Khu văn phòng kiêm cửa hàng vật tư của HTX dịch vụ - chăn nuôi Thái Sơn (Tú Sơn, Kiến Thụy, Hải Phòng) |
Tuy nhiên, để mô hình này có thể phát triển mạnh, Nhà nước vẫn cần những chính sách cụ thể, sự vào cuộc rõ nét hơn của “4 nhà”, cũng như tư duy, nhận thức mới của người nông dân. HTX mô hình kiểu mới ở Hải Phòng là một thí dụ.
Mô hình HTX nông nghiệp với vai trò Hội đồng Quản trị
Hợp tác xã Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ - Nông nghiệp Quang Phục (xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) thành lập ngày 20/7/2016 theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tổ chức trên cơ sở liên kết của cá nhân, hộ gia đình, cung cấp các dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra, các khâu của quá trình sản xuất.
Trong mô hình HTX kiểu mới này, tài sản, vốn liếng, đất đai vẫn thuộc về xã viên (nay là thành viên). Hiện nay, đơn vị này có quy mô 5 ha, vốn điều lệ khoảng 300 triệu đồng, số thành viên là 2.578 người, trong đó, 100% nông dân xã Quang Phục tham gia, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và phục vụ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp như lúa, cà, rau, cà chua, bí, nấm...
“Thực chất, việc chuyển đổi theo luật mới chính là sự thay đổi về bản chất của một HTX, buộc phải đi vào hoạt động theo đúng nghĩa của nó, hướng về các thành viên. Mọi dịch vụ đều ưu tiên phục vụ cho thành viên của mình, mang lại lợi ích gắn với quyền lợi thiết thực của họ...”, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), kiêm Giám đốc HTX Quang Phục cho biết.
Sự thay đổi lớn nhất khi chuyển đổi theo luật mới, chính là thay đổi cơ cấu bộ máy quản lý, từ đó thích nghi kịp thời trong giai đoạn mới. “Khi đã chuyển đổi thì không còn là ban chủ nhiệm mà là HĐQT, hoạt động như một doanh nghiệp, ở đó, lợi ích của thành viên đều như nhau, mỗi quyết định, mỗi thay đổi đều phải có sự thông qua của tất cả thành viên hướng đến sự gắn kết cần thiết để phát triển. Thành viên của HĐQT phải nhận được sự tín nhiệm cần thiết, thể hiện bằng năng lực, sáng tạo trong chiến lược kinh doanh”, ông Tiến nói.
Có thể thấy, cách quản lý này đã nhận được sự đồng thuận của toàn thể xã viên, nên đã có những bước phát triển ban đầu khá ổn định. Dự báo sau 5 tháng hoạt động, sẽ đạt lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho xã viên và người lao động, với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng.
Ông Mai Văn Lượng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng cho biết, phía huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, phát hành các tài liệu hướng dẫn phương thức chuyển đổi HTX dịch vụ nông nghiệp theo luật mới. Huyện Tiên Lãng cũng đẩy mạnh phát triển liên kết hợp tác giữa các HTX, giữa HTX với xã viên và các thành phần kinh tế khác trong việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Bên cạnh đó, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa để thuận lợi cho cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức mô hình thí điểm sản xuất bằng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả, nhằm giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập, cũng như, mở rộng liên doanh, liên kết "4 nhà".
Áp dụng các tiêu chuẩn chuẩn hóa
Với mô hình HTX Dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn (xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng), việc đưa tiêu chuẩn VietGAP vào hoạt động sản xuất cũng được bà con xã viên nhiệt tình đón nhận.
HTX Dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn mới được thành lập từ tháng 1/2016 với 19 thành viên, nhưng đã tích cực hỗ trợ người chăn nuôi giảm chi phí đầu vào sản xuất theo quy trình VietGAP. Trên hàng trăm héc-ta ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp, giờ hình thành khu trang trại chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Hai đàn lợn xuất chuồng lứa đầu cho lợi nhuận cao hơn hẳn.
Trước đây, các hộ chăn nuôi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự phát, tự tìm con giống từ nhiều nguồn, chất lượng không tốt. Chưa kể, thức ăn chăn nuôi mua qua nhiều trung gian, giá cao, chất lượng không bảo đảm. Nhiều hộ thiếu kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Khi bán hàng, tư thương ép giá, người chăn nuôi vất vả, thu nhập không cao.
Kể từ khi thành lập đến nay, HTX Dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn đã hỗ trợ tích cực cho các thành viên trong hoạt động sản xuất và đã mang lại hiệu quả rõ rệt, thu nhập bình quân của mỗi thành viên hiện đạt 4 - 5 triệu đồng/tháng. Một thành viên cho biết, từ khi gia nhập HTX, công việc chăn nuôi của gia đình ổn định, thu nhập cao hơn trước. Với nguồn cung thức ăn chăn nuôi từ HTX, mỗi bao cám gia đình ông tiết kiệm từ 20.000 - 25.000 đồng, giảm đáng kể chi phí sản xuất. Các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, được hướng dẫn tuân thủ quy trình sản xuất sạch, giảm tối đa dịch bệnh xảy ra. Nhờ vậy, đàn lợn hay ăn chóng lớn, cho chất lượng thịt ngon.
Theo bà Đồng Thị Doanh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn, để thu hút thêm xã viên, hiện đơn vị đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng trại lợn giống để bảo đảm nguồn giống chất lượng, giá hợp lý cung cấp cho các hộ thành viên. Đồng thời, mở thêm dịch vụ thú y, vệ sinh, sát trùng chuồng trại và nhắc nhở bà con tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường.
HTX Dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ vốn, cấp đất xây dựng, mở rộng cửa hàng dịch vụ chăn nuôi, cửa hàng trưng bày sản phẩm thịt sạch và xây dựng lò mổ riêng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, còn phải tìm được liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhằm ổn định đầu ra và giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất./.