Ngân hàng - Bảo hiểm
Chật vật tăng vốn, ngân hàng nhỏ phải tính đến M&A
Vân Linh - 18/05/2018 08:31
Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng được dự báo sẽ nóng trở lại trong năm nay, nhất là trước áp lực tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, tiến tới áp dụng chuẩn theo Hiệp ước Basel II.

Không tăng được vốn, ngân hàng nhỏ chỉ còn trông cậy vào M&A 

Tăng tiềm lực tài chính được xem là điều kiện cần và đủ trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc cải tổ ngành ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, trong khi cạnh tranh ở lĩnh vực này ngày một khốc liệt hơn và việc áp dụng chuẩn theo Hiệp ước Basel II cận kề. Thế nhưng, trên thị trường vẫn còn không ít ngân hàng chỉ có mức vốn điều lệ chạm ngưỡng vốn pháp định 3.000 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. 

HDBank sẽ tăng vốn thông qua việc nhận sáp nhập PGBank trong thời gian tới

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra cuối tháng 4/2018, Viet Capital Bank không có kế hoạch tăng vốn điều lệ trình cổ đông thông qua, dù mức vốn của ngân hàng đang ở mức tối thiểu theo quy định là 3.000 tỷ đồng. 

Thực tế cho thấy, kể từ khi mua lại và đổi tên từ Ngân hàng Gia Định thành Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) và tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng cuối năm 2011 đến nay, Viet Capital Bank chưa tăng thêm một đồng vốn nào. Trải qua 25 năm hoạt động, đến nay, Viet Capital Bank vẫn khó khẳng định vị thế trên thị trường tài chính. 

Trong khi đó, Saigonbank dù nhiều lần trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên hơn 4.000 tỷ đồng, song 5 năm qua vẫn chưa thể thực hiện. Trước áp lực nâng cao năng lực tài chính, Saigonbank từng tính đến chuyện sáp nhập và được một đối tác lớn chấp thuận là Vietcombank. Nhưng thương vụ trên bất thành khi các cổ đông lớn của Saigonbank chưa tìm được tiếng nói chung. 

Tuy nhiên, theo một nguồn tin đáng tin cậy, mới đây, cổ đông lớn của Saigonbank (UBND TP.HCM) đã bàn tính đến chuyện sáp nhập. Thực tế, nếu không M&A, Saigonbank khó có thể đứng vững.

Một số trường hợp khác không tăng được vốn trong nhiều năm qua và đã tìm đến phương án sáp nhập như PGBank đã thông qua kế hoạch sáp nhập vào HDBank, dự kiến hoàn tất vào tháng 8/2018. Tỷ lệ hoán đổi theo phương án 1:0,621 (1 cổ phiếu PGBank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank). 

Rầm rộ lên kế hoạch tăng vốn

Trước áp lực nâng cao tiềm lực vốn đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo Hiệp ước Basel II và nâng cao năng lực tài chính, các nhà băng nhỏ lại đang rầm rộ xây dựng kế hoạch tăng vốn. 

Tăng tiềm lực tài chính được xem là điều kiện cần và đủ trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc cải tổ ngành ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ...

Tháng 4/2018, Đại hội đồng cổ đông của Kienlongbank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.236,96 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Toàn bộ phần vốn tăng từ phát hành cổ phiếu dự kiến được đầu tư vào tài sản cố định, mở rộng mạng lưới hoạt động, bổ sung nguồn vốn đầu tư kinh doanh sinh lời. Tuy nhiên, với mức vốn mới sau khi tăng cũng chưa hẳn là thế mạnh đối với nhà băng này. 

Đại hội đồng cổ đông của VietBank, trong tháng 3/2018, đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc và dự kiến đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM, đồng thời tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng. Theo đó, trong năm 2018, VietBank sẽ tăng hơn 1.007 tỷ đồng vốn thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng và bán cho cán bộ, nhân viên.

Chủ tịch HĐQT VietBank, ông Dương Ngọc Hòa cho biết, trước mắt, Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ đợt I khoảng 500 tỷ đồng và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM. Đến năm 2020, VietBank sẽ niêm yết chính thức trên sàn HOSE.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank cũng cho hay, ngân hàng này vừa trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, từ mức 3.021 tỷ đồng hiện nay. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 11%, tổng số tiền tăng vốn là 332 tỷ đồng. Đồng thời, Nam A Bank sẽ phát hành cổ phiếu phổ thông với lượng chào bán hơn 164,6 triệu cổ phiếu, với giá không thấp hơn mệnh giá. Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu (dự kiến 906 tỷ đồng); cán bộ nhân, viên ngân hàng (dự kiến hơn 45 tỷ đồng) và phát hành ra bên ngoài (khoảng 695 tỷ đồng). 

Trong khi đó, nhiều năm không thực hiện được kế hoạch tăng vốn, nhưng một khoản đầu tư mới được chú ý trong nửa cuối 2017 của VietA Bank là khoản đầu tư vào PG Bank - ngân hàng vừa sáp nhập vào HDBank. Theo thông tin công bố, VietA Bank đã chi 150 tỷ đồng mua 4,16% vốn của PG Bank. Như vậy, nếu xác định nắm giữ cổ phần PG Bank, sau khi thực hiện M&A, VietA Bank sẽ sở hữu 7,75 triệu cổ phiếu HDBank. Khoản đầu tư được kỳ vọng mang tới khoản lãi tiềm năng cho VietA Bank trong tương lai.

Trong Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng theo phân công của Chính phủ được công khai lấy ý kiến rộng rãi, có đưa các mục tiêu đẩy mạnh tái cấu ngành ngân hàng như cắt giảm nợ xấu, giảm số lượng ngân hàng thương mại yếu kém và đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn theo Hiệp ước Basel II vào năm 2020… Thế nhưng, đến nay, trong 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước thí điểm, mới có duy nhất OCB công bố hoàn tất việc thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo  Basel II.

Tin liên quan
Tin khác