất cập về thời gian, ký hợp đồng và quan trọng là không biết nên tin tưởng vào đâu”, Tâm kể. Từ thực tế này, Tâm đã dần hình thành và bắt tay vào việc tạo ra một hệ thống đáng tin cậy để kết nối người giúp việc với chủ nhà.
Sự tiện lợi và tín nhiệm là yếu tố hàng đầu mà anh hướng tới. Ứng dụng bTaskee ra đời không những giải quyết được những khó khăn khi tìm người giúp việc cho chủ nhà, mà còn tạo ra nhiều công việc cho người lao động.
“Với bTaskee, tôi còn mong muốn có thể thay đổi được suy nghĩ, định kiến của các chủ nhà về người giúp việc, mang lại cho mọi người cái nhìn tốt đẹp hơn về nghề giúp việc nhà, cũng là một công việc như bao công việc khác. Người giúp việc cũng cần được tôn trọng, cũng có quyền quyết định và lựa chọn trong công việc của họ”, Tâm chia sẻ.
Tâm tạo ra phần mềm để người giúp việc và khách hàng có nhu cầu kết nối với nhau. Ứng dụng giúp việc theo giờ - bTakee ra đời vào tháng 3/2016 và Tâm đảm nhận vị trí CEO. Theo đó, người giúp việc đăng ký hồ sơ và lựa chọn đầu việc thích hợp cho mình, bTaskee sẽ tạo tài khoản cho những khách hàng cần người giúp việc theo giờ. Như vậy, với phần mềm này, người lao động có thể nhận hàng trăm đầu việc mỗi tháng. Mỗi đầu việc làm 2-3 giờ, người giúp việc được trả 145.000 đồng.
Chat với Đỗ Đắc Nhân Tâm:
Tại sao ứng dụng lại có tên bTaskee?
bTaskee có nghĩa là những chú ong chăm chỉ (bee) ôm công việc (Task) vào làm.
bTaskee mang lại cho khách hàng những dịch vụ nhanh chóng và chất lượng nhất, thông qua đội ngũ những cộng tác viên làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, cần mẫn như những chú ong.
Kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình hoàn thiện ứng dụng là gì?
Sau khi chính thức hoạt động được 3 tháng, một hôm, chúng tôi phát hiện sự gia tăng đột biến về số lượng khách hàng mới và công việc. Tự tin về hệ thống máy chủ và công nghệ của mình, nhưng chúng tôi phải kiểm tra lại xem có lỗi hay bị ai spam hay không. Lúc đó, bTaskee chưa hề có quảng cáo hay marketing gì nên không thể có nhiều người biết đến trong 1 ngày như vậy. Nhưng không, hệ thống vẫn chạy bình thường, công việc đều hợp lệ.
Kiểm tra lại trên mạng xã hội thì mới biết là có một người nổi tiếng (xin được giấu tên) hôm đó đã có bài chia sẻ về bTaskee. Chị chia sẻ là tình cờ khi biết được bTaskee và đã sử dụng hơn một tháng. Chị thấy rất thích vì nó rất tiện và chất lượng của người giúp việc lại cao hơn mong đợi.
Câu chuyện này hàm ý điều gì?
Chúng tôi tự tin vì giá trị thực tế mà bTaskee đang mang lại cho khách hàng.
Nhưng khó
Sau 2 năm hoạt động, bTaskee có trên 20.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ và hơn 2.000 người giúp việc "trực chiến". Mỗi ngày có hơn 500 đầu việc kết nối thành công. Khi tổng kết mức thu nhập của người giúp việc, không ít người đạt trên 10 triệu đồng/tháng.
Khi lập dự án, nhóm đối tượng người giúp việc mà Tâm hướng tới là sinh viên. Nhưng suốt nhiều tháng không có ai đăng ký vì đa phần sinh viên có tâm lý không muốn làm giúp việc.
Không tuyển dụng được thì hệ thống không hoạt động. Tâm đành hướng qua lao động phổ thông và những người có nhiều thời gian nhàn rỗi. Tuy nhiên, những người này lại e dè với công nghệ mới. Tâm đi giải thích, hướng dẫn từng người cài đặt, sử dụng phần mềm. Sau 1 tháng vận động, ngay khi cho phần mềm chạy, Tâm đã tuyển được 250 người đầu tiên đăng ký nhận việc.
Để giữ chân khách hàng và người giúp việc, Tâm nâng cao dịch vụ và tìm kiếm nhiều đầu mối công việc, giúp người làm theo giờ có thu nhập cao hơn khi chỉ làm cố định cho một gia đình.
Sau thời gian dài kiên định với hướng đi này, tình trạng người giúp việc bỏ đi đã giảm hẳn, mức lương hàng tháng cao gấp đôi so với làm cố định. Lượng khách hàng cũng tăng lên từng ngày.
Với mức đầu tư ban đầu trên 200.000 USD, sau 2 năm hoạt động, mỗi tháng công ty của Tâm có doanh thu trên 3 tỷ đồng. "Sau khi trừ chi phí và thu nhập cho người lao động, Công ty chưa có lãi. Tuy nhiên, số tiền âm đang ngày càng giảm và tôi tin mình sẽ lời trong thời gian ngắn nữa", CEO của bTaskee nói.
Hiện, Công ty đặt mục tiêu 1.000 đầu việc mỗi ngày trong 4 tháng tới. Ông chủ trẻ đang kỳ vọng sẽ phát triển ứng dụng này rộng ra các nước Đông Nam Á, trước mắt là Thái Lan và Malaysia.