Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng tìm cách sở hữu công ty tài chính
Vân Linh - 13/05/2018 13:10
Với mức tăng trưởng trên 50%/năm và quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam dự báo cán mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, các ngân hàng đang tìm cách sở hữu công ty tài chính.

Thêm nhiều ngân hàng có công ty tài chính

Vietcombank dự kiến sau khi bán một phần vốn của công ty cho thuê tài chính trực thuộc sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng. Để đảm bảo lộ trình thoái vốn theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, mới đây, Vietcombank đã thoái hơn 10,9% vốn tại Công ty Tài chính Xi măng (CFC). 

.

Tương tự, ACB có ý định mua lại một công ty tài chính để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và thị trường từng có thông tin ACB sẽ mua lại Công ty Tài chính Bưu điện. Tuy nhiên, mới đây, SeABank đã trở thành ngân hàng trúng thầu mua lại Công ty Tài chính Bưu điện với giá 710 tỷ đồng. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho hay, ngân hàng này có kế hoạch mua lại hoặc thành lập mới công ty tài chính tiêu dùng trong năm nay. 

Thực tế, sau khi hoàn tất thương vụ và chuyển đổi thương hiệu, nhiều nhà băng đã nhanh chóng tìm đối tác chiến lược nước ngoài đến bán lại. Trong các thương vụ mua bán thành công giữa công ty tài chính và nhà đầu tư ngoại thời gian qua, đa phần đối tác ngoại nắm tỷ lệ sở hữu ở mức cao, lên đến 49%. 

Sớm được bán lại cho đối tác ngoại

Không ít ngân hàng đang xem xét việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty tài chính trực thuộc. 

Sau khi sáp nhập thêm Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel (VVF), SHB đổi tên thành SHB Finance, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Theo lãnh đạo SHB, kể từ khi công bố thành lập công ty tài chính tiêu dùng, rất nhiều đối tác từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đã đặt vấn đề tham gia mua cổ phần. HĐQT ngân hàng này đang cân nhắc lựa chọn một nhà đầu tư đến từ châu Âu làm đối tác chiến lược. 

Lãnh đạo SHB nói thêm, sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài không chỉ giúp công ty có kinh nghiệm về quản trị, bán các sản phẩm, mà còn đóng góp đáng kể vào thặng dư vốn cho các cổ đông của SHB. 

Hiện tại, trong số các công ty tài chính trực thuộc ngân hàng chưa bán cho đối tác ngoại có FE Credit (trực thuộc VPBank). FE Credit được xem là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank trong nhiều năm qua, nhất là khi năm 2017, đóng góp hơn 51% vào lợi nhuận ngân hàng này. Đó cũng chính là lý do được ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, Ngân hàng chưa vội bán cổ phần FE Credit cho đối tác ngoại. 

Tín dụng tiêu dùng sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới, khi người tiêu dùng đã bắt đầu quen và nhận ra những lợi ích thiết thực của hình thức này.

Tương tự, từ sau khi mua lại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam (TFC) năm 2015 đến nay, Maritime Bank vẫn chưa có động tĩnh gì về việc tìm kiếm đối tác nước ngoài. 

Trong khi đó, dù đã có thâm niên hoạt động hơn 10 năm tại thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, song Prudential Finance vẫn quyết định bán lại cho đối tác ngoại. Tập đoàn Shinhan Financial Group từ Hàn Quốc vừa công bố đạt thỏa thuận mua Công ty Tài chính Prudential Việt Nam với giá gần 151 triệu USD. 

Techcombank cũng vừa chuyển nhượng Công ty Tài chính Kỹ thương (TechcomFinance) cho đối tác Hàn Quốc là Lotte Card. Giá trị của thương vụ này khoảng 87,5 tỷ won, tương đương 1.700 tỷ đồng. Hay HDBank cũng chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). 

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia ngân hàng cho rằng, tín dụng tiêu dùng sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới, khi người tiêu dùng đã bắt đầu quen và nhận ra những lợi ích thiết thực của hình thức này. 

Vai trò của tài chính tiêu dùng là không thể phủ nhận, song để thị trường này phát triển một cách bài bản, lành mạnh, vẫn cần có nhìn nhận đúng về vai trò của công ty tài chính từ người tiêu dùng. Đây cũng là lý do vì sao mảng cho vay tiêu dùng trở thành lĩnh vực hấp dẫn và các công ty tài chính trở thành đối tượng săn tìm ráo riết của nhà đầu tư ngoại.

Tin liên quan
Tin khác