Những liên minh “ma quỷ” tham nhũng của công đã vươn vòi khuynh đảo kỷ cương, phép nước, chà đạp đạo lý... gây nhức nhối lâu nay trong nhân dân. Chặt đứt, chặn đứng, dựng con đê lớn ngăn sóng dữ tham nhũng là ý chí cách mạng, đã được Đảng tiến hành bài bản, quyết liệt, thuyết phục, không có vùng cấm nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chế độ.
Bài 4: Chặt đứt, chặn đứng tham nhũng
Qua các vụ đại án, nhất là liên quan đến đất công, có thể thấy, tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Hiện nay, cả nước đang tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, vì thế, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng.
Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ra tòa phiên xét xử tháng 12/2019 vì giao không đấu giá 5.000 m2 tại số 15 Thi Sách, quận 1 cho Vũ "nhôm”. Ảnh: Lê Toàn |
Tham nhũng được hiểu là dùng quyền lực công để mưu lợi ích tư. Mục tiêu của cuộc chiến phòng chống tham nhũng chính là loại trừ những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ có thể thực hiện hành vi tham nhũng.
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ cho rằng, căn nguyên quan chức sai phạm, “sân trước, sân sau”, “nhóm lợi ích” còn bởi “ta chưa kiểm soát hết được quyền lực của người lãnh đạo đang nắm giữ các cương vị chủ chốt. Các vị này, nhất là cái “bóng” của họ xòe ra cho con cháu “ngọ nguậy” trong các cơ quan công quyền, các tổ chức kinh tế với các dự án to nhỏ khắp nơi. Với các vị ấy, họ biết hết, hiểu hết, ở cương vị càng cao càng biết nhiều, hiểu nhiều.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Phúc Thạch, Công ty Luật Hợp danh Nam Trí Việt (TP.HCM) đề nghị phải mạnh dạn gạt bỏ tư tưởng công trạng và tình trạng “ăn mày quá khứ cha ông”; bố trí, tuyển chọn, đề bạt cán bộ phải trên nền tảng của sự cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng về năng lực, trình độ chuyên môn và đạo đức.
Đánh giá cao kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua, GS-TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, kết quả đó thể hiện quyết tâm không thể thỏa hiệp với “quốc nạn” tham nhũng, nhưng cần xử lý triệt để cơ chế “đẻ” ra tham nhũng. Khi vẫn còn duy trì cơ chế xin - cho, đất cũng xin, vốn cũng xin, cái gì cũng xin, thì đương nhiên khó tránh được tham nhũng.
“Muốn xóa tham nhũng tận gốc, thì phải xóa cơ chế xin - cho và phải kiểm soát được quyền lực”, GS-TS. Võ Đại Lược nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng cho rằng, muốn tham nhũng thì phải có quyền lực. Đảng đã quyết tâm “nhốt quyền lực trong lồng luật pháp”, vì thế, việc chấn chỉnh nội bộ trong Đảng là cực kỳ quan trọng, biến Đảng thật sự thành đảng cầm quyền gương mẫu, quay lưng với tham nhũng, để làm sao cán bộ “không thể, không dám và không muốn” tham nhũng. Chắc chắn trong cuộc đấu tranh đó, người dân luôn luôn ủng hộ.
Nguồn: Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2019 (PAPI 2019). Đồ họa: Thanh Huyền |
Kiểm tra từ đầu tài sản của người đứng đầu
Thực tế không thể phủ nhận, lương cán bộ hiện nay thấp, nhưng nghịch lý ở chỗ, nhiều quan chức có khối lượng tài sản lớn, được che giấu dưới nhiều hình thức.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Đảng đã có sự giám sát bằng kê khai tài sản hàng năm. Tuy nhiên, thời gian qua, việc cán bộ, công chức thuộc diện kê khai bị phát hiện gian dối chiếm tỷ lệ rất thấp. Mặt khác, việc kiểm soát ngay từ đầu lại không có, chỉ khi xảy ra sự vụ mới truy cứu, tức chỉ giải quyết phần ngọn.
Chính vì vậy, đã xuất hiện hiện tượng cán bộ, công chức lách, hợp thức hóa tài sản bất minh bằng việc kê khai ngay từ đầu số tài sản lớn hơn mình có để hợp thức hóa khi hết nhiệm kỳ, mà không hoặc khó ai kiểm tra cặn kẽ nguồn gốc.
“Tôi cho rằng, nên tập trung kê khai tài sản và kiểm tra ngay khi kê khai với đối tượng là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bởi khi “đầu tàu” bị kiểm soát nghiêm ngặt, bị giám sát, thì buộc phải điều chỉnh hành vi, dẫn tới “các toa tàu” sẽ không dám đi trật đường ray”, luật sư Hậu phân tích.
Tăng lương “dưỡng liêm” gắn với tinh giản nhân sự
Ông bà ta có câu “Có thực mới vực được đạo”. Ai cũng biết, với đồng lương “ba cọc ba đồng”, thì công chức khó có thể yên tâm công tác, chưa nói đến việc “nói không” với tham nhũng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tâm sự, ông từng công tác ở cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, nên “thấm” sự bất cập của đồng lương thấp. Ông Châu phân tích, có “sân sau” là do cả hai chiều tạo ra. Thứ nhất, là từ quan chức có tham vọng để chạy chức, hoặc muốn sống xa hoa, nên cần tiền và móc nối với doanh nghiệp. Ở chiều thứ hai, doanh nghiệp chủ động móc nối với quan chức, đôi khi chỉ rất bình thường như hồ sơ lâu quá không được giải quyết, thì gặp để “cảm ơn” và như vậy là hình thành tiêu cực. Cho nên, đấu tranh phải từ hai phía.
