| ||
Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính |
Thưa bà, hàng chục triệu gia đình rất lo lắng nếu năm học mới 2013-2014, học phí lại tiếp tục tăng?
Trước hết phải nói rằng, với mức chi cho giáo dục - đào tạo hàng năm tương đương 20% tổng chi ngân sách nhà nước, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đầu tư cho giáo dục - đào tạo cao nhất.
Tuy nhiên, do quy mô nền kinh tế còn nhỏ, trong khi nước ta lại có dân số trẻ, số lượng người đi học rất lớn, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này không đáp ứng được nhu cầu, nên cần phải có sự đóng góp của xã hội cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
So với các nước trên thế giới và với cả cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài, cơ sở giáo dục xã hội hóa, thì mức học phí của nước ta rất thấp, cơ sở vật chất cho giáo dục - đào tạo vừa thiếu, vừa lạc hậu.
Chính vì vậy, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới là cần thiết. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh rằng, điều chỉnh học phí được thực hiện theo lộ trình từng bước một.
Với gia đình có điều kiện, nâng học phí không ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng đối với gia đình có thu nhập thấp, người nghèo, nâng học phí là cả một vấn đề?
Không để bất cứ học sinh, sinh viên nào phải nghỉ học vì nhà nghèo là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, bên cạnh điều chỉnh học phí, Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như giảm học phí, miễn học phí và nhiều chính sách hỗ trợ khác, đặc biệt là chính sách tín dụng học sinh, sinh viên.
Đến thời điểm này, đã có hàng triệu học sinh, sinh viên được vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng mức cho vay tín dụng học sinh, sinh viên kể từ năm học 2013-2014 lên 1,1 triệu đồng/người/tháng (thay vì mức 800.000 đồng/tháng), với lãi suất 0,5%/tháng.
Bên cạnh học phí, rất nhiều người dân lo ngại các địa phương tiếp tục tăng viện phí?
Cũng như giáo dục - đào tạo, chúng ta không thể đòi hỏi chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cao khi mà giá dịch vụ quá thấp.
Khung viện phí cũ được ban hành cánh đây 17 năm, nên so với bất cứ tiêu chí nào như thu nhập bình quân đầu người, lạm phát, tăng trưởng kinh tế, giá nhập khẩu thiết bị y tế, tỷ giá, lương tối thiểu…, thì đều quá lạc hậu.
Năm 2012, liên Bộ Tài chính - Y tế đã ban hành mức tối đa khung giá 447 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Dựa vào khung giá này, các địa phương, cơ sở khám chữa bệnh điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.
Việc nâng viện phí cũng phải thực hiện theo lộ trình, bảo đảm mức chi trả của người dân, thưa bà?
Mức viện phí tối đa hiện nay vẫn có khoảng cách khá xa so với thị trường, nhưng để bảo đảm sức chi trả của người dân, cũng như sự hỗ trợ bảo hiểm y tế của ngân sách nhà nước với người nghèo, người cận nghèo, gia đình chính sách…, thì viện phí được điều chỉnh dần với mục tiêu đặt ra là, đến năm 2020 mới theo sát giá dịch vụ y tế trên thị trường.
Trong lộ trình này, mặc dù khung viện phí đã được ban hành, nhưng khi kinh tế gặp khó khăn, Bộ Tài chính đều có công văn đề nghị HĐND cấp tỉnh giãn lộ trình tăng viện phí.
Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, mới có khoảng 20% số địa phương điều chỉnh viện phí, với mức điều chỉnh thấp hơn rất nhiều so với khung viện phí tối đa.
Mạnh Bôn