Theo kế hoạch, Tổng công ty Sông Đà sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 7/2016, nhưng đến thời điểm này, nhà đầu tư đã phải đợi thêm hơn 3 tháng mà vẫn chưa biết chính xác thời điểm doanh nghiệp chính thức được cổ phần hóa. Trước thực tế này, Văn phòng Chính phủ vừa đề nghị các bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước có ý kiến về phương án cổ phần hoá Tổng công ty Sông Đà để chuyển đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp này.
Theo thông tin mà Báo Đầu tư có được, Tổng công ty Sông Đà hiện “gánh” trên vai khoản nợ 10.190 tỷ đồng, gấp khoảng 3,8 lần vốn chủ sở hữu (2.645 tỷ đồng). Giá trị thực tế của doanh nghiệp (thời điểm 31/12/2014) là 18.502 tỷ đồng, trong đó, giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 4.438 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, Nhà nước sẽ vẫn giữ cổ phần chi phối. Ảnh: Đức Thanh |
Theo phương án cổ phần hóa và chuyển công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà thành công ty cổ phần vừa trình Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất lựa chọn hình thức cổ phần hóa kết hợp bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối (51% vốn điều lệ); cho phép Tổng công ty Sông Đà sau khi cổ phần hóa tiếp tục thực hiện thuê đất của Nhà nước, trả tiền thuê đất hàng năm và nhận giao đất theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt.
Cụ thể, tại Tờ trình số 56/TTr - BXD (ngày 6/9/2016) của Bộ Xây dựng về phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, vốn điều lệ dự kiến của doanh nghiệp này sẽ được nâng lên mức 4.500 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, việc xác định mức vốn điều lệ lớn hơn 4.500 tỷ đồng sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về mức hợp lý và đảm bảo khả năng trả cổ tức khoảng 3% trong các năm sau cổ phần hóa.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ cho phép Tổng công ty Sông Đà loại trừ khoản tiền 47,67 tỷ đồng là khoản chi phí tái cấu trúc doanh nghiệp (theo mô hình Tập đoàn) tương ứng với giá trị phân bổ cho 5 tổng công ty là: Lilama, Licogi, Coma, Sông Hồng và DIC do chấm dứt thí điểm mô hình tập đoàn nên các sản phẩm tư vấn tái cấu trúc của 5 tổng công ty chưa được các đơn vị chấp nhận nghiệm thu và không sử dụng được khi thành lập lại các tổng công ty nêu trên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, một chuyên gia có nhiều năm theo dõi tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cho rằng, theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ - TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty Sông Đà không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần, do đó, đề nghị Tổng công ty Sông Đà điều chỉnh cơ cấu cổ phần trong phương án cổ phần hóa theo hướng bán toàn bộ phần vốn nhà nước. Trong trường hợp không bán hết cổ phần, Tổng công ty Sông Đà có thể báo cáo Bộ Xây dựng để xác định và điều chỉnh lại cơ cấu vốn điều lệ, tiếp tục thoái vốn nhà nước theo lộ trình và tiến tới thoái toàn bộ vốn nhà nước.
Về xác định giá trị doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cần báo cáo giải trình theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Văn bản số 180/KTNN - TH ngày 8/3/2016, khi tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước theo báo cáo của Tổng công ty Sông Đà là 4.438 tỷ đồng, giảm 583 tỷ đồng so với Báo cáo thẩm định của Kiểm toán Nhà nước (5.022 tỷ đồng).
Về chi phí cổ phần hóa của Tổng công ty Sông Đà dự kiến là 5,7 tỷ đồng, vượt quá quy định tại Thông tư số 196/2011/TT - BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, với phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, Bộ Xây dựng cần rà soát, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố thống nhất phương án sử dụng đất với các khu đất mà Tổng công ty Sông Đà đang quản lý, đảm bảo sau cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Đà tiếp tục quản lý, sử dụng tài sản là bất động sản đúng với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với quy hoạch của địa phương.