Với doanh nghiệp, cần chặt chẽ trong cơ chế đấu thầu, đấu giá và nghiêm khắc ở các quy phạm pháp luật liên quan việc cán bộ, công chức hay người thân lập doanh nghiệp, thì sẽ giải quyết được vấn nạn “sân sau”.
Với cán bộ, công chức, theo ông Châu, cần giải quyết hai vấn đề mấu chốt là danh dự và đồng lương. “Công chức, quan chức tức có danh dự rồi. Vấn đề còn lại là đồng lương. Thực tế, ngay cả đến lực lượng cực kỳ quan trọng là các cơ quan tư pháp, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật mà đồng lương của họ thấp, thì rất khó đảm bảo tính liêm chính”, ông Châu nói.
Nhìn thẳng vào thực tế, với chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức như hiện nay, thì rất khó để giữ cho họ đừng sa ngã vào những hành vi được gọi là phi pháp, vì thế, giải bài toán lợi ích là cực kỳ quan trọng. Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Chống tham nhũng là cần thiết, cấp thiết, nhưng nếu quên bài toán lợi ích là siêu hình”.
Theo các chuyên gia, nâng lương, nhưng phải tinh giản nhân sự hưởng lương từ ngân sách. Bởi với số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách khoảng 11 triệu người, bình quân ở nước ta, 9 người phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách, thì không ngân sách nào chịu nổi.
Loại bỏ ngay cán bộ yếu kém, sợ trách nhiệm
Một thực trạng đáng buồn là sau khi hàng loạt quan chức bị khởi tố, không ít cán bộ, công chức đã không dám giải quyết việc công.
Như tại TP.HCM, nơi có 3 phó chủ tịch UBND (Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến) bị khởi tố, hồi tháng 4/2019, tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nghiệp trong nước trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp bất động sản bày tỏ bức xúc: “Không biết vì sao thời gian gần đây, nhiều cơ quan, nhiều cán bộ lại làm việc trì trệ, không dám ký hồ sơ?”.
Tương tự, sau vụ án động trời liên quan tới Phan Văn Anh Vũ và hàng loạt quan chức ở Đà Nẵng, hồi tháng 12/2019, trong kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng thừa nhận, 2 năm qua, có không ít cán bộ, lãnh đạo địa phương co cụm lại không làm vì sợ sai.
Hiện tượng này, theo ông Lê Hoàng Châu, là do một số quy phạm pháp luật xung đột, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, nên tiềm ẩn yếu tố rủi ro cho người thi hành công vụ, dẫn đến một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp.
Từ góc nhìn chuyên môn, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định, hiện tượng trên có một phần nguyên nhân bởi cán bộ, công chức yếu kém chuyên môn, nghiệp vụ. “Rất nhiều vụ đại án liên quan tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vừa qua là do cấp dưới tham mưu. Ở nước ta, các cấp sở/ngành, quận/huyện đều có đội ngũ tham mưu, nhưng tại sao vẫn sai? Bởi cái gốc là do cán bộ chuyên môn không giỏi, không sâu và không tách bạch, mà phụ thuộc vào người cao nhất”, ông Hậu phân tích.
Đáng nói, những người yếu kém lại khó thay thế ngay tức khắc, do quy trình xử lý cán bộ phức tạp. Đơn cử, giám đốc sở không thể cách chức trưởng phòng, mà phải thực hiện theo quy trình, phải trình nhiều cấp xem xét.
Niềm tin của nhân dân là sức mạnh vô song
Tham nhũng “đẻ” ra một lớp cán bộ quay lưng lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự của Đảng. Trong những ngày cuối tháng 8/2020, cơ quan công an đã bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đã có hành vi chiếm đoạt tài liệu điều tra trong vụ án Nhật Cường - đại án về kinh tế, tham nhũng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo là bài học đau xót và cảnh tỉnh về công tác cán bộ. Quả thực, nếu không kịp thời phát hiện, xử lý, tới đây, khi tiến hành Đại hội Đảng, những thành phần như ông Chung lọt vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao thì hậu họa không biết lớn đến chừng nào.
Vụ việc của ông Chung và nhiều lãnh đạo cấp cao khác đã củng cố lòng tin của nhân dân vào sự quyết tâm của Đảng trong trận chiến “không tiếng súng” chống tham nhũng. Có lòng tin là có tất cả. Lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh một chân lý, chỉ khi nào những người lãnh đạo nắm được lòng dân, tin vào sức mạnh của dân, thì những đường lối đúng đắn mới trở thành hiện thực trong cuộc sống.
Phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Tại Phiên họp thứ 18, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: sắp tới còn làm mạnh hơn nữa, đúng pháp luật, đúng lương tâm, để giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn là chính, chứ không phải cốt xử nhiều mới là tốt, làm sao để không phải xử, không xảy ra mới là tốt, mục đích của chúng ta là như thế, nhân văn là thế.