Nhà đầu tư quay lương với phiên IPO của VTVCab |
VTV Cab đấu giá 42.292.624 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) với giá khởi điểm 140.900 đồng/cổ phần. Ở mức giá này, so sánh trên kế hoạch lợi nhuận mà doanh nghiệp dự kiến thực hiện được sau cổ phần hóa, cũng như hoạt động kinh doanh trong 3 năm gần nhất của Tổng công ty, P/E của cổ phiếu lên tới 334 lần, có thể coi là mức cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Trước đó, chuyện định giá VTVCab đã khá ồn ào khi vào tháng 5/2017, Kiểm toán Nhà nước có văn bản thông báo về kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá của VTVcab, theo đó tổng giá trị tài sản của Tổng công ty là 4.278 tỷ đồng, tăng 279 tỷ đồng so với con số do Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán CPA Việt Nam định giá.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc kiểm kê, phân loại tài sản, xác định một số tài sản cố định vô hình vào tài sản cố định hữu hình chưa đúng dẫn tới định giá của CPA phải điều chỉnh phần giá trị quyền sử dụng đất từ tài sản cố định hữu hình sang tài sản cố định vô hình.
Trong bản cáo bạch của VTVCab, tổng giá trị tài sản theo sổ sách kế toán là 2.001 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 450 tỷ đồng, nhưng khi xác định lại lên tới 6.350 tỷ đồng, cộng thêm nợ phải trả là 1.550 tỷ đồng, tài sản của VTV Cab đạt 7.900 tỷ đồng.
Bản cáo bạch không nêu rõ chênh lệch khi xác định lại đến từ đâu nhưng thị trường phỏng đoán đến từ bản quyền truyền hình, khai thác tần số… còn giá trị chênh lệch từ quyền thuê đất không thể hiện do VTVCab chỉ có đất thuê 337 m2 trả tiền hàng năm.
Đáng lạ hơn nữa là bản công bố thông tin của VTVCab không làm rõ việc định giá cổ phiếu (giá khởi điểm) được xác định như thế nào, trong khi thông tin này luôn là khoản mục được nhà đầu tư quan tâm hàng đầu trong các bản cáo bạch.
Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với ông Chu Mạnh Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam, đơn vị tư vấn cổ phần hóa để làm rõ thêm thông tin về cách xác định giá khởi điểm gấp hơn 14 lần mệnh giá, nhưng ông Hiển chỉ nói rằng, bản công bố thông tin trên đã làm đúng các hướng dẫn hiện hành và dựa trên số liệu do VTVCab cung cấp.
140.900 đồng/cổ phần là mức giá rất cao trên thị trường, trong khi thông tin định giá doanh nghiệp, định giá cổ phiếu không đầy đủ, đây là một trong những lý do khiến nhà đầu tư đã quay lưng với đợt đấu giá.
Đề cập đến định giá doanh nghiệp, giới đầu tư vẫn chưa quên câu chuyện được coi là “thổi giá” AVG trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG với giá 8.889,815 tỷ đồng, khiến Nhà nước thiệt hại 7.006 tỷ đồng.
Với các đơn vị khác nhau, AVG đã có các kết quả thẩm định giá khác nhau nhưng đều rất cao từ 16.565 - 33.299,48 tỷ đồng, trong khi phương pháp xác định giá trị sổ sách chỉ là 1.970 tỷ đồng.
Chênh lệch rất lớn trên đến từ việc các đơn vị áp dụng các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau gồm phương pháp định giá theo giá trị sổ sách và phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền.
MobiFone mua 95% cổ phần của AVG với giá 8.889,815 tỷ đồng, khiến Nhà nước thiệt hại 7.006 tỷ đồng |
Trong báo cáo tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp AVG, với phương pháp chiết khấu dòng tiền, các thẩm định viên đã trình bày căn cứ và công thức tính toán đúng theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, dữ liệu đầu vào để tính toán do AVG cung cấp lại có sự rất bất hợp lý theo cách nhìn của thị trường.
Cụ thể, năm 2015, AVG lỗ 2.644 tỷ đồng, năm 2016 tiếp tục lỗ 113 tỷ đồng, vậy mà năm 2017 dự kiến lãi tới 271 tỷ đồng, đến năm 2018, kế hoạch lãi tới 1.389 tỷ đồng, tức là tăng 412%, trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh quyết liệt. Các năm sau đó, AVG đều giả định lãi khủng với 3.091 tỷ đồng vào năm 2019 và 5.396 tỷ đồng vào năm 2020.
Hai câu chuyện, hai góc nhìn khác nhau nhưng đều cho thấy một điểm chung là việc định giá doanh nghiệp đang khá lộn xộn. Sự chênh lệch có thể lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng một cách rất “cảm tính”.
Một vụ việc khác liên quan đến đấu giá tài sản nhà nước là nhà đất số 3 Đặng Thái Thân của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia. Lô đất vàng, có diện tích gần 1.000 m2 mà chỉ có giá khởi điểm hơn 90 tỷ đồng. Cuộc đấu giá sau đó dính nghi án có kẽ hở gây thất thoát tài sản nhà nước và đến nay các bên có liên quan (Công ty cổ phần Đấu giá Thành An, Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Trung, Công ty Đấu giá Bắc Trung Nam, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia) đã đưa nhau ra tòa.
Bình luận về những câu chuyện này, một chuyên gia tài chính cho biết, người ta dễ dàng đạo diễn giá trị doanh nghiệp, tài sản nhà nước, nhất là những trường hợp liên quan đến đất đai, vì thế nào là giá trị thị trường hợp lý thì khó ai chứng minh được.
Một lô đất thuê ở trung tâm thành phố đã trả tiền một lần cách đây 20 năm chỉ có giá 5 tỷ đồng trên sổ sách, nhưng nếu theo giá giao dịch trên thị trường có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đây là một lỗ hổng khiến tài sản nhà nước bị trục lợi rất nhức nhối thời gian qua và dự kiến từ 1/5 tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn việc thẩm định giá trị quyền thuê đất.
Một hạn chế khác khiến cho nghiệp vụ định giá tại Việt Nam rất yếu và thiếu tính thị trường là các văn bản pháp lý hiện hành quy định không thực hiện định giá doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước nếu không cổ phần hóa, không liên doanh hoặc không giải thể, phá sản doanh nghiệp.
Trong khi chờ các hướng dẫn, quy định liên quan đến lĩnh vực thẩm định giá được ban hành đầy đủ, các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, mua bán tài sản, chỉ có một cách để hạn chế được rủi ro. Đó là công bố thông tin minh bạch, công khai thông tin cả trước, trong và sau khi thực hiện định giá, mua bán tài sản một cách rộng rãi trên thị trường.