Một nhà máy tại KCN Minh Hưng - Hàn Quốc (tỉnh Bình Phước) xả khói đen không đạt tiêu chuẩn ra môi trường |
Vi phạm về môi trường vẫn phổ biến
Trong nửa đầu năm 2024, qua thanh - kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tình hình vi phạm về môi trường trong các khu công nghiệp không có dấu hiệu giảm sút.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 6/2024, qua phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Phước phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế cùng các đơn vị về môi trường thành lập 2 đoàn kiểm tra khí thải và nước thải của Khu công nghiệp (KCN) Minh Hưng - Hàn Quốc (phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành).
Sau khi lấy mẫu phân tích kết quả cho thấy, nước thải sau khi xử lý của KCN Minh Hưng - Hàn Quốc có 2 chỉ số không đạt chuẩn, gồm độ màu và tổng Ni-tơ cao hơn so với cột A của QCVN40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Phước đã yêu cầu Công ty TNHH C&N Vina (chủ đầu tư KCN Minh Hưng - Hàn Quốc) chấm dứt việc xả nước thải sau khi xử lý nhưng không đạt QCVN ra nguồn tiếp nhận. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo đạt chuẩn mới được phép thải ra môi trường.
Ngày 19 và 20/6, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Phước tiếp tục tiến hành lấy mẫu khí thải của nhiều doanh nghiệp trong KCN Minh Hưng - Hàn Quốc để kiểm tra. Theo kết quả phân tích, mẫu khí thải của Công ty TNHH Dệt C&S có chỉ tiêu CO cao hơn QCVN 19:2009/BTNMT do hệ thống lò hơi gặp sự cố.
Điều đáng nói là, năm 2023, Công ty TNHH C&N Vina bị UBND tỉnh Bình Phước ra quyết định xử phạt 570 triệu đồng do xả nước thải không đạt QCVN ra môi trường.
Tại Bình Dương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (PC03) Công an tỉnh Bình Dương, tiến hành kiểm tra, lấy mẫu khói của Công ty TNHH Sun Duck Vina tại KCN Sóng Thần 2. Kết quả phân tích cho thấy, một lò hơi của công ty này xả khói vượt quy chuẩn cho phép. Sau đó, các cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường.
Cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước lấy mẫu nước thải sau xử lý của KCN Minh Hưng - Hàn Quốc (tỉnh Bình Phước) để kiểm tra, kết quả có 2 chỉ số không đạt Ảnh: Văn Sỹ |
Cũng tại Bình Dương, mới đây, PC03 Công an tỉnh Bình Dương cũng phát hiện một công ty bao bì tại KCN Nam Tân Uyên (TP. Tân Uyên) xả nước thải trái phép vào hệ thống thoát nước mưa của Khu công nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp này bị các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hơn 350 triệu đồng.
Số liệu thống kê của PC03 Công an tỉnh Bình Dương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã thụ lý 367 vụ việc vi phạm về môi trường, tài nguyên, trong đó vi phạm về xả nước thải, khí thải và đổ, đốt chất thải rắn là 98 vụ.
Tại Đồng Nai, cuối năm 2023, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 1,14 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Thủy tinh Hongfei trong KCN Sông Mây, do xả nước thải vượt tiêu chuẩn ra môi trường. Công ty này cũng bị áp dụng các biện pháp khắc phục và chấm dứt hành vi xả thải.
Một điểm đen khác về môi trường tại Đồng Nai là Cụm công nghiệp cơ khí ô tô Đô Thành tại xã Long Phước (huyện Long Thành), bị người dân phản đối rất dữ dội vì ô nhiễm môi trường. Cụm công nghiệp này nằm ngay trong khu dân cư nên không thể đấu nối đường ống thu gom nước thải vào khu xử lý nước thải tập trung, dẫn tới ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai đang tính toán di dời cụm công nghiệp này, đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra tương tự và khá phức tạp tại đầu tàu kinh tế TP.HCM. Chỉ tính trong nửa đầu năm 2024, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (Hepza), phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với một số doanh nghiệp tại KCX Tân Thuận, KCN Vĩnh Lộc và KCN Tân Phú Trung.
Kết quả kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp vi phạm và lập biên bản, chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường để trình UBND TP.HCM ban hành quyết định xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền phạt là 843 triệu đồng.
Lý giải về các trường hợp vi phạm này, ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý môi trường của Hepza cho biết, căn cứ quy định tại Điều 42, khoản 2 điểm d Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định “cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực…”. Do đó, các cơ sở đang hoạt động trong KCN, KCX thuộc đối tượng phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép môi trường theo quy định.
Trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ theo thẩm quyền, Ban quản lý có phát hiện 5 cơ sở vi phạm hành vi là thay đổi, tăng quy mô, công suất, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất và không có giấy phép môi trường (Vi phạm quy định tại Điều 14 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ), nên đã thực hiện các thủ tục xử lý vi phạm hành chính để làm cơ sở giải quyết hồ sơ pháp lý môi trường theo quy định.
Cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước lấy mẫu nước thải sau xử lý của KCN Minh Hưng - Hàn Quốc (tỉnh Bình Phước) để kiểm tra, kết quả có 2 chỉ số không đạt Ảnh: Văn Ssỹ |
Chất thải rắn tràn lan tại nhiều khu công nghiệp
Theo báo cáo từ các ban quản lý khu công nghiệp của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, hiện nay, phần lớn khu công nghiệp đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung trước khi đổ ra môi trường. Đối với chất thải rắn, các khu công nghiệp đều tổ chức thu gom và ký hợp đồng xử lý với những đơn vị chuyên về môi trường.
Để tìm hiểu thực tế việc thu gom rác thải rắn tại các khu công nghiệp, phóng viên Báo Đầu tư đã có chuyến khảo sát tại một số khu công nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương và nhận thấy thực tế “chênh” khá nhiều so với báo cáo của cơ quan chức năng.
Theo đó, ngày 3/7, trong chuyến khảo sát tại KCN Bình Đường (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là rác thải như hộp đựng cơm, ly nhựa đựng cà phê bỏ la liệt trên đường nội bộ khu công nghiệp này. Cho dù đơn vị quản lý có cắm biển cấm tụ tập, xả rác, nhưng dường như biển cấm không có tác dụng. Không chỉ vậy, rác còn bỏ thành từng đống quanh một số gốc cây mà không được thu gom xử lý.
Cách KCN Bình Đường chưa đến 1 km, khu vực ngoại vi của Khu chế xuất LinhTrung 1 tại TP. Thủ Đức cũng trầm trọng không kém. Rác thải rắn như quần áo,nệm cũ, chai nhựa… bỏ đầy ven đường số 13 và đường số 1 ở khu vực ngoại vi của khu chế xuất này. Tại đầu đường số 13 giao với đường số 14, rác thải rắn chất thành đống lớn ngay lối vào một công ty.
Đi sâu vào bên trong Khu chế xuất Linh Trung 1, nếu từ cổng chính đi vào thì quang cảnh khá sạch sẽ và hầu như không có rác, nhưng cảm giác trái ngược khi rẽ vào các tuyến đường nhánh bên trong KCN. Quang cảnh rác thải (nhựa từ các hộp đồ đựng thực phẩm, rác thải sinh hoạt) của những người thiếu ý thức vứt la liệt tại một số điểm bên vệ đường nội bộ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề xử lý chất thải rắn tại Khu chế xuất Linh Trung 1, ông Trần Thanh Tùng cho biết, rác thải rắn tại Khu chế xuất Linh Trung 1 được chủ đầu tư thu gom và ký hợp đồng với đơn vị chuyên về môi trường để đưa đến nơi xử lý tập trung. Có thể một số thời điểm, công nhân ăn xong bỏ rác không đúng nơi quy định, việc thu gom chưa kịp thời nên mới xảy ra tình trạng có rác thải rắn ở khu công nghiệp.
Ngay cả một nơi được coi là sạch đẹp bậc nhất TP.HCM là Khu công nghệ cao, chúng tôi cũng chứng kiến hàng đống rác thải rắn chưa được thu gom và xử lý triệt để.
Ghi nhận của phóng viên ngày 3/7 cho thấy, trục đường chính dẫn từ cổng vào thì khá sạch, đẹp, hầu như không có rác thải rắn. Thế nhưng, đi sâu vào các tuyến đường nhánh bên như đường N1, N2 và đường vành đai phía Đông, các chất thải rắn như hộp đựng thực phẩm, nước uống, thậm chí có cả nệm, kính vỡ… bỏ tràn lan bên vệ đường. Một số điểm được thu gom thành từng đống, song chưa được vận chuyển đến nơi xử lý.
Điều này cũng được đề cập trong Báo cáo số 19/BC-KCNC, ngày 22/3/2024 của Ban Quản lý Khu công nghệ cao (SHTP) về kết quả kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2023 đối với các doanh nghiệp tại đây.
Qua kiểm tra tại Khu công nghệ cao, các cơ quan chức năng phát hiện 5 doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với nhiều lỗi được chỉ ra.
Cụ thể, Công ty TNHH Giải pháp điện tử T.C Việt Nam đã thay đổi tăng loại sản phẩm so với hồ sơ môi trường được phê duyệt. Trong khi Công ty TNHH Daihan Vina hoạt động vượt công suất (bộ trao đổi nhiệt) so với giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đã được cấp.
Hay như trường hợp của Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vina, dù đã vận hành chính thức, nhưng chỉ mới lắp đặt hệ thống đường ống thu gom và xả khí thải ra ngoài môi trường. Còn các bộ lọc bụi, than hoạt tính để xử lý khí thải chưa được lắp đặt như cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Một trường hợp vi phạm khác là Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, tại thời điểm kiểm tra chưa cung cấp các hồ sơ môi trường theo quy định.
Cuối cùng là trường hợp của Công ty TNHH New Hanam, qua kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục lập kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải.
(Còn tiếp)