Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Thưa ông, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Phát biểu tại sự kiện, ông cho rằng, quá trình phục hồi của doanh nghiệp, của nền kinh tế đang có thêm những thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, tốc độ cải cách mạnh mẽ, toàn diện hơn. Cụ thể, đòi hỏi đó là gì?
Doanh nghiệp đang rất vất vả trở lại, đó là thực tế đầu tiên phải nhắc đến. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dù đang được mở cửa, nhưng chưa thể bình thường khi số ca nhiễm tăng cao, tình trạng thiếu lao động tiếp tục căng thẳng.
Đặc biệt, đang xuất hiện thêm nhiều yếu tố bất định, bất ổn, như các tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trước mắt, có thể thấy ngay các doanh nghiệp du lịch tiếp tục chịu tác động tiêu cực khi khách du lịch quốc tế có thể sẽ phải tính toán lại kế hoạch của họ. Chi phí đầu vào các hoạt động sản xuất đang có xu hướng tăng khi giá xăng tăng cao kéo theo chi phí logistics, nguy cơ lạm phát…
Hồi đầu năm, khi nói về kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, chúng ta chưa lường đến những điều này. Ngay cả số liệu về đăng ký doanh nghiệp 2 tháng đầu năm 2022, với tỷ lệ doanh nghiệp rút lui cao hơn doanh nghiệp thành lập mới, có thể chưa thể hiện hết khó khăn mà doanh nghiệp đang đối diện.
Lúc này, môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, an toàn, hệ thống quy định rõ ràng, đồng bộ, quy trình thực thi đơn giản, công khai, minh bạch sẽ là bệ đỡ để doanh nghiệp an tâm tìm kiếm, tận dụng cơ hội phục hồi cũng như cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, thích ứng bối cảnh mới.
Để có được môi trường kinh doanh như vậy thì cải cách phải đồng đều, nhưng đây lại là thách thức lớn nếu nhìn lại quá trình thực hiện các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh từ năm 2014 đến nay.
Khi đánh giá quá trình này, nhiều ý kiến cho rằng, đang có sự chững lại dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyết tâm, cam kết chính trị mạnh mẽ…
Quan điểm của tôi, mấu chốt của sự ‘chững lại” không phải là không cải cải cách, mà nằm ở sự không đồng đều, thiếu chủ động trong một số cơ quan, đơn vị thực thi. Trong khi có những ngành, địa phương rất tích cực, làm rất tốt, có nhiều cải cách chủ động như Quảng Ninh hay ngành điện... Các doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ những tư duy cải cách và kết quả cải cách vì doanh nghiệp đó.
Nhưng doanh nghiệp không thể chỉ hoạt động ở Quảng Ninh, hay chỉ làm việc với đơn vị cung cấp điện. Hoạt động của doanh nghiệp là một quá trình, từ gia nhập thị trường đến các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh…; phải làm việc với rất nhiều cơ quan, tuân thủ các chuỗi quy trình, thủ tục.
Chỉ một vài nơi cải cách, nơi làm nhanh, nơi làm chậm… cũng giống như một con đường cao tốc mà lắm ổ gà, lắm lối cắt ngang, chỗ đường thu hẹp, doanh nghiệp không thể tăng tốc được, chưa kể rủi ro sập hố.
Thực tế, đây là vấn đề được bàn đến nhiều, nhưng chưa có nhiều cải thiện, thưa ông?
Đây là lý do tôi thực sự trông đợi vào cam kết mạnh mẽ, với tư duy rất rõ nét là dựa trên đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu của doanh nghiệp để đề xuất cải cách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ-CP.
Cũng phải nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiên trì, bền bỉ tham mưu để nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh được ban hành liên tục gần 10 năm nay, với những kế hoạch, công việc cụ thể tùy theo từng năm, từng giai đoạn.
Nói vậy là vì những gì đơn giản, những gì một vài bộ, ngành, địa phương có thể cải cách thì phần nhiều đã làm rồi. Những cải cách tới đây sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, như cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện…
Để cải cách thành công đỏi hỏi cách tư duy, cách làm mới, vượt lên sự tuân thủ đơn thuần khi đánh giá, xem xét các quy định hiện hành với các yêu cầu của doanh nghiệp, của xu thể phát triển, của các mô hình kinh doanh mới. Lúc này, một dự án vẫn mất 2-3 năm làm thủ tục thì không doanh nghiệp nào muốn tham gia…
Có lẽ, nếu không vì lợi ích quốc gia, thì chẳng ai muốn nhận nhiệm vụ vừa khó, vừa thách thức này.
Theo ông, thách thức lớn nhất trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh năm 2022 là gì?
Như tôi đã đề cập, cải cách sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi sâu hơn, toàn diện hơn ở cả góc độ đòi hỏi nhà đầu tư, doanh nghiệp và cuộc đua với các quốc gia khác để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Nói một cách ngắn gọn, các nước đứng trên chúng ta trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh chỉ cần nỗ lực một, thì chúng ta phải nỗ lực 2-3, thậm chí hơn.
Vì vậy, với những gì đã làm được, câu hỏi cần trả lời là có thể làm tốt hơn không, có cách khác thực sự tốt hơn nữa không, vấn đề nằm ở quy định hay ở tư duy, ở hành động…
Tuy nhiên, chúng ta đang có cơ hội lớn để tạo ra những cải cách cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn khi nhiều cơ quan đã sẵn sàng và hành động quyết liệt. Ví dụ, Quốc hội đã họp phiên họp bất thường để thông qua một luật sửa nhiều luật – thông điệp cho thấy sự sẵn sàng vào cuộc sớm của cơ quan lập pháp cao nhất, cùng với Chính phủ trong rà soát, nâng cao chất lượng thể chế, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, việc kiểm soát ban hành mới cũng cần đảm bảo chất lượng tốt, tránh tình trạng cải cách không đủ bù cho khiếm khuyết mới phát sinh…