Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề công nghiệp Thierry Breton phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 19/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đề xuất này vẫn cần được chính phủ và các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận. Ủy viên phụ trách công nghiệp của EU, ông Thierry Breton, nói trong một cuộc họp báo rằng quỹ này có thể mua cổ phần, hoặc cấp các khoản vay cho các công ty chiến lược trong các lĩnh vực như y tế, vũ trụ, quốc phòng, công nghệ kỹ thuật số và công nghệ thân thiện với môi trường.
Ông Breton nói rằng khoản hỗ trợ tài chính của EU sẽ dành cho các công ty cần thêm vốn để tiếp tục mở rộng hoạt động, đồng thời giúp họ tránh sự “giúp đỡ” từ các đối tác không mong muốn.
Quỹ mới này có quy mô rất nhỏ so với các quỹ đầu tư chính phủ lớn có hàng trăm tỷ USD để đầu tư vào các công ty chiến lược. Tuy nhiên, tiềm lực tài chính của quỹ này dự kiến sẽ được tăng cường bằng cách thu hút thêm các nhà đầu tư tư nhân có bảo lãnh. EC ước tính rằng từ 15 tỷ euro được vay từ thị trường tài chính có thể tạo ra khoản đầu tư lên tới 150 tỷ euro (167 tỷ USD) trong giai đoạn 2021-2027.
Các đề xuất khác của EC bao gồm một "công cụ đảm bảo khả năng thanh toán nợ" trị giá 26 tỷ euro (28,9 tỷ USD) với mục tiêu hỗ trợ tạm thời cho các công ty vốn “khỏe mạnh” đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng COVID-19. Một quỹ 15,3 tỷ euro (17 tỷ USD) khác sẽ đầu tư vào các công ty nhỏ hơn và các công ty chuyên hoạt động về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và các vấn đề xã hội.
Mối lo ngại về lỗ hổng của một số công ty châu Âu đã tăng lên vào tháng Ba, sau khi có thông tin rằng Chính phủ Mỹ đang tìm cách tiếp cận với công ty công nghệ sinh học CureVac của Đức, bên đang phát triển một công nghệ mới có thể cắt giảm chi phí cho vắc-xin. EC đã phản ứng bằng cách cam kết cấp 80 triệu euro (89 triệu USD) cho CureVac.