Oằn mình gánh phí bản quyền
Sự kiện VTVcab, NextTV bất ngờ cắt sóng hàng loạt kênh quốc tế hấp dẫn và mới đây SCTV cũng lên tiếng sẽ “phải thay kênh nước ngoài” cho thấy tình trạng độc quyền tăng giá, bán giá cao đã đẩy các nhà đài vào sự lựa chọn khó khăn.
Một điển hình nhất cho câu chuyện này là phí bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh. Hơn 10 năm trước, giá phí bản quyền truyền hình mới chỉ 2 triệu USD cho 3 mùa giải, thì hiện giờ phí bản quyền truyền hình đã là 46 triệu USD, cao gấp 23 lần.
Doanh nghiệp truyền hình trả tiền đang gặp khó khăn khi bị các đại lý độc quyền phân phối kênh truyền hình nước ngoài chèn ép giá, tăng giá. |
Hay như bản quyền Giải bóng đá Vô địch Thế giới 2018 (World Cup 2018) chỉ còn 2 tháng nữa là khởi tranh, nhưng chưa nhà đài nào của Việt Nam có bản quyền vì giá quá cao, chưa biết nhà đài nào đủ lực mua vì giá được phát ra tới hàng chục triệu USD.
Các nhà đài cho biết, doanh nghiệp truyền hình trả tiền đang gặp khó khăn khi bị các đại lý độc quyền phân phối kênh truyền hình nước ngoài chèn ép giá, tăng giá chóng mặt trong những năm qua.
“Mỗi năm giá bản quyền kênh truyền hình nước ngoài tăng tới 30%. Đó là lý do vì sao, VTVcab mới đây đã hạ gói kênh truyền hình quốc tế của một đại lý phân phối. VTVcab không mua gói kênh này nữa, mà chuyển sang mua gói kênh quốc tế khác rẻ hơn rất nhiều. Sắp tới, SCTV cũng buộc phải làm như vậy. K+ đã có dự định hạ kênh quốc tế từ tháng 1/2018, nhưng chưa được đồng ý vì còn một số yếu tố cần cân nhắc”, ông Nguyễn Thành Lương, Phó tổng giám đốc VTV, Chủ tịch Truyền hình K+ tiết lộ.
Còn ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV), Tổng giám đốc SCTV cũng cho biết, chi phí bản quyền các kênh quốc tế và các giải thể thao đỉnh cao ngày một tăng cao, trở thành gánh nặng đối với các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền, trong khi mức thu nhập và sẵn sàng chi trả của đại bộ phận người dân nước ta còn khá thấp. Nếu đầu tư vào bản quyền này thì các đơn vị truyền hình trả tiền hầu như không còn ngân sách dành cho sản xuất nội dung riêng của mình nữa.
Đoàn kết để “xô đổ” độc quyền
Tại Việt Nam, hiện các nhà đài phải mua bản quyền kênh truyền hình quốc tế thông qua các đại lý phân phối là doanh nghiệp trong nước, để đảm bảo Nhà nước quản lý và thu được thuế từ các doanh nghiệp này. Nhưng các kênh truyền hình quốc tế lại chỉ bán độc quyền cho 1 đại lý Việt Nam. Chính sự độc quyền này buộc các nhà đài không có đường thương thảo, bị ép phải mua giá cao, nếu không sẽ bị mất khách, giảm thuê bao, quảng cáo, dẫn tới mất doanh thu, thị phần. Thậm chí, mua bản quyền xong, các nhà đài còn không được khai thác quảng cáo, mà các đại lý còn quảng cáo trên kênh đã bán đó.
Thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, hiện đã cấp phép cho 70 kênh truyền hình quốc tế được phát sóng vào Việt Nam. Đáng chú ý là Qnet được cấp phép gần 30 kênh và đã phân phối 23 kênh trên thị trường Việt Nam. Còn lại 40 kênh nước ngoài do 9 đại lý phân phối khác cung cấp, mỗi đại lý phân phối một vài kênh, trong đó có Thảo Lê, BHD, Fox…
Câu chuyện chỉ có một số ít kênh hấp dẫn về thể thao, phim truyện, hoạt hình, khám phá, gamshow (6-8 kênh top đầu thế giới) là được ưa thích, nhưng các nhà cung cấp độc quyền như Qnet đã bán chung thành gói, kiểu “bia kèm lạc”, nhà đài không được mua lẻ kênh hay, nên giá gói rất cao. Song nhà đài Việt Nam phải cắn răng mua vì không có sự lựa chọn nào khác.
Hệ quả của sự tăng giá, độc quyền là thị trường truyền hình tuột dốc, thuê bao tuy tăng, nhưng doanh thu giảm. Việc VTVcab, NextTV, SCTV và rất có thể tới đây là K+ “tẩy chay” các gói bản quyền truyền hình giá cao là một tín hiệu tốt, cho thấy sự phản ứng dây chuyền của nhà đài Việt Nam. Tất nhiên, trước mắt sẽ ảnh hưởng đến người xem truyền hình, nhưng nếu muốn “xô đổ” được bức tường độc quyền, các nhà đài cần phải đoàn kết, cùng nhau hợp lực để “dễ thở” hơn.