Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dự kiến sáng 25/4, NHNN sẽ tổ chức thực hiện bán đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 82,3 triệu đồng/lượng. Mức giá này được coi là kém hấp dẫn với các doanh nghiệp, cao hơn giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp mua vào trên thị trường sáng nay (81,7 triệu đồng/lượng).
Tuy vậy, phiên đấu thầu này của NHNN đã bị hủy do chỉ có một thành viên đăng ký tham gia.
Trước đó, tại phiên đấu thầu ngày 23/4, chỉ có 2 thành viên trúng thầu là SJC và ACB. Tổng khối lượng trúng thầu là 3.400 lượng vàng SJC, tương đương 20% lượng vàng mang ra đấu thầu, 80% lượng vàng còn lại bị "ế".
Theo các doanh nghiệp, sở dĩ vàng đấu thầu không được mặn mà do có nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể, NHNN quy định 1 đơn vị phải đặt mua tối thiểu 1.400 lượng trong khi lượng vàng bán được mỗi ngày rất ít. Chưa kể, sau khi trúng thầu 2 ngày mới nhận được vàng trong khi giá vàng lại biến động rất mạnh khiến doanh nghiệp gặp rủi ro.
Ngoài ra, theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cũng cho rằng mức giá khởi điểm đấu thầu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vẫn còn cao, khó có thể kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, giá trúng thầu sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. Do đó, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Giải pháp căn cơ nhất, theo chuyên gia này, là phải cho phép nhập khẩu vàng.