Tuy tỷ lệ giải ngân có tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số 33,9% vẫn chứng tỏ, chậm giải ngân vốn đầu tư công là một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế.
Thúc đẩy được đầu tư công, sẽ có việc làm, có thêm thu nhập cho hàng triệu người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. |
Câu hỏi đặt ra là do đâu? Câu hỏi này không mới và câu trả lời cho câu hỏi này cũng đã nhiều lần được nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tổng kết rằng, có 6 nguyên nhân khách quan và 3 nguyên nhân chủ quan khiến giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Song có vẻ như, lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không còn muốn các địa phương “viện” vào các nguyên nhân đã cũ này nữa. Liên tục trong những năm gần đây, sốt ruột trước tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, nhiều hội nghị thúc đẩy đầu tư công đã được tổ chức. Tại đó, các nguyên nhân như chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, năng lực ban quản lý dự án có hạn, phân giao vốn còn chậm… được chỉ ra. Những nguyên nhân kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Không muốn “nói mãi mà chẳng ăn thua”, cũng không muốn “nói khéo” như ở các hội nghị trước, rằng liệu có phải do nguyên nhân chủ quan nào không, bởi rõ ràng, cùng một thể chế, chính sách ấy, có địa phương giải ngân trên 50%, thậm chí 70-80%, nhưng có địa phương lại giải ngân dưới 5%, Thủ tướng đã “điểm mặt, chỉ tên” rõ ràng. Đó là do bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.
Không phải ngẫu nhiên, mà Ninh Bình, Tiền Giang, Nghệ An… giải ngân tốt trong nửa đầu năm qua. Là do trực tiếp lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, thành lập đoàn công tác để đi sâu, đi sát từng dự án. Là do Hội đồng Nhân dân tỉnh, thay vì xuân thu nhị kỳ, đã mỗi tháng họp một lần để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, thậm chí nếu cần thiết thì kịp thời điều chuyển vốn giữa các dự án trong thẩm quyền của mình. Là do Chủ tịch tỉnh sẵn sàng đối thoại với hàng trăm người dân, để họ hiểu, đồng tình, ủng hộ và sẵn sàng giao đất cho dự án…
Điểm khác nhau giữa các địa phương làm tốt và ì ạch chính là do “bệnh quan liêu, không chịu đi thị sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung” - Thủ tướng Chính phủ đã nói như vậy.
Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nguyên nhân thì có nhiều, cả cố hữu, cả mới phát sinh, cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng quan trọng nhất vẫn là do khâu thực thi, do trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.
Lại có đại biểu Quốc hội thẳng thắn rằng, chậm giải ngân là do lãnh đạo nhiều tỉnh “chẳng làm gì”. Họ sợ trách nhiệm, vì không làm gì có nghĩa là sẽ không làm sai, mà không hiểu rằng, không làm gì cũng có nghĩa đã không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình.
Cũng có ý kiến cho rằng, lãnh đạo địa phương “không làm gì” không hẳn chỉ vì thiếu trách nhiệm, vì quan liêu, mà còn vì năng lực của bản thân cán bộ đó có vấn đề, không biết phải làm gì để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Khi vốn đầu tư công bị “ngâm” ở đó, dù trước kia chính họ đã chạy vạy khắp nơi để có thêm tiền đầu tư cho các dự án quan trọng của tỉnh, thì thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Không chỉ là chi phí vốn, đó còn là những cơ hội bị bỏ lỡ, khi dự án không sớm được đưa vào sử dụng, là việc làm và thu nhập của người dân bị thu hẹp, là cỗ xe tăng trưởng của nền kinh tế bị yếu đi một vế.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra rằng, xuất nhập khẩu, tiêu dùng và đầu tư công là “cỗ xe tam mã” cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và đầu tư công được coi là động cơ then chốt, quan trọng nhất. Song bất chấp nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,36% trong quý II/2020, bất chấp Chính phủ rất rốt ráo và quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công, tình trạng ì ạch, trì trệ vẫn diễn ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương.
Chưa bao giờ, người đứng đầu Chính phủ sốt ruột vì giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ như hiện nay. Vì thúc đẩy được đầu tư công, sẽ có việc làm, có thêm thu nhập cho hàng triệu người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vốn bị ảnh hưởng bởi Covid -19 nên nguy cơ suy giảm đang hiện hữu. Vì thế, lần này, Thủ tướng quyết tâm “xử” người đứng đầu, nếu còn để tình trạng trì trệ, chậm trễ. Chế tài mạnh sẽ được ban hành. Không chỉ là điều chuyển vốn từ địa phương này sang địa phương khác bắt đầu ngay từ tháng 8/2020, mà còn điều chuyển cả người đứng đầu, nếu để tình trạng ì ạch trong giải ngân như thời gian qua.
Trong dòng chảy phát triển của đất nước sẽ không còn chỗ cho những ai quan liêu, cho những công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”. Nếu không sát sạt, đi sâu vào thực tế, từng dự án, từng công trình, để gỡ khó từng khâu, từng thủ tục, thì tình trạng trì trệ sẽ còn. Vì thế, muốn thúc đẩy giải ngân, muốn kinh tế nhanh chóng phục hồi, cần phải chặn đứng bệnh quan liêu!