Lập công ty tài chính - đã quá muộn?
Tại Đại hội đồng cổ đông được tổ chức tuần qua, Ngân hàng MB cho biết, năm 2018, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 6.800 tỷ đồng, trong đó có 300 tỷ đồng đến từ Công ty Tài chính tiêu dùng Mcredit. Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho hay, với lợi thế từ đối tác Nhật Bản và mạng lưới sẵn có, Mcredit sẽ lọt vào top 3 trên thị trường về hiệu quả hoạt động.
Hiện tại, hai công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường là FE Credit và Home Credit đang có lợi nhuận mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng (FE Credit đạt lợi nhuận 4.000 tỷ đồng năm 2017). Như vậy, mục tiêu của Mcredit là khá tham vọng.
Là một trong hai công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường, Home Credit đang có lợi nhuận mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng |
Trong giai đoạn trước, MB từng đứng ở vị trí quán quân khối ngân hàng cổ phần tư nhân về lợi nhuận, song ngày càng tụt xa các đối thủ trong hơn 3 năm qua, một phần do Ngân hàng chưa có chiến lược đột phá về bán lẻ. Mcredit có lẽ được MB kỳ vọng sớm thành “gà đẻ trứng vàng” giống như FE Credit hay HDSaison.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, Mcredit vẫn đang đi theo “lối mòn” của MB, vẫn tận dụng lợi thế của các cổ đông và các doanh nghiệp trong ngành quân đội. Hơn nữa, sản phẩm cũng chưa có gì đột phá, trong khi các đối thủ đi trước đã thiết lập mạng lưới điểm bán hàng và khách hàng rất rộng rãi. Do đó, dù Mcredit có nhiều lợi thế, song với các lợi thế không mấy khác biệt, tân bình này sẽ khó giành giật thị phần của các đối thủ, mang lại lợi nhuận khủng cho MB.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù dư địa thị trường cho vay tài chính Việt Nam rất rộng mở, song cục diện lại khó thay đổi bởi các ông lớn đi trước đã có chiến lược bành trướng thị trường và cũng không chịu nằm im khi các tân binh nhập cuộc. Hiện cả nước có 16 công ty tài chính, song hơn 80% thị phần lại nằm trong 4 công ty lớn: FE Credit, Home Credit, HDSaison, Prudential.
Chưa kể, nguy cơ nợ xấu từ các công ty tài chính tiêu dùng là rất lớn. Nếu không chuẩn bị kỹ về nhân sự, ngân hàng thậm chí có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng. Đây cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng như SHB, Maritime Bank… chưa dám đưa công ty tài chính tiêu dùng vào hoạt động, dù đã mua lại từ lâu.
Hiện nay, các công ty tài chính tiêu dùng cũng bị cạnh tranh gay gắt khi các fintech mọc lên như nấm, đồng thời các ngân hàng sau thời kỳ “ngủ đông” đang phát triển bùng nổ về bán lẻ.
Nhà băng “ép” thị phần công ty tài chính
Theo ông Nguyễn Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, dù phát triển mạnh mẽ, song nhóm công ty tài chính hiện nay chỉ chiếm khoảng 1% thị phần tín dụng. Riêng đối với mảng tín dụng tiêu dùng, hơn 90% thị phần vẫn nằm trong tay ngân hàng thương mại.
Khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho thấy, thị phần của nhóm ngân hàng đã tăng lên, trong khi thị phần của nhóm công ty tài chính đã giảm từ 9,3% năm 2016 xuống còn 7,6% cuối năm 2017.
Trong bối cảnh ngân hàng chạy đua bán lẻ, tập trung cho vay cá nhân, thị phần của khối công ty tài chính còn có nguy cơ bị thu hẹp. Đây chính là nguyên nhân khiến VPBank, ngoài việc duy trì “gà đẻ trứng vàng” FE Credit, đang tích cực đẩy mạnh mảng bán lẻ.
Nhiều ngân hàng sau một thời kỳ “đứng ngoài” làn sóng lập công ty tài chính và tập trung đẩy mạnh bán lẻ, cũng đã tự tin hơn với chiến lược này. Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho hay, hiện nay, việc xin giấy phép thành lập công ty tài chính tiêu dùng là rất khó, chủ yếu phải thực hiện qua con đường mua bán, sáp nhập, trong khi thị trường không có nhiều công ty tài chính chất lượng. Hơn nữa, cho vay tiêu dùng lãi suất 30-60%/năm là rất rủi ro.
“Mỗi nhà băng sẽ đi theo một trường phái riêng. VIB bình thản và vui vẻ khi thấy các đối thủ cạnh tranh đi vào những thị trường rủi ro”, ông Vỹ nói.
Theo lãnh đạo VIB, dù không tham gia cuộc đua thành lập công ty tài chính tiêu dùng, song mảng bán lẻ của ngân hàng tăng trưởng rất tốt, cho thấy tiềm năng lợi nhuận từ mảng này rất lớn. Cụ thể, năm 2017, mảng bán lẻ của VIB tăng tới 83%, năm nay có thể tăng 100%.
Trước đó, Techcombank thậm chí còn “bán đứt” Công ty tài chính Techcombank Finance cho đối tác nước ngoài và khẳng định không đuổi theo mô hình rủi ro cao, lợi nhuận cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank khẳng định, TPBank đẩy mạnh bán lẻ, theo đuổi chiến lược phát triển nhanh, song không nhằm vào phân khúc rủi ro.
Trên thị trường, nhiều “ông lớn” như BIDV, Vietcombank, VietinBank hay Agribank vẫn chưa có riêng công ty tài chính tiêu dùng. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhiều ngân hàng phát triển tốt mảng bán lẻ, cho vay tiêu dùng, mà không nhất thiết phải thành lập hay mua lại công ty tài chính. Điều này phụ thuộc vào chiến lược phát triển của từng ngân hàng.