TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế |
Tín dụng nền kinh tế năm nay tăng trưởng khoảng 18% song tín dụng tiêu dùng tăng tới 50-60%.
Theo báo cáo của NHNN, tín dụng đang chảy đúng hướng vào các khu vực ưu tiên, song theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, đang có hiện tượng ngân hàng “đẩy” tín dụng tiêu dùng (trong đó có tín dụng bất động sản) sang công ty tài chính và điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Năm 1997, Trung Quốc và Thái Lan đã đổ bể gần như hàng loạt công ty tài chính, kể cả cho vay tiêu dùng lẫn cho vay bất động sản.
“Rất có thể sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng tiêu dùng trong tương lai”, TS. Nghĩa cảnh báo.
Cũng liên quan đến tín dụng, ông Lê Đức Thúy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, NHNN không nên cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng nữa mà để thị trường tự vận hành. Bên cạnh đó, cần đánh giá lại trần lãi suất để xem xét có cần thiết hay không.
Không chỉ tín dụng tiêu dùng và cơ chế điều hành tín dụng vẫn là gây lo ngại mà nợ xấu vẫn là vấn đề nóng.
Theo báo cáo của NFSC, quá trình tái cơ cấu đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 với thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Hệ thống ngân hàng đã tự xử lý khoảng 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Cùng với nợ xấu được xử lý tích cực, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại tăng lên trên 40% năm 2017 vừa qua.
Kết quả kinh doanh thời gian tới có thể còn khả quan hơn nữa nhờ tác động của Nghị quyết 42 đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và tăng thu nhập thông qua hoàn nhập dự phòng. Đồng thời, thu nhập từ nguồn thu phí hoạt động dịch vụ và hoa hồng từ bán chéo bảo hiểm cũng là nguyên nhân giúp kết quả kinh doanh của các nhà băng tốt hơn.
Tuy nhiên, NFSC cho rằng, nợ xấu thực vẫn còn cao hơn nhiều so với báo cáo của NHNN. Ông Nguyễn Văn Thuỳ - Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp (Uỷ ban Giám sát Tài chính) cho biết, theo tính toán của cơ quan này, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng là 9,5%, tức cao gấp 3 con số báo cáo của NHNN, dù đã giảm mạnh từ mức 11,5% năm ngoái.
Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, nợ xấu thời gian qua giảm chủ yếu do ngân hàng tự xử lý bằng dự phòng rủi ro, sự tháo gỡ về mặt cơ chế chưa tác động nhiều đến xử lý nợ xấu.