Những liên minh “ma quỷ” tham nhũng của công đã vươn vòi khuynh đảo kỷ cương, phép nước, chà đạp đạo lý... gây nhức nhối lâu nay trong nhân dân. Chặt đứt, chặn đứng, dựng con đê lớn ngăn sóng dữ tham nhũng là ý chí cách mạng, đã được Đảng tiến hành bài bản, quyết liệt, thuyết phục, không có vùng cấm nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chế độ.
Bài 3: Giải mã tham nhũng đất công
Dự án Khu nhà ở Phước Long B (quận 9, TP.HCM) đã được chuyển nhượng với giá rẻ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Ảnh: Lê Toàn |
Những mảnh đất vàng, đất kim cương giữa lòng đô thị lớn là tâm điểm cho tâm địa không giới hạn của nhóm doanh nghiệp bất chính và quan chức tha hóa. Sòng phẳng mổ xẻ tận gốc đối tượng, thủ đoạn, chỉ ra những kẽ hở luật pháp là điều rất cần thiết cho công cuộc phòng chống tham nhũng.
Nhân dân không tham nhũng
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng. |
Những vụ việc sai phạm được phanh phui vừa qua cho thấy một thực tế không thể phủ nhận, đó là tham nhũng chỉ xảy ra với những đảng viên, cán bộ được Đảng phân công làm việc trong các cơ quan công quyền có dính líu đến tài sản, tiền bạc và trách nhiệm trong việc quản lý điều hành, bổ nhiệm các vị trí trọng yếu trong các cơ quan của Đảng và chính quyền. Nhân dân không tham nhũng!
Và hậu quả không chỉ là sự thất thoát tài sản của xã hội, mà còn là sự “thất thoát của Đảng” về cán bộ và lòng tin của nhân dân. Đó mới là thất thoát lớn nhất, đau nhất.
Là một công dân yêu Đảng, tin Đảng, theo Đảng bao năm nay, tôi rất buồn và xấu hổ khi nói về các vụ việc này, vì trong số những người vi phạm đó, có những người tôi quen biết và là bạn của tôi nhiều năm, cùng lăn lộn trong công việc, nhưng rồi… Mỗi cá nhân không kiểm soát được bản thân, nhiều cá nhân như thế kết bè với nhau vì lợi ích kinh tế và quyền lực, thì dứt khoát phải “chén” thôi, phải “giành ghế” thôi!
Nếu không có ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và trên hết là những thể chế, chính sách, những quy định pháp luật đủ mạnh để răn đe và xử lý tội trạng, thì khó ngăn chặn và đẩy lùi được tệ tham nhũng chức quyền, lợi ích kinh tế.
Vậy tham nhũng có xóa bỏ được không? Không thể xóa bỏ được tham nhũng, vì nó nảy sinh bởi sự ham muốn từ quyền lực và lợi ích vật chất mà trong mỗi con người chúng ta, ai ai cũng đều có. Tham nhũng là một “quy luật xã hội có điều kiện” và thay đổi muôn hình vạn trạng. Khi có điều kiện, thì sẽ nảy sinh tham nhũng.
Nhưng nước ta có thể hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tham nhũng bằng cơ chế, chính sách và các quy định do Đảng, Nhà nước kiểm soát.
Luật quá nhiều, nhưng áp dụng kiểu gì cũng được
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu. |
Đa phần đại án là sai phạm trong lĩnh vực đất công. Pháp luật liên quan đến đất đai của Việt Nam hiện nay hiểu kiểu này cũng được, mà kiểu kia cũng đúng.
Mặt khác, chúng ta có quá nhiều luật điều chỉnh phức tạp. Những vấn đề về đất đai được quy định ở Luật Đất đai. Khi xây nhà trên miếng đất đó, phải thực hiện theo Luật Nhà ở. Nếu đất đó là đất công, thì phải tuân theo Luật Đầu tư công. Còn nếu đất đó được mua - bán, lại liên quan Luật Kinh doanh bất động sản… Quá nhiều quy định pháp luật chồng chéo, phức tạp, nhưng lại thiếu đồng bộ, không rõ ràng và hiểu sao cũng được, khiến giới luật sư cũng phải… tranh cãi.
Chính điều đó tạo ra kẽ hở, cơ hội cho những người có chức vụ, quyền lực lợi dụng, nhũng nhiễu. Người dân hay doanh nghiệp muốn được việc, thì phải bôi trơn. Đó chính là tiêu cực, tham nhũng.
Và khe hở đó cũng giúp quan chức áp dụng “linh hoạt” để phục vụ lợi ích của cá nhân hay nhóm lợi ích, thể hiện rất rõ trong các vụ đại án thời gian qua.
Mặt khác, theo quy luật, khi có quyền lực, thì tất yếu nảy sinh chủ quan, duy ý chí và dẫn tới lạm quyền. Ở nước ta có cơ chế dân chủ, công khai thảo luận tập thể…, nhưng thực tế các vụ đại án liên quan người lãnh đạo cho thấy, những bộ phận kiểm soát này lại phụ thuộc, dưới quyền. Từ đó dẫn tới quan chức lộng hành, buộc cấp dưới hoặc phải vào “phe cánh”, hoặc bị loại khỏi “đội”.
Tức là, cơ chế kiểm soát quyền lực ngay từ đầu chưa ổn, dẫn tới quan chức càng ở vị trí cao, càng gây hại lớn. Nếu có người đồng chức, nhưng khác trách nhiệm trong cùng một đơn vị để kiểm soát ngay từ đầu, quyết định được vấn đề ngay từ đầu, thì khó mà dẫn tới hậu quả khủng khiếp về sau.
