Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào than nhập khẩu, với mức chi ngoại tệ 10 tháng 2018 để nhập khẩu than đã vượt 2 tỷ USD. |
Chi nhập khẩu 10 tháng vượt 2 tỷ USD
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than đá vào Việt Nam sau khi sụt giảm liên tục từ tháng 6 đến tháng 8/2018, thì bắt đầu từ tháng 9/2018 tăng trở lại 31,9% về lượng và tăng 36,9% về kim ngạch; tháng 10/2018 tăng tiếp 8,5% về lượng và tăng 13,3% về kim ngạch, đạt 2,17 triệu tấn, tương đương 268,56 triệu USD.
Tổng cộng 10 tháng đầu năm 2018, cả nước đã nhập khẩu 17,34 triệu tấn than đá, trị giá 2,05 tỷ USD, tăng 48,8% về lượng và tăng 71,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính chi nhập khẩu 11 tháng đã vượt 2,2 tỷ USD với gần 20 triệu tấn.
Australia, Indonesia và Trung Quốc là 3 thị trường lớn nhất cung cấp than đá cho Việt Nam; trong đó than nhập khẩu từ Australia chiếm 26% trong tổng lượng và chiếm 33,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu than của cả nước, đạt 4,52 triệu tấn, tương đương 692,52 triệu USD, tăng 47,6% về lượng và tăng 89,6% về trị giá so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu cũng tăng 28,5%, đạt 153,1 USD/tấn.
Nhập khẩu than từ thị trường Indonesia chiếm 50% trong tổng lượng và chiếm 31,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu than của cả nước, đạt 8,67 triệu tấn, tương đương 638,27 triệu USD, tăng rất mạnh 92,2% về lượng và tăng 115,4% về trị giá so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu từ thị trường này tăng trên 12%, đạt trung bình 73,6 USD/tấn.
Than nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tuy giảm 19,7% về lượng nhưng tăng 37,3% về kim ngạch, đạt 742.183 tấn, trị giá 255,19 triệu USD, chiếm gần 4,3% trong tổng lượng và chiếm 12,7 trong tổng kim ngạch nhập khẩu than của cả nước. Giá nhập trung bình tăng rất mạnh 71%, đạt 343,8 USD/tấn.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu than từ thị trường Nga 1,98 triệu tấn, trị giá 210,04 triệu USD, giảm 2,8% về lượng nhưng tăng 5,6% về kim ngạch. Nhập khẩu từ thị trường Malaysia 275.464 tấn, trị giá 15,69 triệu USD, tăng 85,6% về lượng và tăng 110,8% về kim ngạch. Nhập khẩu than từ Nhật Bản 20.128 tấn, trị giá 6,91 triệu USD, tăng rất 272,3% về lượng và tăng 321% về kim ngạch.
Nhu cầu tiêu dùng than gia tăng đã kéo theo lượng than nhập khẩu không ngừng gia tăng. Trước năm 2014, thống kê hải quan không xếp than vào danh mục 50 mặt hàng nhập khẩu lớn, nhưng sang năm 2014, đã có 3,096 triệu tấn than được nhập khẩu, với trị giá 364,1 triệu USD.
Năm 2016, nhập khẩu than đã tăng vọt lên 13,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 927 triệu USD. So với năm 2015, tăng 92,4% về lượng và 69,4% về giá trị.
Kết thúc năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 14,5 triệu tấn than đá, tăng 9,8% so với năm 2016. Trị giá nhập khẩu đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 58,4% so với năm trước. Giá nhập khẩu than bình quân năm 2017 là 105 USD/tấn, tăng 44,2% so với năm 2016.
Gia tăng than cho nhiệt điện
Mặc dù lượng than cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều đạt ở mức cao so với kế hoạch năm và vượt so với cùng kỳ năm 2017 do nhu cầu than của các nhà máy nhiệt điện và các hộ tiêu thụ đều ở mức cao so với dự kiến đầu năm.
Số liệu của Bộ Công Thương, 10 tháng 2018 sản lượng than sạch ước đạt 34,35 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó sản lượng than sạch của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản là 29,6 triệu tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Còn Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, TKV đặt ra kế hoạch năm 2018 với sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao khoảng 4,4 triệu tấn so với dự báo, đặc biệt nhu cầu than cho điện tăng hơn so với dự tính 5,4 triệu tấn.
Nguyên nhân chính xuất phát từ các nhà máy nhiệt điện than phát hết công suất, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm.nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao do thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động.
Ngoài ra, do giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10 USD/tấn dẫn tới các hộ tiêu thụ chuyển từ nhập khẩu sang mua than từ TKV.
Nhu cầu nhiên liệu than cho sản xuất điện lớn, EVN cho biết, tại các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh, Hải Phòng than thở thiếu hụt than trầm trọng.
Để đảm bảo đủ than cho sản xuất, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất than lớn tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác thăm dò và nâng cấp trữ lượng, đảm bảo đủ độ tin cậy để huy động vào thiết kế khai thác theo Quy hoạch; đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án đầu tư mỏ than, các dự án môi trường, hạ tầng phục vụ sản xuất than vào sản xuất và vận hành đúng tiến độ theo Quy hoạch để chuẩn bị nguồn than cung cấp dài hạn cho các hộ tiêu thụ trong nước.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cũng đã tăng cường chỉ đạo thực hiện Chiến dịch thi đua 90 ngày đêm sản xuất và tiêu thụ than, không để thiếu than cho điện, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2018. Cùng với đó, tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động, quản lý tài nguyên, quản trị chi phí, giá thành; chuẩn bị tốt tài nguyên và các điều kiện, sẵn sàng cho kế hoạch sản xuất 2019.
Về tình hình cung ứng than cho năm 2019, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc TKV cho biết, nhu cầu tiêu thụ than trong nước năm 2019 đối với nguồn than do TKV cung cấp sẽ tiếp tục tăng cao, TKV tính toán sản lượng khai thác và nhập khẩu sẽ đáp ứng cung cấp cho các hộ tiêu thụ.