Đầu tư
Chia sẻ rủi ro để thu hút đầu tư tư nhân
Mạnh Bôn - 20/05/2020 07:10
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) sẽ được thảo luận trực tuyến và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng nay (20/5), trong đó, cơ chế chia sẻ rủi ro trong dự án PPP là một trong những điểm đang được đặc biệt quan tâm. Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cơ chế này thể hiện sự bình đẳng trong quan hệ đối tác giữa Nhà nước - nhà đầu tư và sẽ thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.
TIN LIÊN QUAN
.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã là đầu tư, kinh doanh, thì “lời ăn, lỗ chịu”, vì vậy, Nhà nước chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp dự án PPP là vô lý. Quan điểm của ông thế nào?

Khác với hoạt động đầu tư khác, đây là đầu tư theo phương thức đối tác giữa khu vực công và khu vực tư. Nhà nước với tư cách là một đối tác của dự án và nhà đầu tư là đối tác còn lại, mà đã là đối tác thì phải bình đẳng. Cơ quan quản lý nhà nước đứng ra ký hợp đồng PPP với doanh nghiệp phải tách bạch vai trò quản lý nhà nước với vai trò đối tác của dự án.

Có thể hình dung, dự án PPP là một con thuyền, Nhà nước và nhà đầu tư cùng ngồi trên con thuyền đó. Nếu con thuyền về đích sớm hơn dự kiến, vận hành hiệu quả, thì cả 2 bên cùng nhau chia sẻ lợi ích. Ngược lại, không may con thuyền gặp rủi ro, thì cả 2 bên cùng nhau chia sẻ thiệt hại. Còn nếu theo quan điểm “lời ăn, lỗ chịu”, thì Nhà nước không phải là đối tác của doanh nghiệp và dự án không còn là đối tác công - tư nữa.

Chính vì vậy, Dự thảo Luật PPP thiết kế cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu. Theo đó, doanh nghiệp chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Ngược lại, Nhà nước cũng có nghĩa vụ chia sẻ với nhà đầu tư 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Thiết kế như vậy thể hiện sự bình đẳng, đúng theo quan hệ đối tác.

Nhà đầu tư chỉ phải góp vốn chủ sở hữu 15% (tối thiểu) tổng mức đầu tư dự án, phần còn lại đi vay và được tính vào chi phí dự án, trong khi lại được Nhà nước chia sẻ rủi ro. Thưa ông, như vậy, có phải nhà đầu tư cầm phần thắng nhiều hơn không?

Nếu doanh thu cao hơn dự kiến, thì doanh nghiệp phải chia ngay cho Nhà nước một nửa số vượt, nhưng không phải cứ giảm doanh thu so với dự kiến, thì Nhà nước chia sẻ ngay.

Để được chia sẻ rủi ro, dự án PPP phải đáp ứng điều kiện: do cơ quan có thẩm quyền lập; chỉ áp dụng cho loại hợp đồng BOT, BTO, BOO; không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu cam kết tại hợp đồng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ, điều chỉnh thời hạn hợp đồng, nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu.

Quy định như vậy, theo tôi, là bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư nhằm thu hút khu vực tư nhân vào các dự án PPP.

Không đứng tên trong hợp đồng PPP, nhưng người dân trả phí sử dụng dịch vụ, nên cũng có thể coi là một đối tác. Tuy nhiên, trong cơ chế chia sẻ này, dường như người dân không được hưởng lợi gì?

Nếu doanh thu dự án PPP vượt dự kiến, Nhà nước được chia một nửa phần tăng doanh thu, có thêm nguồn tài chính để đầu tư trở lại nền kinh tế, hạ tầng, thực hiện chính sách an sinh xã hội, có nghĩa là người dân đã được hưởng lợi.

Ngược lại, nếu Nhà nước không chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, thì dự án khó vay vốn, chịu lãi suất cao, tăng chi phí đầu tư, kéo dài thời gian thu phí, hoặc mức phí cao hơn so với dự án được Nhà nước chia sẻ rủi ro. Như vậy, khi thực hiện cơ chế chia sẻ rủi ro, người dân sử dụng dịch vụ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Hơn nữa, đầu tư PPP không chỉ để bù đắp thiếu hụt, có thêm nguồn lực đầu tư, mà còn giúp tận dụng công nghệ, chuyên môn, kinh nghiệm quản lý của khu vực tư nhân vào xây dựng, quản lý công trình hạ tầng, dịch vụ công hiệu quả hơn, qua đó, người dân được hưởng dịch vụ chất lượng cao hơn với mức chi phí hợp lý. Đầu tư PPP là giải pháp hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần tăng trưởng kinh tế và đem lại nhiều lợi ích.

Vậy tại sao vẫn có tình trạng người dân phản đối các dự án BOT giao thông, thưa ông?

Ngay cả những nước phát triển và thành công trong đầu tư PPP, thì thời gian đầu cũng không tránh khỏi sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công.

Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, người dân ở một số nơi không đồng thuận với dự án BOT, thậm chí còn phản ứng quá mức cần thiết. Theo tôi, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt là chưa làm tốt khâu tuyên truyền.

Vì vậy, cần tuyên truyền cho người dân hiểu, trong khi nguồn lực có hạn, bằng hình thức PPP, Nhà nước vẫn có thể cung cấp các dịch vụ công cho người dân, xã hội. Với dự án BOT, sau một thời gian khai thác, doanh nghiệp phải chuyển giao công trình, dự án cho Nhà nước và dự án sẽ trở thành tài sản công.

Sau khi Luật PPP được thông qua, liệu có xuất hiện “làn sóng” đầu tư PPP?

Đầu tư PPP bắt đầu được áp dụng từ năm 1997 và đến nay đã có 336 dự án được đầu tư, thu hút khoảng 1.069.295 tỷ đồng. Nhờ có sự tham gia của khu vực tư nhân, chất lượng hạ tầng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, hiện đứng ở vị trí thứ 79/137 quốc gia (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018).

Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu đầu tư hạ tầng của Việt Nam khoảng 480 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030.

Trong điều kiện tài chính có hạn, nếu muốn đạt được tốc độ phát triển cao, phải huy động thêm nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để cùng đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển. Việc xây dựng Luật PPP chính là hướng đến mục tiêu này.

Tin liên quan
Tin khác