Cuộc chơi khắc nghiệt
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhưng vẫn trong giai đoạn bắt đầu, khắc nghiệt thách thức các nhà đầu tư. Bằng chứng là, trong năm 2015, nhiều đại gia thương mại điện tử đã lần lượt tháo chạy khỏi Việt Nam dù trước đó họ đã kỳ vọng và tự tin rất nhiều vào một cuộc thống trị sớm muộn trong tương lai. Bên cạnh đó, hạ tầng thanh toán, dịch vụ giao nhận… vẫn là những thách thức mà các doanh nghiệp thương mại điện tử phải đối mặt.
Điển hình như Lazada, những ngày đầu chân ướt chân ráo vào Việt Nam, dù đã trù liệu được những khó khăn nhưng có lẽ, ông lớn này cũng không ngờ rằng, việc tìm kiếm đối tác giao hàng đáp ứng tiêu chí cung cấp kịp thời, có dịch vụ thu tiền tận nhà lại “bế tắc” như vậy. Kết quả là, Lazada đã phải “lục tung” thị trường để tìm được 20 công ty giao nhận đáp ứng yêu cầu nhưng cuối cùng, vẫn chỉ có thể giữ lại 2,3 đối tác. Có vẻ như, thời gian, tiền bạc, kinh nghiệm vẫn chưa đủ để một doanh nghiệp thương mại điện tử thành công.
Lazada - hiện tượng đi sau về trước
Nếu như những thách thức cam go tại thị trường Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử chùn bước thì ngược lại, có những doanh nghiệp nhìn nhận điều này như một lợi thế để có những bước đi tiên phong. Năm 2012, Lazada chỉ mới đặt chân vào thị trường nhưng đến năm 2014, một trật tự mới trong thương mại điện tử được thiết lập khi Lazada.vn đã vượt qua 216 sàn giao dịch thương mại điện tử khác trong nước để đứng đầu về doanh thu, chiếm 36,1% thị phần.
Và cho đến thời điểm hiện tại, Lazada đã chứng minh mình không phải là một tay chơi “ngạo mạn” khi từ một start up đã trở thành người dẫn đầu thị phần thương mại điện tử Việt Nam. Sau 5 năm, từ một website chỉ bán lẻ, 100% phụ thuộc vào bên thứ 3, Lazada.vn đã trở thành một sàn giao dịch thương mại điện tử Marketplace quy mô, thu hút 30 lượt triệu lượt truy cập hàng tháng để tìm kiếm thông tin hơn 1,000,000 sản phẩm thuộc 16 ngành hàng đến từ 5,000 đối tác. Ước tính, cứ mỗi 2s, có một đơn đặt hàng thành công trên Lazada.
Có thể nói, sự phát triển của Lazada là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của cả hệ sinh thái thương mại điện tử, trong đó đáng chú ý nhất là sự đóng góp vào thay đổi tư duy, nhận thức của người tiêu dùng đối với mua sắm thương mại điện tử.
Công bằng mà nói, để làm được điều này, Lazada đã nỗ lực không ít. Cụ thể, để dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, Lazada phải luôn đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm, cam kết bán hàng chính hãng và đem đến chế độ hậu mãi, bảo hành, đổi trả chu đáo.
Bên cạnh đó, cùng với việc đầu tư kho bãi, tìm kiếm các đối tác giao nhận uy tín, Lazada không ngừng phát triển hệ thống giao nhận tự thân (Lazada Express), để đảm bảo các đơn hàng được giao nhanh chóng, khách hàng được chăm sóc chu đáo bởi những nhân viên chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các chương trình ưu đãi như Cách mạng mua sắm trực tuyến, App đỉnh deal hời… liên tục được Lazada tung ra đã làm thoả mãn cơn khát mua sắm của khách hàng… Không dừng lại ở đó, Lazada còn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận thương mại điện tử. Chuyến tham quan văn phòng của Alibaba tại Quảng Châu, Trung Quốc dành cho 5 nhà bán hàng xuất sắc của Lazada vừa qua là một ví dụ.
Nhìn lại chặng đường 5 năm phát triển của Lazada, ông Alexandre Dardy, Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam tự hào: “Sau 5 năm kiên trì và nỗ lực không mệt mỏi, thành quả lớn nhất mà Lazada nhận được là niềm tin của khách hàng, là thiện cảm của người tiêu dùng dành cho thương mại điện tử. Sắp tới, chúng tôi kỳ vọng, Lazada sẽ tiếp tục đà tăng trưởng 2X mỗi năm đến 2020 cũng như tiếp tục giữ vững vị thế là nhân tố thúc đẩy thương mại điện tửtại Việt Nam”.
Được biết, để hiện thực hoá mục tiêu này, Lazada sẽ mở thêm 5 nhà kho mới để tăng công suất xử lý đơn hàng với công nghệ tiên tiến và hệ thống tự động hóa; phát triển dịch vụ P2P AhaMove cho dịch vụ giao hàng hoả tốc; phối hợp với iCare và Digitek thành lập trung tâm sửa chữa và bảo hành Lazada, mở rộng thị phần ở khu vực nông thôn…