Trong vai Bộ trưởng Bộ Công an, Phạm Anh Triết, học sinh lớp 10 Trường Phổ thông liên cấp Olympia vất vả trả lời hàng loạt câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội về hoạt động phòng cháy, chữa cháy sau vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, “Ủy viên Ủy ban Kinh tế” Dương Tuấn Minh đã có báo cáo chi tiết về thực trạng các chung cư mini, các vấn đề pháp lý liên quan đến xây dựng, vận hành loại hình nhà ở này...
“Ủy viên Ủy ban Kinh tế” Dương Tuấn Minh phát biểu trong phiên họp Quốc hội giả định |
“Nhờ buổi chất vấn trong phiên họp quốc hội giả định, con mới thực sự hiểu vai trò Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội. Có lẽ các bộ trưởng cũng có tâm lý lo lắng như con khi bước vào phiên chất vấn... vì có rất nhiều câu hỏi khó”, Phạm Anh Triết chia sẻ khi kết thúc phiên chất vấn.
Để chuẩn bị cho phiên họp này, các học sinh lớp 10 Olympia đã mất 2 tuần để chuẩn bị, tìm hiểu thông tin, nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến chủ đề được chọn cũng như dựa trên vai trò được phân công trong phiên chất vấn.
“Các kiến thức vốn rất nặng, trừu tượng, khó hiểu về hiến pháp, pháp luật, cấu trúc và chức năng nhiệm vụ của hệ thống chính trị Việt Nam và bộ máy nhà nước của môn Kinh tế pháp luật lớp 10 làm khó cả giáo viên và học sinh. Đây là lý do chúng tôi quyết định tổ chức các dự án cho học sinh đóng vai theo mô hình họp Quốc hội. Mặc dù đây là mô hình giản lược, nhưng cũng giúp các em dễ dàng hình dung hơn về bộ máy nhà nước một cách thực tế và sinh động”, cô giáo Ngô Thị Thu Hà, Giáo viên môn Kinh tế và Pháp luật Trường PTLC Olympia chia sẻ.
Thực tế, thông qua việc đóng vai, các bạn cũng được hiểu hơn về vai trò, đặc thù của các thành phần trong bộ máy nhà nước. Ví dụ, nếu ở vai Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì câu hỏi chất vấn phải khác với Ủy ban Kinh tế hay các vấn đề đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Công an sẽ không thể giống Bộ Xây dựng do trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ khác nhau... Thậm chí, các khái niệm vốn rất mới và khó với học sinh trung học như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, luật, nghị định, thông tư khác nhau thế nào, việc tìm kiếm thông tin liên quan ở đâu, chắt lọc thông tin, viết báo cáo ra sao... cũng được hóa giải khi các em chuẩn bị cho đề tại thảo luận.
“Việc quyết định đưa vấn đề cấp phép xây dựng và quản lý chung cư mini tại Việt Nam vào nội dung thảo luận cũng được cân nhắc rất cẩn trọng, để các em khi thảo luận sẽ không chỉ hiểu cấu thành của bộ máy nhà nước mà hiểu cả vai trò của công dân... Kiến thức chuyên môn và hiểu biết xã hội từ đó sẽ đi sâu vào nhận thức của các bạn”, cô Mã Thị Thanh Xuân làm rõ thêm.
Đặc biệt, trong năm học này, học sinh lớp 11 Trường Olympia đã có thêm một bài kiểm tra môn kinh tế pháp luật đặc biệt, đó là phiên tòa giả định với một vụ án hình sự.
Phiên tòa giả định tại lớp 11, Trường PTLC Olympia |
“Thẩm phán Đỗ Gia Phúc” vẫn rất nhớ những khó khăn khi phải tìm kiếm các văn bản, quy định, cách nói để đối đáp với cả bên ủng hộ bị cáo và bên... viện kiểm sát. “Việc tự chuẩn bị phiên tòa và nghiên cứu vụ án khiến quy trình, cách thức làm của 1 phiên tòa trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều so với việc chỉ nghe giảng. Em cũng học được kiểu suy luận về tình tiết vụ án từ các góc độ...”, học sinh lớp 11 Đỗ Gia Phúc nói.
“Không dễ để tái hiện một phiên tòa, vì các vấn đề chuyên môn sâu, cần sự hỗ trợ của các chuyên gia pháp lý. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu về các kiến thức pháp luật, chính các học sinh mong muốn được trải nghiệm bản thân mình trong vai của luật sư, vai thẩm phán... Thậm chí, cũng cần phải thử nghiệm trạng thái tâm lý ở vai bị cáo... Do đó, chúng tôi đã tìm các nguồn lực và các phương tiện hỗ trợ khác nhau để tái hiện được một phiên tòa ở trong lớp học”, cô giáo giáo Ngô Thị Thu Hà nói.
Phiên tòa giả định là một thành quả kết nối giữa chương trình lớp 10 - các học sinh được học tư duy làm chủ, chương trình lớp 11 - phát triển nhiều hơn về tư duy công lý, về quyền công dân, học cách xử lý các vấn đề trong đời sống bằng hệ thống pháp luật chứ không chỉ bằng các quyết định mang cảm tính...
Các cô giáo cho rằng, học theo các mô hình giả định, học sinh sẽ phải đọc nhiều thông tin, luyện tập được rất nhiều kỹ năng. Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị, học sinh có thể trao đổi thêm với bố, mẹ, người thân... trong vai trò các bên liên quan đến vấn đề đó. Từ đó, dự án học tập không dừng lại ở phạm vi nhà trường, việc học không chỉ là ở lớp học mà còn mở rộng trong phạm vi gia đình. Cô giáo Xuân tin rằng, các học sinh có thể tận dụng tri thức từ bố mẹ, từ cộng đồng để làm cho bài học của mình phong phú và dày dặn hơn...