| |
Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Ngãi hiện giải phóng mặt bằng chậm |
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến kiểm điểm tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên vừa diễn ra tại Hà Nội sáng nay.
Bất chấp tiến độ bàn giao mặt bằng đã “chạy” nhanh hơn, với việc tại Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ đã bàn giao được 1.068 ha/1.788 ha mặt bằng (đạt 60%) và Dự án đường Hồ Chí Minh đã 84,51 ha/91,09 ha (đạt 90%), hàng loạt địa phương vẫn bị lỡ kế hoạch bởi Chính phủ yêu cầu phải bàn giao dứt điểm công địa trước 31/3/2014.
Theo Bộ GTVT, đến thời điểm này, đây là khó khăn lớn nhất tại 2 dự án, trong khi vốn phục vụ đền bù giải phóng mặt bằng và xây lắp đã được Chính phủ lo đủ. Tính đến cuối tháng 2/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã chuyển 6.354 tỷ đồng cho các địa phương, trong đó có 4.657 tỷ đồng vốn TPCP.
Tuy nhiên, hiện tuyệt đại đa số các địa phương có Quốc lộ 1 đi qua chưa hoàn thành công tác xây dựng các khu tái định cư cho khoảng 4.000 hộ bị ảnh hưởng - nguyên nhân dẫn tới công tác giải ngân hiện mới chỉ đạt khoảng 40% lượng vốn đã bố trí (3.109 tỷ đồng).
“Một số bí thư tỉnh ủy có tuyến đường đi qua chưa thực sự vào cuộc, còn có tư tưởng khoán trắng cho cấp cơ sở, trong khi giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 được Chính phủ yêu cầu coi là nhiệm vụ trọng tâm số 1”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Các địa phương bị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiêm túc phê bình là Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Bình do mới bàn giao được khoảng 40% công địa Quốc lộ 1.
Không chỉ lãnh đạo các tỉnh, một số nhà đầu tư các dự án BOT Quốc lộ 1, Quốc lộ 14, trong đó nổi bật là Công ty TNHH Thi Sơn - nhà đầu tư Dự án mở rộng Quốc lộ 1 Cần Thơ – Phụng Hiệp không đáp ứng được yêu cầu ứng trước 50 tỷ đồng để hỗ trợ đền bù theo yêu cầu của UBND tỉnh Hậu Giang đã bị Phó Thủ tướng Chính phủ “điểm huyệt”.
“Nhà đầu tư yếu như bún thế thì làm sao có thể hoàn thành được dự án”, Phó Thủ tướng nghi ngờ.
Được biết, ngay tại cuộc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết nếu trong vòng 10 ngày nữa nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu về tài chính, Bộ GTVT sẽ tiến hành hủy hợp đồng BOT.
“Bộ GTVT đã giao cho các Thứ trưởng toàn quyền quyết định, có thể “tiền trảm, hậu tấu” bất kỳ nhà đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án để chậm trễ”, ông Thăng quyết liệt.
Cần phải nói thêm rằng, để đảm bảo chất lượng, Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà thầu chỉ tiến hành thi công khi địa phương bàn giao tối thiểu 10 km công địa sạch.
“Áp lực đối với công tác GPMB cho 2 dự án là rất căng, bởi khối lượng mặt bằng còn lại rất lớn, trong khi thời gian chỉ còn lại khoảng một tháng. Tuy nhiên nếu không hoàn thành dứt điểm trước tháng 4/2014 sẽ kéo vỡ tiến độ xây lắp của hai công trình”, ông Thăng phân tích.
Anh Minh