Ba điểm mấu chốt để biến của công thành của… ông
Luật sư Bùi Phúc Thạch, Công ty Luật Hợp danh Nam Trí Việt (TP.HCM)
Luật sư Bùi Phúc Thạch. |
Qua theo dõi các đại án, có thể nêu ra một vài điểm mấu chốt trong các sai phạm để biến đất công thành đất… ông.
Thứ nhất, là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp góp vốn nhà nước bằng hình thức giao “đất vàng”, nhưng giá trị đất được định giá rất thấp và thường không do đơn vị khách quan thẩm định. Sau khi góp vốn, quyền sử dụng đất nhanh chóng được chuyển cho đơn vị thứ ba để hợp thức hóa tài sản.
Thứ hai, là các vi phạm nghiêm trọng thường xảy ra trong quy chế đấu thầu liên quan việc triển khai dự án có vốn nhà nước. Nhiều quy định hiện hành không chặt chẽ, tạo khe hở cho việc lách luật, tình trạng “sân sau”, “chân gỗ” hoặc dàn dựng “chỉ định thầu”.
Thứ ba, là thất thoát trong các dự án BT (xây dựng - chuyển giao). Nhiều nhà đầu tư được ưu ái chỉ định, “đất vàng” được định giá trị rất thấp để đổi lấy công trình hạ tầng, nhưng không đấu thầu, đấu giá đất theo quy định, gây thất thoát tài sản công (chủ yếu là tài sản đất đai, trụ sở làm việc), thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp không có nhu cầu móc ngoặc, nhưng…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Ông Lê Hoàng Châu. |
Nhìn nhận một cách sòng phẳng, các doanh nghiệp không muốn dính líu, bắt tay hay có nhu cầu móc ngoặc với quan chức. Cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước mong muốn được hoạt động trong môi trường kinh doanh mà tính “minh bạch” là yêu cầu hàng đầu. Có “minh bạch” thì mới có công bằng, bình đẳng để tạo nên cạnh tranh theo luật pháp một cách lành mạnh, bền vững.
Nhưng trên thực tế, thời gian qua, không ít doanh nghiệp được chỉ định đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích rất lớn; được giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng rất nhanh; được phê duyệt các chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu dân số rất thuận lợi; được xác định tiền sử dụng đất rất mau lẹ.
Nhìn sâu vào các vụ đại án, có thể thấy, những lợi ích trên thường rơi vào nhóm “sân sau”, tận dụng được những khe hở pháp lý để thao túng.
Điển hình là việc đấu giá đất. Nếu Nhà nước có quỹ đất và tổ chức đấu giá công khai quỹ đất, hoặc đấu thầu minh bạch dự án có sử dụng đất công để lựa chọn nhà đầu tư, thì dứt khoát sẽ bán được với giá thị trường cao hơn rất nhiều so với giá bồi thường. Đó là khoản chênh lệch địa tô từ việc chuyển công năng và mục đích sử dụng đất sau khi đấu giá, đấu thầu. Khoản chênh lệch này nếu thuộc về ngân sách nhà nước và đem phục vụ lợi ích công cộng, sẽ hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện của người dân.
Nhưng các vụ đại án cho thấy, vẫn chưa có cơ chế để phát huy đầy đủ tính công khai, minh bạch trong đấu giá đất, dẫn tới những cuộc thu hồi bồi thường hay đấu giá thiếu minh bạch, thông thầu, chỉ định thầu… để tạo nên chênh lệch địa tô rất lớn.
Khoản chênh lệch địa tô đó lại rơi vào một nhóm người là doanh nghiệp “sân sau” cùng một số quan chức và tất yếu sẽ xảy ra khiếu kiện, thậm chí quyết liệt, chưa nói các vấn đề khác.
Rõ ràng, nhóm doanh nghiệp sân sau, thân hữu tuy là thiểu số, thậm chí rất ít, nhưng đều “có nanh, có vuốt” đã không chỉ gây bức xúc xã hội, khiến cộng đồng doanh nghiệp phải cạnh tranh không sòng phẳng, mà còn lũng đoạn khiến môi trường kinh doanh không minh bạch, nguy hiểm hơn là gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế, an ninh trật tự xã hội và gây mất lòng tin trong nhân dân.
Nguyên Phó trưởng ban tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương khi còn sống đã trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề tham nhũng. Theo ông, tội phạm tham nhũng thường tập trung vào 4 nhóm thủ đoạn.
Một là, tham nhũng thông qua các công trình, dự án kinh tế với các hành vi lập khống giá trị hay sự ưu ái, chỉ định cho các doanh nghiệp, đơn vị có mối thân quen để trục lợi.
Hai là, tham nhũng thông qua mua chuộc quyền lực, thương mại hóa quyền lực để hưởng lợi từ việc được ưu ái mua rẻ đất công. Bất động sản có giá trị rất lớn, nhất là những khu “đất vàng” ở đô thị trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Những vụ việc liên quan đến Vũ “nhôm” và các cựu lãnh đạo Đà Nẵng đang được làm rõ chính là điển hình của thủ đoạn này.
Ba là, tham nhũng thông qua chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm, thăng chức dựa trên các mối quan hệ thân hữu, nâng đỡ không trong sáng, không tuân thủ các quy định, quy trình hoặc hợp thức hóa các quy định, quy trình để đạt mục đích.
Bốn là, tham nhũng thông qua chạy tội. Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm, bởi nó nhắm thẳng vào các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ và thực thi pháp luật, như công an, thanh tra, kiểm sát…